Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ!

Xin được giới thiệu bài về chủ đề đối đầu Nga-NATO của tờ “Bình luận quân sự”(Nga). Bài này nói về vai trò của các tàu sân bay Mỹ trong một cuộc xung đột giả định Nga-NATO. Bài tương đối dài, rất mong bạn đọc kiên nhẫn.

“Chúng ta đã nghiên cứu các phương án phát triển sự kiện khác nhau, còn bây giờ, hãy chuyển sang xem xét các dạng xung đột có thể xảy ra giữa NATO và LB Nga:

1-Xung đột tên lửa-hạt nhân toàn cầu- có nghĩa là một cuộc xung đột mà ngay từ đầu cả hai bên đều sử dụng ồ ạt lực lượng hạt nhân chiến lược.

Dù cuộc xung đột này hoặc là xảy ra bất ngờ (ví dụ như do lỗi kỹ thuật của hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa- kiểu như vụ báo động nhầm tại Hawai mới đây chẳng hạn) hoặc là trước thời điểm bùng phát xung đột đã có một giai đoạn căng thẳng nào đó thì sau khi đã sử dụng lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược, Mỹ, Nga và Châu Âu vẫn giữ được một tiềm lực quân sự nhất định và các bên vẫn sẽ có thể tiến hành các hoạt động tác chiến trên mặt đất và trên không và đến lúc đó, các bên sẽ sử dụng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Sở dĩ như vậy bởi vì tiềm lực của lực lượng đòn tấn công đầu tiên hiện nay (khoảng 1.500-1.600 đầu tác chiến hạt nhân mỗi bên cộng với một số lượng vũ khí hạt nhân nhất định đã triển khai của Anh và Pháp) không đủ để tiêu diệt hoàn toàn tiềm lực kinh tế và quân sự của các đối thủ (của nhau).

Trong một cuộc xung đột như vậy, vai trò (tính hữu ích) của các tàu sân bay Mỹ không phải là ở chỗ chúng trực tiếp tham chiến, mà là khả năng của chúng phân tán một số lượng lớn các máy bay Không quân hải quân (Mỹ - tới hàng trăm chiếc) tránh các đòn tấn công của Lực lượng hạt nhân chiến lược, những máy bay này khi có mặt tại Châu Âu có thể sẽ là luận chứng quyết định trong cuộc chiến sau thảm họa tấn công hạt nhân trước đó.

Trong trường hợp này các tàu sân bay Mỹ sẽ trở thành các phương tiện vận chuyển máy bay và các xưởng sửa chữa,- nhưng chính với vai trò như vậy chúng sẽ góp phần giành phần thắng trong cuộc chiến tranh – tại sao lại không?

Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ! - Hình 1

2. Dạng xung đột thứ hai- xung đột phi hạt nhân. Nó bắt đầu bằng việc các bên sử dụng các loại vũ khí thông thường, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng bất kỳ một cuộc xung đột phi hạt nhân quy mô lớn nào giữa LB Nga và NATO, nếu các bên không thể tìm được các giải pháp ngoại giao để giải quyết, thì với xác xuất 99,99% sẽ biến thành một cuộc xung đột tên lửa- hạt nhân toàn cầu.

Vì vậy, những kịch bản kiểu như một cuộc tấn công phi hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Nga nhằm hủy diệt quốc gia này (xóa tên trên bản đồ, hoặc ngược lại, “một chuyến thăm quan” của Quân đội LB Nga đến Eo biển Manche) là không thể được áp dụng vì không có một mục tiêu hợp lý nào.

Cụ thể: một hành động (xâm lược) tương tự như vậy không thể bị đánh trả bằng vũ khí thông thường, thì vũ khí hạt nhân sẽ vào cuộc, bên khới động tấn công sẽ gánh chịu những tổn thất lớn đến mức đặt dân tộc (quốc gia) của mình trên bờ vực diệt vong và những tẩn thất phải gánh chịu như đã nói ở trên sẽ lớn hơn hàng chục lần những lợi ích mà chiến tranh có thể đem lại.Thành thử, không có một lý do xác đáng nào để cố tình phát động một cuộc xung đột kiểu như vậy- đối với bên nào cũng vậy.

Nhưng dù sao thì cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra một cuộc xung đột phi hạt nhân. Một trong những kịch bản có thể-đó là xung đột giữa Lực lượng vũ trang của một trong các thành viên NATO với Lực lượng vũ trang LB Nga tại “các điểm nóng” kiểu như Syria và tiến trình leo thang xung đột tiếp theo.

Ở đây cần phải tính tới một số đặc điểm sau: mặc dù nếu xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu, nền văn minh loài người vẫn sẽ tồn tại, nhưng nền văn minh này sẽ phải dối mặt với rất nhiều hậu quả cực kỳ khó có thể “vượt qua” nổi.

Không một nước nào, sau khi đã tham gia vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, có thể hy vọng vào một nền hòa bình tốt hơn hòa bình trước chiến tranh- thế giới sau chiến tranh hạt nhân sẽ xấu đi rất, rất nhiều.

