Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn...

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN 

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tập trung vào các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật.

Nội dung chất vấn làm rõ các giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Nâng cao chất lượng đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Các Chương trình năm 2017, 2018 (đã được Quốc hội thông qua) và Chương trình năm 2019 (Tờ trình của Chính phủ số 43/TTr-CP, ngày 28/2/2018).

Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất được Quốc hội chấp thuận và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 718 văn bản, trong đó có 93 đề nghị và dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Mặc dù số lượng dự thảo văn bản lớn, nhiều văn bản có nội dung mới, phức tạp, nhưng Bộ Tư pháp đã cố gắng để bảo đảm tiến độ thẩm định. Đặc biệt, trong một số trường hợp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tập trung nguồn lực, rút ngắn thời gian thẩm định, như thẩm định các đề nghị xây dựng các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch; thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án lùi, rút khỏi Chương trình). Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật; có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đáng chú ý, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Ngoài ra, chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản...

Bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh

Để bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong đó tập trung thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi.

Các bộ, ngành cần đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản. Đối với các bộ, ngành có dự án phải xin lùi, rút trong thời gian qua thì cần rà soát, xác định rõ thứ tự ưu tiên để cân đối, bảo đảm phù hợp với nguồn lực, khả năng thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hóa bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực, chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

Chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đến nay đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 9 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, số lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện, như chùm 50 nghị định quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; các văn bản quy định chi tiết một số luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và 1/1/2018 (Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Trợ giúp pháp lý...).

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Hình 2

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tính đến ngày 12/3/2018 còn nợ 22 văn bản quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua, một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản.

Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết.

Các cơ quan cần dự kiến, đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Các bộ, ngành cần định kỳ và kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục; tiếp tục công khai tình hình soạn thảo, trình văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Theo TTXVN

Bài liên quan

Tin mới

70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Đây là thắng lợi to lớn, bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc; biểu tượng sinh động sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Hàng chục học sinh ở Quảng Ngãi nghi bị ngộ độc sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc
Hàng chục học sinh ở Quảng Ngãi nghi bị ngộ độc sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc

Sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc trước cổng trường, 15 em học sinh Trường THCS Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi… các em sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện kiểm tra, theo dõi.

Nghị định cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
Nghị định cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến các hoạt động thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong danh sách chờ nâng hạng đến bao giờ?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong danh sách chờ nâng hạng đến bao giờ?

Tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét phân hạng với khả năng tái phân hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp và sẽ được cập nhật về trạng thái danh sách chờ xét phân hạng trong kỳ cập nhật vào tháng 9/2024.

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia

Đó là một trong những mục tiêu tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.