Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái: Không thể mãi hô hào chung chung

THCL Nói về vấn đề chống hàng giả, hàng nhái (CHG), ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) trăn trở: “Người ta thường nói “các cấp chính quyền phải vào cuộc”, “các cơ quan nhà nước phải vào cuộc”, “cộng đồng phải vào cuộc”... Cách nói chung chung đó, không bao giờ sai, tuy nhiên không rõ ràng. Ai chịu trách nhiệm chính?”.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP)

Ông nhìn nhận ra sao về tình hình hàng giả, hàng nhái và xâm phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?

Vấn nạn này nó đã kéo dài rất nhiều năm qua, có lúc tăng lên, có lúc trùng lại. Một trong nhiều nguyên nhân đó là ở trong nước sản xuất, một số DN nhái thương hiệu của những nhà sản xuất lớn, có uy tín. Ngoài một số thương hiệu lớn, có uy tín, lại có những thương hiệu nhỏ, không có uy tín, sản phẩm sản xuất ra với chất lượng kém khiến NTD khó phân biệt.

Nguyên nhân lớn và nghiêm trọng nhất hiện nay là hàng giả từ nước ngoài đưa vào. Vì thế, hơn 31 ngành/nhóm hàng đang trong tình trạng bị làm giả, làm nhái; đáng lo ngại là những mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản... Các mặt hàng khác như phân bón, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử điện lạnh, vật liệu xây dựng… có thể nói, rất khó tìm được những mặt hàng không bị làm giả, làm nhái. Đây là vấn nạn mà tôi cho là rất nghiêm trọng.

Nghĩa là, vấn đề kiểm soát của chúng ta còn kém?

Nhiệm vụ này, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm; chỉ đạo của Chính phủ cũng quyết liệt, song lại bị hạn chế nhiều trong công tác chỉ đạo thực hiện của các tổ chức. Trên thực tế, lực lượng kiểm tra, kiểm soát dàn đều ở rất nhiều bộ, nhưng lại không đủ mạnh nên không kết hợp được sức mạnh. Nhà nước có cả BCĐ 389/QG, tuy nhiên, đó mới chỉ là BCĐ về chính sách, chủ trương, còn thực hiện lại là các cơ quan thực thi - đông nhưng chưa mạnh, chưa kể một số nguyên nhân khác…

Không phải là chúng ta chưa quan tâm đẩy lùi thực trạng này?

“Người ta thường nói “các cấp chính quyền phải vào cuộc”, “các cơ quan nhà nước phải vào cuộc”, “cộng đồng phải vào cuộc”... Cách nói chung chung đó, không bao giờ sai, tuy nhiên không rõ ràng. Ai chịu trách nhiệm chính?”. Nếu để hàng giả, hàng nhái tồn tại trên địa bàn thì cơ quan nào chịu trách nhiệm? Lãnh đạo địa phương có thể phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng xa vời lắm. Cơ bản là tổ chức thực hiện của chúng ta trên từng địa bàn như thế nào - thì đây là vấn đề còn rất yếu!

Vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh CHG?

Dù đã nói rất nhiều lần đó là luật pháp của Việt Nam cái gì cũng có, nhưng lại không đồng bộ và rất chồng chéo.

Chưa kể, trong lĩnh vực thực phẩm, hệ thống kiểm định chất lượng quá rắc rối và không đủ năng lực để kiểm định. Bởi một sản phẩm có rất nhiều chỉ tiêu (chính, phụ…) và chỉ tiêu nào cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống con người, vật nuôi, cây trồng, nhưng cái nào chính và bao nhiêu thì liệu có giám định nổi không (chưa kể, giám định mỗi nơi đưa ra một kết luận khác nhau)? Điều này khiến các cán bộ thực thi cũng rất bức xúc. Tôi cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của luật, nghị định, thông tư hướng dẫn… cho phù hợp.

Mặt khác, nói đến vấn đề giám định, phải nói đến tiền, trong khi chúng ta còn quá nhiều khó khăn; máy móc thiết bị có hàng nghìn, hàng vạn chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu phải có một phương pháp khác nhau, máy móc khác nhau, nhưng lấy đâu ra nguồn kinh phí để làm? Đây là vấn đề rất khó giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

Phải nói rằng, cuộc đấu tranh CHG hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước rất quan tâm và khuyến khích DN xây dựng thương hiệu, đã cho phần xây dựng thương hiệu vào giá thành của sản phẩm, đã công nhận đó là chi phí hợp lý, nhưng còn vấn đề kinh phí cho DN để bảo vệ thương hiệu đó thì thường mới ở mức vận dụng mà thôi. Nhà nước chưa có một quyết định chính thức nào để công nhận rằng, DN phải có một quỹ để bảo vệ thương hiệu.

Không ít DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này?

DN - một lực lượng quan trọng trong công tác đấu tranh CHG. Số lượng DN khá đông, nhưng DN có thương hiệu lớn thì không nhiều, nếu không muốn nói là chưa có những thương hiệu tầm cỡ. Xây dựng thương hiệu không phải dễ, mà là một quá trình gian nan tốn sức, tốn tiền, nhưng phần lớn các DN chỉ quan tâm đến tiêu thụ sản phẩm và thu về lợi nhuận. Còn việc đấu tranh CHG - dù Chính phủ đã chỉ đạo, kêu gọi, nhưng chỉ chuyển biến ở một số DN, tính trên đầu ngón tay mà thôi.

Các DN nước ngoài thì chỉ có một số đại diện ở Việt Nam, gần như không giải quyết vấn đề gì trong lĩnh vực CHG, về kinh phí, họ không phải là người quyết định, vì thế, việc kết hợp giữa những thương hiệu lớn với các lực lượng thực thi còn rất khó khăn.