Thành thử, có thể tin rằng trong trường hợp nổ ra xung đột phi hạt nhân, các bên tham gia xung đột sẽ cố trì hoãn việc sử dụng vũ khí hạt nhân đến phút chót, và chỉ sử dụng chúng trong trường hợp vũ khí thông thường đã không còn thể bảo vệ các lợi ích của họ được nữa.

Hoàn toàn không thể hình dung là một cuộc xung đột phi hạt nhân lại xảy ra do trước đó đã có những quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng và sau khi một trong số các bên đã tiến hành công tác chuẩn bị, như Hitler đã từng làm,- tức đưa quân tới biên giới Xô- Đức trước khi tấn công Liên Xô. Nhưng cuộc xung đột này hoàn toàn có thể bùng phát một cách bất ngờ đối với cả hai bên do một sự ngẫu nhiên bi thảm nào đó.

Xung đột phi hạt nhân có thể khởi phát do lỗi của một ai đó hoặc là một hành động có kế hoạch từ trước của một trong các bên nếu bên đó tin chắc rằng sẽ không bị hứng chịu đòn tấn công báo thù.

Để lấy ví dụ, có thể dẫn vụ chiếcTu-154 (của Nga) bị hỏa lực tên lửa phòng không Ucraine bắn rơi năm 2001 hoặc vụ Su-24 (cũng của Nga) bị máy bay tiêm kích Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria mới đây.

Trong cả hai trường hợp, xung đột đã được giải quyết qua các kênh ngoại giao, nhưng không ai có thể đảm bảo là các sự cố tương tự cũng sẽ được giải quyết theo cách thức như với hai vụ trên.

Và như vậy, mặc dù gần như có thể loại bỏ hoàn toàn kịch bản một cuộc xung đột phi hạt nhân quy mô lớn được lên kế hoạch từ trước, chúng ta không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đụng độ ngẫu nhiên giữa các lực lượng vũ trang LB Nga và NATO tại một điểm nóng nào đó.

Và nếu như phía “nạn nhân” không chấp nhận cách thức giải quyết sự cố một cách hòa bình, mà ngược lại - tiến hành đòn tấn công trả đũa và bằng cách đó đã phát động các hoạt động quân sự quy mô lớn, thì trong trường hợp này LB Nga và nước thành viên NATO sẽ ở trong tình trạng chiến tranh.

Nhiều khả năng sẽ có 3 kịch bản phát triển sự kiện chủ yếu như sau:

1) Các hoạt động tác chiến chỉ mang tính chất hạn chế cả về thời gian, địa điểm và thành phần lực lượng tham chiến (tương tự như chiến dịch ép buộc hòa bình với Gruzia-2008), sau đó các bên sẽ sử dụng các giải pháp ngoại giao và hòa bình được tái lập.

2) Các hoạt động tác chiến leo thang thành một cuộc xung đột phi hạt nhân tổng lực giữa LB Nga và NATO, mặc dù vậy, các bên cuối cùng vẫn tìm được giải pháp chấm dứt xung đột và ký hiệp định ngừng bắn trước khi tính đến khả năng đưa vũ khí hạt nhân chiến lược vào cuộc.

3) Các hoạt dộng tác chiến leo thang thành một cuộc xung đột phi hạt nhân quy mô lớn giữa LB Nga và NATO, và sau đó - một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Một cuộc xung đột phi hạt nhân khó có thể kéo dài- theo quan điểm của tác giả, thời gian từ khi bắt đầu đến khi có các giải pháp chính trị hay là ngày tận thế tên lửa-hạt nhân sẽ không quá 1 tháng rưỡi- 2 tháng và còn có thể ngắn hơn.

Khoảng thời gian tạm dừng kéo dài kiểu như trước chiến dịch “Bão táp sa mạc” khó có thể xảy ra. Trong khoảng thời gian 5 tháng (như trước chiến dịch “ Bão táp sa mạc” mà Liên quân cần để tập hợp lực lượng chống Iraq- năm 1991-ND), LB Nga và NATO đã có thể tìm được các phương án thỏa hiệp chấm dứt xung đột được tất cả các bên chấp nhận tới 3 lần .

 Ngẫu nhiên và tốc độ nhanh- đó sẽ là những đặc điểm chủ yếu trong một cuộc xung đột phi hạt nhân có thể xảy ra giữa LB Nga và NATO.

 Rõ ràng, mục tiêu của cả hai bên tham gia trong một cuộc xung đột như vậy là buộc đối phương phải chấp nhận hòa bình với những điều kiện có lợi nhất cho mình trước khi cuộc xung đột có thể biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Và điều đó sẽ quyết định chiến lược của lực lượng vũ trang cả hai bên, với nhiệm vụ chỉ yếu là tiêu diệt ở tốc độ nhanh nhất có thể tiềm lực quân sự mà đối phương đã triển khai chống lại mình để làm cho đối phương không còn khả năng “tiếp tục thực hiện các mục tiêu chính trị bằng các phương tiện khác” (chiến tranh).

