Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt

Theo Tân Hoa xã, ngày 18/9, chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, phía Trung Quốc đã lập tức ra quyết định trả đũa bằng cách tăng thuế 5% và 10% đối với 60 tỷ USD sản phẩm Mỹ, đẩy cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước lên một nấc thang mới.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 1

Từ ngày 24/9. 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẫu Mỹ sẽ bị áp thuế suất tăng thêm 10%

Donald Trump lạnh lùng phát động cuộc chiến mậu dịch toàn diện

Trang web Forbes ngày 17/9 đăng bài viết: “Cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã thực sự bắt đầu ngày 17/9, ông Donald Trump đã phát động chiến tranh thương mại toàn diện đối với Trung Quốc; cuộc chiến thương mại toàn diện – điều mà mọi người lo ngại đã không thể tránh được nữa”.

Trang tin Đa Chiều nhận xét: điều đáng chú ý là thời cơ ông Trump tuyên bố tăng thuế đúng lúc tiến trình đối thoại cấp cao Mỹ - Trung đang khởi động lại. Trước đó tờ The Wall Strett Journal đã đưa tin: Bắc Kinh sẽ cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Mỹ gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để đàm phán về vấn đề mậu dịch, thời gian diễn ra đàm phán dự kiến trong 2 ngày 27 và 28/9. Với quyết định của ông Trump và tuyên bố chiều 18/9 của ông Cảnh Sảng thì hy vọng về cuộc đàm phán này đã tắt ngấm.

Tờ SCMP ngày 18/9 đưa tin, một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc nói, với việc ông Donald Trump quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc có thể sẽ hủy bỏ kế hoạch cử ông Lưu Hạc – Cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington. Người này nói: “Tiền đề của cuộc đối thoại này là Mỹ thể hiện sự chân thành đủ mức, nhưng quyết định leo thang cuộc Chiến tranh thương mại do tổng thống Mỹ đưa ra hôm 17 đã khiến cuộc đối thoại tan thành mây khói”.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 2

Ông Trump đã chọn ngày 18/9 - ngày "Quốc sỉ" của người Trung Quốc để đưa ra quyết định tăng thuế giai đoạn 2 gây nên sự phản cảm mạnh mẽ trong người Trung Quốc, phủ bóng mây lên cuộc đàm phán mậu dịch trong tương lai

Thời điểm ông Donald Trump đưa ra quyết định tăng thuế cũng bị chỉ trích, Phóng viên Anna Fifield của báo The Washington Post ngày 17/9 đã đăng trên Twitter: “Đồng nghiệp Luna Lin của tôi cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã lựa chọn một ngày tồi tệ nhất để tuyên bố tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Đó là ngày 18/9 theo giờ Bắc Kinh. Ngày này 87 năm trước phát xít Nhật bắt đầu xâm lược Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc coi ngày này là Quốc sỉ (quốc nhục). Việc quyết định tăng thuế được đưa ra vào ngày này tất sẽ gây nên sự phản cảm mạnh mẽ trong người Trung Quốc, phủ bóng mây lên cuộc đàm phán mậu dịch trong tương lai”.

Trung Quốc phản công yếu ớt

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: ”Phía Mỹ bất chấp sự phản đối của tuyệt đại đa số ý kiến trong ngoài nước, tuyên bố gia tăng 10% mức thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 24/9 và sẽ áp dụng biện pháp nâng cấp về thuế quan. Chúng tôi rất lấy làm tiếc; để bảo vệ quyền lợi chính đáng và trật tự mậu dịch tự do toàn cầu, phía Trung Quốc buộc phải tiến hành giáng trả đồng bộ”.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 3

Quyết định trả đũa của Ủy ban Thuế quan Quốc Vụ viện đăng trên trang web Bộ Tài chính Trung Quốc

