Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhằm tăng cường sự hợp tác giữa DN và báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Các DN cần chủ động, cởi mở trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Ngược lại, báo chí cũng cần công tâm, trách nhiệm hơn trong việc phản ánh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp - Hình 1

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Ông nhìn nhận vai trò của báo chí trong sự phát triển của DN hiện nay như thế nào?

Suốt những năm qua, trong sự phát triển của DN, luôn có sự đồng hành của báo chí. Những thông tin - kiến thức từ các cơ quan báo chí, rồi hoạt động thương mại đầu tư thông qua các cơ quan báo chí, luôn rất quan trọng đối với DN. Báo chí đã góp phần tôn vinh, xây dựng hình ảnh DN trong thời kỳ đổi mới. Báo chí là người bạn đồng hành cùng DN trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Báo chí là kênh tiếp xúc với DN một cách thường xuyên để hỗ trợ DN trong nhiều hoạt động như kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường…; đồng thời, giúp DN định hướng những mô hình kinh tế mới, những kiến thức quản trị.

 Báo chí góp phần động viên, cổ vũ DN trong những thời điểm khó khăn; báo chí nói lên tiếng nói của DN, doanh nhân trong quá trình bảo vệ quyền lợi của DN; góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế thị trường. Báo chí luôn là nguồn lực quan trọng song hành cùng với DN trong quá trình phát triển.

Riêng đối với hoạt động chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của các DN Việt Nam, vai trò báo chí thể hiện như thế nào, thưa ông?

Trước hết, muốn chống được hàng giả, gian lận thương mại, minh bạch là một yêu cầu quan trọng nhất. Đó là môi trường kinh doanh minh bạch, thông tin minh bạch. Báo chí là một trong những công cụ rất quan trọng để tạo sự minh bạch trên thị trường. Báo chí cũng là lực lượng rất quan trọng để giám sát sự minh bạch. Trong thời gian qua, báo chí đã đóng góp rất tích cực vào quá trình này. Tuy nhiên, thời gian tới, tôi nghĩ cần có những phương thức hoạt động tốt hơn để tăng cường vai trò của báo chí trong lĩnh vực này. Những yêu cầu công khai, minh bạch đối với các DN cũng cần phải được đề cập.

Để chống hàng giả, gian lận thương mại, những DN làm ăn chân chính, có thương hiệu, có sản phẩm tốt cần tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Đồng thời, DN cần hợp tác với báo chí trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên cho người tiêu dùng, cho xã hội về hàng hóa của DN, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết, phân biệt hàng thật với hàng giả để có sự lựa chọn tốt nhất.

Bên cạnh đó, vai trò thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, cần được tăng cường và cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí.

Theo ông, trong thời gian qua, đâu là những mặt còn khiếm khuyết trong sự hợp tác giữa DN và báo chí?

Trước hết, phải nói rằng, đa số cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên thực sự là đối tác tin cậy của DN. Bởi vì, mọi thông tin, kiến thức và các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư… được triển khai thông qua lực lượng báo chí, ảnh hưởng lớn đến DN.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ, một số cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên đôi khi đã làm tổn thương đến các DN. Cụ thể như, đưa các thông tin không chính xác, thông tin không đầy đủ; thậm chí, đôi lúc, có thể các thông tin bị lợi dụng để làm xấu đi hình ảnh DN, doanh nhân, từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN. Thậm chí, một số DN, doanh nhân bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng đến mức phá sản vì những thông tin sai lệch trên báo chí.

Vậy, làm thế nào để tăng cường sự hợp tác giữa DN và báo chí?

Tôi nghĩ rằng, phía DN và các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh hợp tác theo chữ TÂM; sự hợp tác đó phải xây dựng trên cả chữ TÂM và chữ TẦM để giúp DN hoạt động tốt hơn.

Báo chí cần phải công bằng hơn trong đánh giá các hoạt động của DN để không bị lợi dụng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Báo chí phải phản ánh một cách chính xác các hoạt động của DN trên cơ sở thẩm định tốt thông tin. Bởi lẽ, cũng có thể có trường hợp, cơ quan báo chí hay nhà báo, phóng viên đưa thông tin sai lệch một cách có chủ định; nhưng có những trường hợp do thiếu thông tin hoặc do hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phóng viên mà vô tình đưa ra những bài báo, trong đó nhận định, phán xét, đánh giá làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Vừa qua, một loạt vụ việc được báo chí nêu ra, các cơ quan thanh tra, kiểm tra làm rõ, đã phát hiện khá nhiều vi phạm. Song DN, doanh nhân vẫn là lực lượng quan trọng góp phần quyết định sự phát triển của đất nước. Môi trường kinh doanh khó khăn không chỉ từ thương trường, đối thủ cạnh tranh, mà còn từ hệ thống pháp lý, thể chế - cơ chế - chính sách… và nhiều DN trụ vững được, đã là sự nỗ lực rất lớn. Vì vậy, bên cạnh việc chống tham nhũng, chống tiêu cực…, mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành cùng DN với niềm tin yêu, hỗ trợ, tiếp sức; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tôn vinh những DN, doanh nhân chân chính, tiêu biểu.