Về bản chất, việc nhanh chóng đánh bại cụm quân đối phương đã đặt đối phương vào tình thế hoặc là buộc phải chấp nhận các điều kiện chính trị của bên đối đầu, hoặc là sử dụng vũ khí hat nhân, kịch bản không ai muốn.

Và việc đánh bại đối phương sẽ dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều, nếu sở hữu lực lượng quân sự mạnh hơn. Thành thử, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo nhanh chóng vận chuyển các đơn vị tăng viện đến khu vực xung đột. Và trong vấn đề này, cả Mỹ và NATO đều gặp nhiều khó khăn.

Dĩ nhiên, tổng tiềm lực quân sự phi hạt nhân của Mỹ và NATO gấp nhiều lần (tiềm lực phi hạt nhân) Nga. Không quân Mỹ (tính cả Không quân, Không quân Quân đoàn lính thủy đánh bộ và Không quân hải quân) mạnh hơn Bộ đội đường không- vũ trụ (VKS) LB Nga rất nhiều lần.

Quân số Lục quân của Lực lượng vũ trang LB Nga còn ít hơn quân số lục quân của chỉ mình Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vấn đề là ở chỗ, NATO cần nhiều thời gian để tập kết tiềm lực của mình tại địa điểm cần thiết, còn trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra bất ngờ, không được trù liệu từ trước, họ sẽ không có khả năng như vậy (tập trung tiềm lực quân sự).

Trong bài trước (đã đăng trên DVO 12/12/2017) chúng ta đã so sánh lực lượng không quân NATO và Không quân LB Nga tại Châu Âu đến trước năm 2020 và đã rút ra kết luận răng những lực lượng đó (Không quân NATO và Không quân LB Nga), trong trường hợp nổ ra xung đột bất ngờ và trước khi Không quân Mỹ kịp điều máy bay đến để chi viện (trên lãnh thổ Châu Âu) là hoàn toàn tương đương nhau.

 Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ! - Hình 2

Hoàn toàn có thể đó là một đánh giá quá lạc quan cho VKS LB Nga .

Cứ cho rằng, các đơn đặt hàng phương tiện hàng không đặt hàng đến năm 2020 sẽ không lớn như tác giả dự đoán, kinh phí sẽ bị cắt giảm hoặc các hợp đồng (mua máy bay) sẽ bị lui thời gian thực hiện trong Chương trình vũ khí mới 2018-2025.

Thêm nữa, VKS – đó không chỉ là phương tiện vật chất (máy bay, vũ khí- trang bị kỹ thuật, vật chất đảm bảo v.v), mà còn các phi công- VKS Nga đang thiếu rất nhiều phi công do những “nỗ lực” nổi tiếng của Ngài A.Serdiukov ( Bộ trưởng quốc phòng Nga bị bãi nhiệm 11/2012).

Chiến dịch “hủy diệt” các cơ sở đào tạo, dừng tuyển chọn học viên đã không thể không để lại những hậu quả, còn quy mô của hậu quả trên đến đâu, rất tiếc là chúng ta không thể xác định được.

Nhưng VKS Nga chỉ có một bộ tư lệnh thống nhất, có thành tố phòng không mặt đất rất mạnh và những ưu thế khác như chúng ta dã liệt kê ở bài trước.

Và điều đó cho phép có thể hy vọng là ngay cả trong kịch bản tiêu cực nhất về số lượng các phương tiện vật chất vào trang bị và số lượng phi công được đào tạo tham gia trực chiến thì trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột bất ngờ, Không quân NATO vẫn không thể chiếm được ưu thế tuyệt đối trên không.

Trong khi đó - ưu thế trên không là nhân tố cực kỳ quan trọng, dù chỉ bởi một lý do là không quân – một phương pháp tuyệt vời để hạn chế tối đa khả năng của đối phương nhanh chóng vận chuyển lực lượng tăng viện đến khu vực xung đột.

Trong bài trước chúng ta cũng đã xác định số lượng máy bay sẵn sàng chiến đấu của các nước Châu Âu là thành viên NATO và của LB Nga đến năm 2020 sẽ vào khoảng 1.200 chống lại 1.000, chưa tính đến 136 máy bay Mỹ đang có mặt tại các căn cứ không quân Châu Âu và máy bay của không quâncác nước ODKB (Tổ chức an ninh tập thể - một liên minh quân sự gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan-ND).

Nhưng cần phải thấy rằng, chỉ có thể đưa đến khu vực xảy ra xung đột giả định một lực lượng ít hơn nhiều (các con số nêu trên), bởi vì cả các nước Châu Âu lẫn Nga đều không thể huy động cùng lúc và tập kết tại những địa điểm nhất định toàn bộ lực lượng không quân của mình.