Sau đó ít phút, trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc đã đăng quyết định của Ủy ban thuế quan Quốc Vụ viện về thực hiện tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu. Bản quyết định chỉ trích hành động của Mỹ là tùy tiện ngang ngược, khiến cuộc va chạm mậu dịch giữa hai nước không ngừng leo thang; tuyên bố: Để bảo vệ thể chế đa phương, tự do mậu dịch và quyền lợi hợp pháp của mình, Trung Quốc buộc phải gia tăng mức thuế đánh vào 60 tỷ hàng hóa Mỹ như danh mục đã được Quốc Vụ viện phê chuẩn gồm 5.207 mặt hàng với các mức tăng 5% và 10%, thời gian có hiệu lực từ 12h01’ ngày 24/9/2018. Nếu phía Mỹ vẫn cố ý gia tăng mức thuế lên 25% thì Trung Quốc sẽ có sự đáp trả tương ứng sẽ công bố sau.

Chiều ngày 18/9, tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn bộ này đã tuyên bố Trung Quốc đáp trả quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc của phía Mỹ và nói: “Hành động này của Mỹ đã đẫn tới sự không xác định cho cuộc đàm phán mới giữa hai bên. Mong phía Mỹ hãy nhận thức được những hậu quả xấu do hành động của họ gây nên và áp dụng biện pháp sửa chữa khiến người ta tin phục”.

Giới phân tích quốc tế nhận xét, giọng điệu phản ứng của Trung Quốc lần này đã không còn mạnh mẽ như hồi ông Trump tuyên bố tăng thuế lần đầu tiên, cụm từ “sẵn sàng ăn miếng trả miếng” đã được thay bằng “buộc phải đáp trả” bởi thực sự vốn liếng trong tay họ không còn nhiều.

Tờ “The New York Times” ngày 19/9 cho rằng, sự đáp trả của Trung Quốc không thể ngăn cản được thế tấn công mậu dịch của ông Trump. Theo những người am hiểu về việc định ra chính sách kinh tế thì lãnh đạo Trung Quốc hiện không biết làm thế nào để đáp trả đòn tiếp theo của Nhà Trắng. Chuyên gia Raul Hinojosa-Ojeda ở Phân hiệu Los Angeles, Đại học California nói: “Các quan chức Trung Quốc hiện rất mông lung”.

Ông nói: “Họ không biết làm thế nào, họ lo ngại dàn trận đối đầu sẽ trúng kế của Donald Trump”. Số hàng hóa Trung Quốc nhập của Mỹ thấp hơn quy mô 200 tỷ USD mà ông Trump đánh thuế lần này, đừng nói đến việc đối phó bước tiếp theo ông Trump đe dọa đánh thuế tiếp với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thế nhưng lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy họ không thể nào lùi bước. Họ nói với dân chúng cuộc Chiến tranh thương mại này là một bộ phận của nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ không thể để dân chúng cho rằng chính phủ đang đầu hàng Mỹ.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 4

Xe máy Trung Quốc là một mặt hàng bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu lần này

Một số người cứng rắn trong chính phủ hy vọng áp dụng thái độ cấp tiến hơn, nhưng Trung Quốc không còn nhiều sự lựa chọn. Họ có thể phá giá đồng NDT, nhưng như thế sẽ làm hàng nhập khẩu càng đắt hơn, gia tăng nguy cơ lạm phát, dẫn đến việc tiền vốn chạy ra nước ngoài. Việc họ tăng mức thuế đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu, cũng tức là tăng giá các sản phẩm như đậu tương và vi chíp. Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ dẫn đến giá thịt lợn tăng; nguyên vật liệu của điện thoại thông minh tăng sẽ làm giảm mức lợi nhuận của các nhà máy Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ cho rằng có thể ngừng xuất khẩu phần lớn linh phụ kiện then chốt do Trung Quốc sản xuất để làm rối loạn chuỗi cung ứng của các xí nghiệp Mỹ; nhưng các chuyên gia thương mại Trung Quốc lại cho rằng cách làm này không thực tế và cũng không phải là lập trường của chính phủ.