Để tăng cường sự hợp tác giữa DN và báo chí, các DN cần chủ động, cởi mở trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Ngược lại, báo chí cũng cần công tâm, trách nhiệm hơn trong việc phản ánh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Cần có sự tương tác thường xuyên giữa các cơ quan báo chí và DN, vì lợi ích chung.

Thực tế hiện nay, không ít DN ngại tiếp xúc với báo chí. Theo ông, đâu là lý do và cách giải quyết vấn đề này như thế nào?

Có thể nói, trong môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, hay thay đổi; những ràng buộc về hành chính, tồn tại nhiều giấy phép con, thủ tục hành chính phiền hà; một bộ phận cán bộ chưa thực sự tân tâm… Điều đó, khiến DN nhiều khi làm kinh doanh phải vận dụng linh hoạt, thậm chí tìm cách luồn lách, tranh thủ quan hệ… Nhiều văn bản luật pháp quy định không rõ ràng, có khi vận dụng theo kiểu gì cũng được; các cơ quan chính quyền quyết định theo một hướng, nhưng sau đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra lại quyết định theo hướng khác khiến DN “gánh đủ”. Vì vậy, nhiều DN ngại, không sẵn sàng cởi mở với báo chí.

Có những DN làm sai thì ngại tiếp xúc với báo chí, nhưng cũng có những DN không làm sai cũng ngại.

Bởi vậy, tôi hy vọng, thể chế thực sự minh bạch, rõ ràng để DN được an toàn hơn. Khi pháp luật chỉ có một cách hiểu, khi thủ tục hành chính trở nên đơn giản, thì DN sẽ không phải luồn lách, tranh thủ quan hệ, không còn sự bất an thường trực, không còn “ngại” báo chí.

VCCI có những hoạt động gì nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa báo chí và DN?

Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm, VCCI thường tổ chức tọa đàm giữa báo chí và DN với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và các DN, hiệp hội ngành nghề.

Dịp này năm nay, VCCI cũng tổ chức diễn đàn lớn giữa báo chí và DN, theo đó, đại diện các cơ quan báo chí và cộng đồng DN bàn về chương trình phối hợp trong giai đoạn tới vì sự phát triển của DN.

VCCI cũng có thỏa thuận hợp tác với Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác giữa báo chí và DN và sẽ triển khai thỏa thuận này trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ tổ chức gặp gỡ báo chí và DN thường xuyên hơn với hình thức đa dạng, phong phú, gần gũi, cởi mở để có thể chia sẻ, tương tác, lắng nghe, chắp mối…

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà (Thực hiện)

Tin mới

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Dự thảo Luật Việc làm
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Dự thảo Luật Việc làm

So với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) - do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn...

Thừa Thiên Huế: Siết chặt quản lý thuế kinh doanh xây dựng, chuyển nhượng BĐS ngoại tỉnh
Thừa Thiên Huế: Siết chặt quản lý thuế kinh doanh xây dựng, chuyển nhượng BĐS ngoại tỉnh

Ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND tăng cường các giải pháp khai thác nguồn thu, quản lý tốt nguồn thu từ các đơn vị có trụ sở chính khác địa bàn tỉnh, nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh...

Thái Bình tiếp tục đón dòng vốn đầu tư lớn
Thái Bình tiếp tục đón dòng vốn đầu tư lớn

Chín dự án với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng - được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, ngay trong Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Lâm Đồng: Tạm dừng bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 5 huyện, thành phố
Lâm Đồng: Tạm dừng bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 5 huyện, thành phố

Tỉnh uỷ Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu 5 huyện, thành phố tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động các chức danh lãnh đạo, quản lý, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách...

Điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo viên THCS hạng II
Điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo viên THCS hạng II

Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31), thì giáo viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hạng II và trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II do cơ quan có thẩm quyền tổ chức...

Lại xảy ra tai nạn lao động tại Công ty Than Dương Huy
Lại xảy ra tai nạn lao động tại Công ty Than Dương Huy

Trong quá trình vận hành máng cào, một công nhân thuộc Công ty Than Dương Huy bị thanh sắt chọc vào người dẫn đến tử vong...