Nguyên nhân có rất nhiều: đó là vấn đề logistics, là phải thực hiện nhiệm vụ yếm trợ từ trên không cho các hướng khác và còn có thể có một nước nào đó trong NATO muốn né cuộc chiến và viện cớ chưa sẵn sàng hoặc chỉ điều một lực lượng tượng trưng để tham gia xung đột.

 Chính vì vậy, có thể tính đến kịch bản đối đầu của các cụm không quân với hàng trăm (có thể vào khoảng 600-800 máy bay mỗi bên, nhưng có thể còn ít hơn), chứ không phải là các cụm không quân với hàng nghìn máy bay.

Các tàu sân bay Mỹ sẽ giữ vai trò gì trong cuộc đối đầu này? Rất rõ ràng – cực kỳ quan trọng.Cứ cho rằng, vào thời điểm khởi đầu xung đột Mỹ chỉ có thể cho ra biển 4 tàu sân bay trong số 9 chiếc hiện có, trong số 4 chiếc ra biển nói trên, 2 chiếc sẽ có mặt trên Thái Bình Dương, còn 2 chiếc – trên Đại Tây Dương. Điều đó có nghĩa là gì?

Tùy thuộc vào việc xung đột bắt đầu từ đâu (khu vực phía Nam, khu vực Biển Đen, hoặc khu vực phía Bắc gần Biển Baltich), 2 tàu sân bay mang 90 máy bay còn rất hiện đại F/A-18E/F “Superhornet” của Mỹ có thể vào Biển Địa Trung Hải hoặc tới sát bờ biển Na Uy.

Từ các vùng biển nói trên, một số máy bay trên tàu sẽ bay sang các sân bay trên bộ, số máy bay còn lại có thể triển khai hoạt động tác chiến ừ chính các tàu sân bay đó. Cự ly lớn đến mức độ nào?

Hãy lấy ví dụ, cụm tàu sân bay tấn công khi tiến đến bờ biển Göteborg của Thụy Điển, từ các tàu sân bay của mình hoàn toàn có thể xuất kích tấn công Sant-Peterburg (Nga) và Minsk (Belorusia) (cự ly <1.100km) nếu chúng được tiếp dầu trên không và việc tổ chức tiếp dầu trên không sẽ không gặp trở ngại nào nếu triển khai từ lãnh thổ Na Uy hoặc Ba Lan. Dĩ nhiên, kịch bản trên chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp Thụy Điển cho phép sử dụng không phận nước này.

Và khi đó, chính cụm tàu sân bay tấn công Mỹ trên thực tế sẽ không bị tổn thương, bởi vì ngoài lực lượng vào phương tiện của mình, cụm tàu này còn được một mạng các phương tiện phát hiện và tấn công từ trên không và trên mặt đất, các tàu chiến của Hải quân Đức và Ba Lan từ phía Biển Baltich bảo vệ, còn các đợt tấn công (của Nga) từ hướng Biển Na Uy theo kịch bản:

Báo động các máy bay mang tên lửa chiến lược, xuất kích và bay lên phía Bắc,tiến hành một chiến dịch nghi binh lớn, bay vòng qua Na Uy và sau đó- bay dọc bờ biển nước này và bay qua Biển Bắc?

Và sau đó thì tấn công (cụm tàu sân bay) dù không được các máy bay tiêm kích hộ tống ? Thậm chí ngay cả một chiến binh hạng hai cũng không thể hình dung tới một kịch bản như vậy.

Còn cái gì tiếp theo? Đối với các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ, cự ly (tới cụm tàu sân bay) như vậy là quá xa, và còn nữa , vẫn còn nhiều vấn đề về chỉ mục tiêu cho các tổ hợp này . Còn Hạm đội Baltích? Rất tiếc- đưa các tàu ngầm hạt nhân ra biển Bắc ngay cả đối với Liên Xô đó cũng đã không phải là một nhiệm vụ tầm thường.

Còn hiện nay, trong trường hợp xảy ra xung đột, thì các tàu ngầm hạt nhân của chúng ta cực kỳ cần thiết để ít nhất cũng phải đảm bảo có một sự yểm hộ nào đó cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, để đề phòng khả năng cuộc xung đột leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân.

Và nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ tìm kiếm và đánh chìm cụm tàu sân bay tấn công, chính vì thế mà cực kỳ ít khả năng là Hạm đội Biển Bắc (Nga) sẽ lại được điều đến hướng Đại Tây Dương.

Tại hướng Nam- cũng một tình huống tương tự - lấy ví dụ, nếu xảy ra xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không có gì gây khó khăn cho một cụm tàu sân bay tấn công trong biên chế của Hạm đội sáu (Mỹ) cơ động đến biển Biển Aegea.