Không phủ nhận, không ít NTD đang “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái?

Đúng là có vấn đề về thái độ của NTD trong đấu tranh CHG. Nếu so một sản phẩm hàng nghìn USD với một sản phẩm giá chỉ vài trăm nghìn đồng mà tương tự nhau, người ta sẽ chọn cái nào, nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay? Ở đây, có thể trách NTD đã mua những hàng hóa vi phạm pháp luật nhưng rõ ràng, trên thực tế, trước hết họ phải cân nhắc nhu cầu và túi tiền của mình.

Từ đó, thái độ của NTD CHG cũng bị hạn chế. Đây là thực tiễn cuộc sống, rất khó để giải quyết. Môi trường còn để cho hàng giả, hàng nhái tồn tại - lộng hành thì xử lý việc này không thể ngày một ngày hai, mà là lâu dài.

Dư luận cho rằng, có một số cán bộ trong lực lượng thực thi “bảo kê” cho hàng giả, hàng nhái?

Làm sao lực lượng thực thi phải tạo được lòng tin đối với DN và xã hội? Vấn đề này chúng ta làm còn rất yếu, thậm chí những hiện tượng không lành mạnh như làm ngơ, xem nhẹ hoặc bị chi phối bởi những nguyên nhân khác… dẫn đến công tác đấu tranh kém hiệu quả.

Hiện tượng “bảo kê”, không phải là không có, do quy định của chúng ta về tiêu cực như thế nào rất khó. Chưa có văn bản nào quy định thế nào là tiêu cực, thế nào là tham nhũng, chưa có định chế nào, trong khi các nước đã rất rõ ràng về vấn đề này. Đây là trách nhiệm của lực lượng thực thi trong đào tạo, giáo dục… cán bộ, cần nhiều giải pháp mới xử lý được. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ, chống được tiêu cực này thì cuộc đấu tranh mới thành công. Câu trả lời cụ thể như thế nào thì chính lực lượng thực thi cần có trách nhiệm.

Vậy để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, giải pháp thiết thực nằm ở đâu?

Tôi cho rằng, nếu chúng ta có những giải pháp thực sự đồng bộ thì cuộc đấu tranh này thuận lợi hơn.

Hiện nay, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đang quan tâm và kiến nghị với Chính phủ, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Nhà nước nên tạo điều kiện cho DN có nguồn kinh phí hợp pháp trong công tác đấu tranh CHG, bảo vệ thương hiệu.

Một vấn đề nữa cũng cần phải lưu ý đó là Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng cộng đồng DN. Tạo điều kiện cho DN hoạt động là việc làm được Chính phủ duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN trong hoạt động, cần xem xét lại cơ chế của Nhà nước, đặc biệt phải giảm được những phiền hà cho DN, nhất là việc cấp cái này, cái kia (như tem, tiêu chuẩn…). Trên thực tế, việc quản lý chất lượng của một số bộ, cái gì cũng cấp, cấp xong bỏ đó, không quản lý, không kiểm soát được, thả lỏng ở thị trường, có khi lại tạo ra những nhóm lợi ích để lợi dụng các vấn đề này gây phiền hà cho DN. Như vậy, muốn đấu tranh CHG công tác cải cách hành chính phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Nói điều này, nghe có vẻ xa vời công tác đấu tranh CHG, tuy nhiên đó lại là một tác động rất trực tiếp để cho DN hoạt động tốt hơn.

Là một tờ báo trực thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Thương hiệu & Công luận đã có những đóng góp gì trong đấu tranh CHG, thưa ông?

Với đặc thù riêng, Báo Thương hiệu & Công luận, thời gian qua đã có rất nhiều đóng góp trong công tác đấu tranh CHG, bảo vệ thương hiệu; đặc biệt chủ động kết hợp với các cơ quan thực thi thuộc BCĐ 389/QG, công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường...

Thời gian tới, Thương hiệu & Công luận cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn để NTD thấy được tác hại của việc mua hàng giả, hàng nhái; đồng thời, động viên các lực lượng thực thi thực hiện tốt công việc giao. Mặt khác, trong chừng mực nào đó, cũng phải nêu được cả nhược điểm của DN, cũng như lực lượng thực thi… một cách trung thực, công bằng và có tác dụng tốt, rút kinh nghiệm cho công tác đấu tranh CHG.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam còn gặp khó khăn về nhiều mặt, nhưng việc động viên các lực lượng khác, tích cực phối hợp với lực lượng thực thi trong đấu tranh CHG là nhiệm vụ lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, DN không vào cuộc, các lực lượng thực thi không nâng cao được vai trò, trách nhiệm của mình thì cuộc đấu tranh này sẽ kém hiệu quả... Làm theo sự chỉ đạo của Chính phủ là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện tuy có những bước tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các DN của chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều, rất nhiều đến lợi nhuận của một lô hàng như thế nào. Còn việc đấu tranh để chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái - dù Chính phủ đã nhắc nhở, kêu gọi, chỉ đạo nhưng chỉ chuyển biến ở một số DN, tính trên đầu ngón tay mà thôi.

Thanh Hà (Thực hiện)

Tin mới

Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba
Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba

Chiều 29/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định và Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024.

Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024
Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024

Chiều ngày 29/3, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024 nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).

Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"
Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phản ánh việc tài khoản tiết kiệm của họ bỗng dưng "mất tiền". Gần nhất là vụ 8 khách hàng gửi tiền bị chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng.

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX
Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX

Sáng 29/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX tổ chức Hội nghị lần thứ 20. Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh
Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh

Sáng 29/3, tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.