Bóng đang ở trong chân Trung Quốc

Một ngày sau khi chính phủ Mỹ công bố quyết định tăng thuế. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNBC: “Chúng ta muốn tiến hành đàm phán có tính xây dựng với Trung Quốc  để giải quyết vấn đề tận gốc; vì vậy có tiến hành đàm phán hay không và vào lúc nào là quyết định ở họ”.

Ông nói, mức thuế quan trước đây không đạt được cuộc đối thoại có tính xây dựng là điều đáng tiếc, mong đợt đánh thuế lần này sẽ có thể mang lại điều đó. Ông Wilbur Ross thẳng thừng, đợt tăng thuế lần này là để buộc Trung Quốc thay đổi hành vi mậu dịch của họ và cuối cùng tạo được không gian cạnh tranh công bằng cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 5

Bộ trưởng Bộ Thương mại  Mỹ Wilbur Ross: "Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lớn gấp 4 lần nhập khẩu, vì vậy Trung Quốc không còn đạn dược để đáp trả Mỹ nữa”.

Phát biểu về tuyên bố của Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế 5% và 10% đối với 5.207 mặt hàng Mỹ nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD, ông Wilbur Ross nói, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lớn gấp 4 lần nhập khẩu, vì vậy “Trung Quốc không còn đạn dược để đáp trả Mỹ nữa”. Ông Trump đã tuyên bố, nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp trả thù đối với nông dân và các ngành khác của Mỹ thì Mỹ sẽ lập tức áp dụng biện pháp tăng thuế giai đoạn 3 đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nếu thực thi giai đoạn 2 thì tất cả các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Mỹ đều bị tăng thuế (giai đoạn 1 là 50 tỷ, giai đoạn 2 là 200 tỷ). Theo số liệu của liên bang, năm ngoái Mỹ nhập của Trung Quốc 505 tỷ USD hàng hóa.

Trong đợt tăng thuế giai đoạn 2 này, Mỹ đã loại khỏi danh sách 300 mặt hàng bao gồm đồng hồ thông minh, một số hóa chất, mũ bảo hiểm và ghế cao chân…Ông Wilbur Ross nói: chúng tôi đã cân nhắc từng mặt hàng một với ý đồ đồng thời với việc đạt mục đích trừng phạt Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng ít nhất với Mỹ để không ai cảm thấy giá cả gia tăng; vì nếu vật giá tăng sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình.

Có những thông tin cho thấy hiện nay giới học thuật Trung Quốc đang có sự bất đồng sâu sắc về tình hình kinh tế cũng như cách đối phó với Mỹ trong cuộc đấu về mậu dịch hiện nay. Trang tin Đa Chiều ngày 17/9 cho biết, hôm 16/9 Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã triệu tập “Diễn đàn 50 người” bao gồm 50 nhà kinh tế và quan chức đã lui về tuyến 2 để tham khảo ý kiến, cùng dự có Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương Quân; Phó Hội trưởng Hội nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Phàn Cương chủ trì diễn đàn.

Nhiều ý kiến phát biểu rất gay gắt, trong đó Giáo sư Ngô Kính Liên, Nguyên Ủy viên thường vụ Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc, từng công tác tại Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện, đã phê phán gay gắt việc chính phủ ra sức đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Lâu Kế Vỹ, nguyên Ủy viên Trung ương các khóa 16, 17, 18, cựu Bộ trưởng Tài chính, hiện đang phụ trách Quỹ Bảo hiểm xã hội toàn quốc, thì phê phán chính phủ dùng biện pháp hành chính để cân bằng kinh tế.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc lặng lẽ rời phòng họp sau khi nghe 2 ý kiến này đã khiến diễn đàn bùng nổ với các phát biểu được coi là “mạnh mẽ hiếm thấy”: ông Lý Dương, Sở trưởng nghiên cứu tái chính Viện Khoa học xã hội phẫn nộ chỉ trích chủ trương “quốc tiến dân thoái” (nâng đỡ xí nghiệp quốc doanh phát triển, hạn chế các công ty tư nhân). Viện trưởng nghiên cứu phát triển quốc gia Diêu Tường phê phán tình hình cải cách hỗn loạn các xí nghiệp quốc doanh, quốc doanh thôn tính tư nhân. Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Chính Hiệp toàn quốc Dương Vỹ Dân đề nghị giảm bớt các cơ quan chính phủ, hủy bỏ việc phân loại chế độ sở hữu. Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Ngô Hiểu Linh nói về chống tham nhũng, nhấn mạnh phải đi vào quỹ đạo pháp trị mới phòng ngừa được tham nhũng…Một người trong cuộc nhận xét: “mức độ gay gắt của các ý kiến khiến người ta ngỡ đây không phải là hội nghị mở ở Bắc Kinh”.