Thậm chí nó không cần phải đi qua các eo biển Dardanéllia và Bosporu, mà chỉ cần cơ động ở đâu đó gần khu vực Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ), cụm tàu sân bay tấn công Mỹ cũng có thể sử dụng lực lượng không quân trên tàu và các tên lửa chống hạm LRASM công kích toàn bộ vùng biển Đen. Từ Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Xevastopol (Nga) theo đường chim bay – < 900km…

Cả trong trường hợp này, các tàu sân bay Mỹ gần như không thể bị tấn công , bởi vì (Nga) chỉ có thể tấn công chúng qua lãnh thổ Thỗ Nhĩ Kỳ, - mà như đã biết, không phận nước này được một lực lượng không quân tiêm kích mạnh bảo vệ, và điều còn quan trọng hơn nữa là Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều trạm radar phát hiện các mục tiêu trên không.

Đối với Su-30 và Tu-22M3 đồn trú tại Crimea thì cụm tàu sân bay Mỹ tại biển Eagan là một mục tiêu quá tầm với.

Xét tổng thể, chỉ có đội tàu tác chiến Nga ở Đại Trung Hải có thể gây ra một số vấn đề nhất định cho cụm tàu sân bay tấn công Mỹ, nhưng xin được nói thẳng thời kỳ mà cụm tàu tác chiến số 5 trên biển Địa Trung Hải của Liên Xô với 30 tàu chiến nổi và 15 tàu ngầm , chưa kể đến các tàu vận tải và bảo đảm luôn trực chiến trên biển này đã qua từ lâu rồi.

Còn hiện này, với khoảng 15 tàu mà chúng ta có thể huy động được đến Địa Trung Hải , - 15 tàu đó chỉ có thể chứng minh cho đối phương biết được một điều là như thế nào là hy sinh một cách dũng cảm.

Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ! - Hình 3

Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ! - Hình 4

Những khu vực cụm tàu sân bay Mỹ có thể cơ động

Còn về Thái Bình Dương, thì ở đây 2 cụm tàu sân bay tấn công cùng các tàu hộ tống có thể sử dụng chiến thuật “đánh và chạy”, tức tiến hành các đòn tấn công bất ngờ từ khoảng cách lớn vào các mục tiêu ven bờ của chúng ta.

 Chắc chắn là các tàu này (của Mỹ) không gây ra những tổn thất quá lớn, nhưng chúng buộc Nga phải huy động một lực lượng không quân để làm nhiệm vụ phòng thủ cho khu vực Viễn Đông.

Rõ ràng là, để có thể đối phó một cách hiệu quả và có hy vọng thành công cụm tàu sân bay tấn công gồm 2 tàu sân bay cần phải có ít nhất 2 trung đoàn không quân tiêm kích và một trung đoàn (tốt hơn cả là 2 trung đoàn, nhưng vấn đề là ở chỗ không biết huy động từ đâu thêm trung đoàn nữa) máy bay mang tên lửa, chưa kể đến các máy bay thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Vladivostok, Komsomolsk na Amur, Camchatka…

Trên thực tế, sự hiện diện của cụm tàu sân bay tấn công Mỹ ở các tuyến Viễn Đông là rất có lý đối với người Mỹ, vì ít nhất nó cũng buộc Nga phải điều đến đây một lực lượng VKS rất lớn để đối phó với các tàu sân bay.

Bởi vì chỉ riêng Hạm đội Thái Bình Dương (đã bị cắt giảm đến mức tối thiểu), các tổ hợp tên lửa bờ nếu không có sự hỗ trợ của Không quân từ các sân bay trên mặt đất đều không đủ khả năng tự mình chống lại các cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ .

Từ những luận chứng vừa dẫn ở trên, chúng ta (Nga) hiểu rằng, những “chuyên gia” cho rằng các tàu sân bay của Mỹ là những mục tiêu dễ xơi đối với các tổ hợp tên lửa chống hạm Nga là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta hãy cùng xem xét các luận chứng “ coi thường tàu sân bay” (của họ):

Trên các tàu sân bay có quá ít máy bay, vì thể khó để có thể tạo ra những tác động đáng kể trong cuộc chiến của không quân (các bên đối đầu). 

Nhận định như vậy chỉ đúng trong điều kiện (các bên) có đủ thời gian để tập kết các lực lượng không quân. Nhưng đối với kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong một cuộc xung đột Nga-NATO ( bất ngờ), sẽ không có khoảng thời gian cần thiết đó.

Và khi đó, sự xuất hiện của hai tàu sân bay mang 180 máy bay chiến đấu cộng với các máy bay hỗ trợ và đảm bảo thông tin được đảm bảo tất cả những gì cần thiết (đạn dược, nhiên liệu) trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột có thể giữ vai trò quyết định trong các trận không chiến.

Đơn giản chỉ bởi vì khi 500 máy bay Nga đối đầu với 700 máy bay NATO, việc NATO được tăng cường 180 chiếc máy bay (Mỹ) nữa có thể sẽ là yếu tố quyết định kết cục chiến dịch.

Có thể dễ dàng kiểm soát sự di chuyển của các tàu sân bay bằng các phương tiện trinh sát vũ trụ và các trạm radar ngoài đường chân trời, và sau đó có thể dễ dàng tiêu diệt chúng bằng tên lửa có cánh.

Trên thực tế, hệ thống trinh sát vũ trụ duy nhất có khả năng chỉ mục tiêu cho tên lửa có cánh đã từng tồn tại dưới thời Liên Xô (hệ thống “Legenda”), nhưng hệ thống này đã bị chúng ta “chối bỏ” vì quá đắt và vì không thể duy trì một cụm vệ tinh quỹ đạo ở mức cần thiết tối thiểu.

Nhưng cần phải hiểu rằng, thậm chí ngay trong những năm tháng huy hoàng nhất thì “Legenda” cũng không phải là loại “vũ khí thần kỳ” và nó là một hệ thống trinh sát vũ trụ rất hiệu quả (nhưng rất đắt đỏ).

Nhưng rất tiếc, đến thời buổi này mà vẫn còn nhiều người tin rằng 4 vệ tinh của hệ thống mới “Liana” (trong số đó có 2 vệ tinh không được khai thác hết các tính năng) có khả năng đảm bảo chỉ mục tiêu cho các tàu của chúng ta vào bất kỳ thời điểm nào và trên bất kỳ địa điểm nào trên các đại dương.

Tác giả không có ý định tranh luận với quan điểm như vây (hơn nữa, khi mà tất cả các tính năng thực tế của các vệ tinh này đang được giữ bí mật), chỉ xin nhắc lại rằng, trong tất cả các cuộc xung đột hiện đại, cách hành động đã được quy chuẩn của NATO là tiến hành “đòn tấn công làm mù” đầu tiên nhằm vô hiệu hóa mọi phương tiện kiểm soát tình huống của đối phương.

Và có thể không nghi ngờ rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các trạm radar ngoài đường chân trời của chúng ta- những trạm radar cố định kích thước lớn, cũng như các vệ tinh –gián điệp (cả Mỹ và Nga đều theo dõi chặt chẽ các vệ tinh đối phương ngay từ thời điểm chúng mới được phóng lên) sẽ “được ưu tiên” tấn công, và chắc chắn hơn cả là chúng sẽ bị loại khỏi vòng chiến.

Ngoài ra, nhiều người không am tường lĩnh vực kỹ thuật quân sự nên không hiểu một thực tế là các tên lửa “Calibr” phiên bản chống hạm có cụ ly bắn nhỏ hơn tên lửa có cánh chuyên sử dụng để tiểu diệt các mục tiêu cố định. Đó là một thực tế không phải chi cho riêng chúng ta.

Người Mỹ cũng đã cải hoán tên lửa có cánh “Tomahawk” thành một phiên bản tên lửa chống hạm và cự ly bắn của phiên bản này cũng đã giảm từ 2.500km xuống chỉ còn 550 km (có số liệu khác – 450-600km).

Chính vì thế mà kịch bản các cụm tàu sân bay của đối phương bị các vệ tinh bám sát khi các tàu này đang hoạt động trên các đại dương trong khoảng thời gian thực, và sau đó “chúng” được “bàn giao” cho các trạm radar ngoài đường chân trời và tiếp nữa - bị các tên lửa “Calibr” bờ đánh chìm ở cự ly 2.000km cách bờ biển nước ta, mặc dù nghe thì rất hấp dẫn, nhưng đó chỉ là một dạng tiểu thuyết viễn tưởng phi khoa học.

Các tàu ngầm hạt nhân hiện đại có thể một mình tiêu diệt cụm tàu sân bay tấn công: 10 cụm tàu- 10 tàu ngầm và chào nhé, các bạn Mỹ!

 Đối đầu Nga-NATO: Chào nhé, các bạn Mỹ! - Hình 5

Điều thú vị nhất trong khẳng định này là nó có một phần sự thật. Tàu ngầm hạt nhân hiện đại quả thực là một loại vũ khí cực kỳ đáng sợ, và loại vũ khí này trong những điều kiện nhất định cộng một chút may mắn có khả năng tiêu diệt tàu sân bay đối phương đang di chuyển trong đội hình được các tàu nổi và tàu ngầm yểm trợ.

Vấn đề chỉ ở chỗ, không có cái gì miễn phí cả. Giá một chiếc tàu ngầm hạt nhân hiện đại sản xuất hàng loạt dự án 885M (“Yasen-M”) vào năm 2011 là vào khoảng 32,8 tỷ rúp, theo thời giá lúc đó là hơn 1 tỷ đôla.

Cũng đã có thông tin là thậm chí một cái giá như vậy (1 tỷ đôla) mới chỉ là giá thành đóng tàu và sau đó giá đặt hàng được nâng lên thành 48 tỷ rup cho một tàu, có nghĩa là khoàng 1,5 tỷ đôla .

Liên bang Nga không thể tự cho phép mình đóng nhiều các tàu ngầm như vậy, mà chỉ dừng lại ở con số 7 chiếc và cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một tàu duy nhất dự án này đang trực chiến – đó là tàu ngầm hạt nhân “Severodvinsk”.