Donald Trump lạnh lùng ra đòn ào ạt, Bắc Kinh ‘bí bài’ phản công yếu ớt - Hình 6Xã luận của Nhân dân Nhật báo (bản hải ngoại) ngày 19/9 thừa nhận Chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó khăn “ảnh hưởng trạng thái thị trường, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với công ty và thị trường chứng khoán, đối mặt với “Minsky Moment”

Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về những khó khăn sẽ phải đương đầu tới đây. Nhân dân Nhật báo (bản hải ngoại) ngày 19/9 đăng xã luận “Việc gì đến cứ đến, việc cần làm cứ làm”, bàn về việc Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa lần này và hành động đáp trả của Trung Quốc. Bài báo thừa nhận Chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó khăn “ảnh hưởng trạng thái thị trường, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với công ty và thị trường chứng khoán, đối mặt với “Minsky Moment” (thời điểm tan vỡ về giá trị tài sản).

Tuy nhiên, bài báo cho rằng: Chỉ cần tư tưởng không trượt dốc thì biện pháp ắt nhiều hơn khó khăn. Chiến tranh thương mại bộc lộ các vấn đề công nghệ cốt lõi bị siết cổ, an ninh tiền tệ gặp nguy hiểm, xã hội trong nước tồn tại nguy cơ, đã đến mức gióng hồi chuông báo động đối với Trung Quốc. Muốn giải quyết những vấn đề này, chỉ có thể dựa vào đi sâu cải cách, mở cửa rộng hơn, giải quyết mâu thuẫn ở tầng sâu nhất, tìm ra “cơ” (hội) tăng trưởng mới trong “nguy”.

Theo VietTimes

Bài liên quan

Tin mới

Hải Phòng xếp thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX
Hải Phòng xếp thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX

Theo xếp hạng mới được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023, TP. Hải Phòng xếp hạng hai cả nước về chỉ số này. Đây là thành quả từ những nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố trong năm qua.

Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 7: HDBank – góp sức cùng nông sản Việt
Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 7: HDBank – góp sức cùng nông sản Việt

Tại Hà Nội, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo điện tử VietNamNet, tổ chức Lễ công bố Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500). TH&CL giới thiệu đôi nét từng đơn vị trong danh sách này.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)

Vừa qua, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng chủ trì tiếp Đoàn công tác Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến) và một số doanh nghiệp do Giám đốc Trung tâm Đào Nhất Đào làm Trưởng đoàn. 

Mối nguy hiểm hiện hữu: WHO phát hiện chủng cúm gia cầm AH5N1 ở bò và dê
Mối nguy hiểm hiện hữu: WHO phát hiện chủng cúm gia cầm AH5N1 ở bò và dê

Ngày 18/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều loài mới, trong đó có cả con người, bị lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 và có thể phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao bất thường.

Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Về lâu dài, cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Có hệ thống công trình thủy lợi chống mặn; Phát triển hệ thống hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sạch liên vùng; Thay đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, phát triển các giống cây trồng chống chịu với hạn hán và xâm nhập mặn.

Những chuyện kể đầy xúc cảm về phi công Đoàn Bay 919
Những chuyện kể đầy xúc cảm về phi công Đoàn Bay 919

Không quân vận tải 919 (Cục Không quân, Bộ Quốc phòng), Đoàn Bay 919 là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của đất nước.