Các tàu ngầm hạt nhân đa năng khác của Hải quân Nga – đấy là các tàu cũ đóng từ thời Xô Viết, nhưng vấn đề thậm chí không phải là đóng vào thời nào- Liên Xô rất biết cách đóng tàu ngầm, và những chiếc “Shuka-B” (chúng tôi sẽ giới thiệu “Shuka-B” trong một bài gần đây) cho đến bây giờ vẫn là đối thủ đáng gờm đối với bất cứ một tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới. Vấn đề là tình trạng kỹ thuật của các tàu ngầm hạt nhân đóng từ thời Liên Xô.

Trong số 27 tàu ngầm hạt nhân có trong biên chế của Hải quân Nga hiện nay:

4 tàu – là lực lượng dự bị

3 tàu- đang chờ sửa chữa

8 tàu – đang được sửa chữa hoặc hiện đại hóa

12 tàu - đang trực chiến.

Trong khi đó thì Hạm đội tàu ngầm của Mỹ có tới 51 tàu ngầm hạt nhân đa năng. Tất nhiên, một số lượng tàu nhất định cũng đang được sửa chữa, nhưng chắc chắn một điều là nếu tính theo tỷ lệ % thì số tàu Mỹ đang trực chiến nhiều hơn nhiều so với con số tương tự của Nga.

Và điều đó có nghĩa là với tỷ lệ 2 tàu Mỹ/1 tàu Nga theo danh sách , trong trường hợp xảy ra xung đột, chúng ta sẽ có tỷ lệ 3-3,5 (nếu không phải là nhiều hơn) tàu ngầm hạt nhân đa năng Mỹ chống lại 1 tàu ngầm tương tự của Nga.

Dĩ nhiên, tình hình có thể được cải thiện một chút vì Nga có các tàu ngầm điện- diesel – dĩ nhiên, trong trường hợp chúng ta còn chưa đưa các hạm đội tàu ngầm của các nước NATO Châu Âu vào danh sách.

Nói cách khác dễ hiểu hơn, ở không gian dưới mặt nước, chúng ta sẽ phải đối đầu với một đối phương có ưu thế hơn gấp nhiều lần. Sẽ rất lạ lùng nếu ai đó hy vọng rằng chất lượng trang thiết bị của các tàu ngầm “Virginia” mới nhất lại không hơn chất lượng trang thiết bị của các “Shuka-B” (Nga) vừa nói tới ở trên.

Xét đến tận cùng, có thể “Severodvinsk” thừa sức đối đầu ngang ngửa với các “Virginia” và Seawolf”, nhưng rất tiếc, “Severodvinsk” chỉ có một, trong khi Mỹ có tới 18 chiếc tàu các lớp vừa được nhắc tới ở trên (“Virginia”và “Seawolf”-ND)

Trong khi đó, đối với LB Nga, trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng sẽ là bảo vệ các tàu ngầm tuần dương chiến lược mang tẻn lửa hạt nhân xuyên lục địa.

Trên các tàu này có tới 700 đầu đạn (hạt nhân), có nghĩa là chiếm tới 40% tổng số đầu đạn hạt nhân đã triển khai (có thể đưa vào sử dụng ngay lập tức-ND) và việc bảo vệ lực lượng này có tầm quan trọng chiến lược.

Cho nên sẽ là không sai nếu cho rằng, lực lượng tàu ngầm hạt nhân chủ yếu của chúng ta sẽ được triển khai ở khu vực tuần tiễu tác chiến của các tàu ngầm tuần dương hạt nhân chiến lược (để bảo vệ chúng) và vào thời gian trước thềm ngày Phán xét, đó sẽ là một nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ săn đuổi các tàu sân bay.

Hoàn toàn có khả năng Nga dù sao cũng mạo hiểm điều 3-4 tàu ngầm hạt nhân ra đại dương, nhưng khó có thể hy vọng một cách thực sự nghiêm túc là một cặp tàu “Antei” dự án 949A của Hạm đội Biển Bắc (Nga) có thể vượt qua được Biển Na Uy để ra Biển Bắc vào từ khu vực này, chỉ với các phương tiện của mình lại có thể phát hiện, xác định vị trí của cụm tàu sân bay tấn công (Mỹ) và tấn công cụm tàu này…

Dĩ nhiên, đôi khi cũng xảy ra các điều kỳ diệu, nhưng không thể dựa vào các điều kỳ diệu để xây dựng chiến lược. Và còn các tàu sân bay (Mỹ) trên Biển Địa Trung Hải nữa – ngay trong thời gian đầu của cuộc xung đột, chúng sẽ là mục tiêu không thể với tới của các tàu ngầm hạt nhân của chúng ta, bởi vì trong thời chiến các tàu ngầm đó không thể qua được eo biển Gibraltar.

May lắm thì lúc đó đang có một trong số Antei” hiện diện trên biển Địa Trung Hải Nhưng trên biển này,cơ hội thành công của một tàu ngầm đơn độc là gần bằng không.

Điều đáng buồn nhất- trong tương lai trung hạn tình hình đối với chúng ta chỉ phát triển theo hướng xấu đi. Tất nhiên, đến năm 2030 chúng ta sẽ đóng xong các “Yasen”, nhưng các tàu ngầm lớp tiếp theo –“Hasky” sẽ chi có mặt trong trang bị sau năm 2030, và đến thời điểm đó thì đại bộ phận các tàu ngầm của chúng ta- di sản thừa kế từ thời Liên Xô sẽ quá 40 tuổi.

Có thể, trong tương lai chúng ta có thể cải thiện tình hình ở một chừng mực nào đó và có trong tay 14-16 tàu ngầm hạt nhân trực chiến, không tính các tàu đang sửa chữa, nhưng như vậy cũng không làm mọi việc thay đổi một cách căn bản.

Các tàu sân bay – là những quan tài nổi, chỉ cần 1 quả tên lửa đánh trúng đường băng cất-hạ cánh – thế là xong, tàu sân bay bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Thậm chí cứ cho là đúng như vậy, nhưng làm cách nào mà tên lửa có thể với tới tàu sân bay? Không một tàu nổi lẫn tàu ngầm nào của chúng ta có thể tiếp cận một tàu sân bay Mỹ đang hoạt dộng trển Biển Bắc hoặc trên Biển Địa Trung Hải, trừ trường hợp may mắn.

Còn không quân (Nga) ở đây không cũng không phài là một trợ thủ đắc lực - bởi vì phải làm cách nào để tấn công một cụm tàu sân bay ở gần Izmir hoặc ngay lối vào eo biển Darnhielle ? Hay là tập kết tại Crimea một lực lượng không quân cỡ 3 trung đoàn nhưng sau đó thì sẽ như thế nào?

Không quân trong lực lượng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ nếu không chặn đứng đượcchúng (máy bay Nga) thì chí ít cũng gây tổn thất nặng cho lực lượng này khiến chúng không còn đủ sức để tấn công tàu sân bay- không những thế, tổn thất sẽ rất lớn bởi vì một phần trong số các máy bay bị thương sẽ không thể bay qua biển để trở về căn cứ.

Dĩ nhiên, không quân – đó là kẻ thù đáng sợ của tàu sân bay. Rất có thể - đáng sợ nhất. Nhưng không phải trong trường hợp máy bay phải bay nhiều trăm km, bay qua hệ thống phòng không trên lãnh thổ đối phương, và sau đó mới tấn công một đội hình tàu chiến đã được cảnh báo trước (và đã chuẩn bị trước) với các máy bay tiêm kích và tên lửa phòng không đợi sẵn.

Còn đối với các tuyến Viễn Đông của chúng ta, thì tình hình vừa phức tạp hơn nhưng cũng đơn giản hơn. Đơn giản hơn bới vì giữa chúng ta với đối phương – chỉ có nước biển, và trong trường hợp đó cơ hội thành công của cả các tàu ngầm hạt nhân lẫn không quân trong trận chiến với cụm tàu sân bay tấn công nhiều hơn nhiều.

Còn phức tạp hơn là ở chỗ là tại Viễn Đông người Mỹ không cần một chiến thắng nào cả, mà nhiệm vụ của họ đơn giản chỉ là kéo càng nhiều lực lượng của VKS vể phía mình càng tốt, bởi vì chiến thuật “đánh rồi chạy” rất thích hợp đối với Mỹ tại khu vực này, và đối phó với chiến thuật này khó hơn nhiều so với việc tấn công một cụm tàu sân bay hoạt động trên một khu vực cụ thể nào đó của đại đương.

Từ tất cả những gì đã dẫn ở trên, phải thừa nhận rằng , các tàu sân bay hạt nhân Mỹ cho đến hiện tại vẫn giữa một vai trò cực kỳ to lớn và cấp thiết , tàu sân bay Mỹ có thể giữ vai trò nếu không phải là quyết định thì cũng gần như quyết định trong một cuộc xung đột tên lửa- hạt nhân toàn cầu hoặc là một cuộc xung đột phi hạt nhân giữa LB Nga và NATO.

Lê Hùng & Nguyễn Hoàng - Baodatviet

Tin mới

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất
Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất

Chiều ngày 28/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, gây thiệt hại đến hoa màu của nông dân. Nhiều vườn mận hậu ở Mộc Châu, quả non rụng la liệt trên mặt đất, lẫn với những viên đá to.

Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh
Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh, UBND quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Văn Ninh, Bí thư Quận uỷ; Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận; Vũ Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quận và các phường trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo
Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo

Ngày 28/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng TP. Hải P tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc
UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc

Ngày 28/3, tại Trung tâm Báo chí Tocepo Đầm Thị Nại, đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề (UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh). Đây là Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.

Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.