Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đồng Nai: Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch đường sông

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với đại diện các sở, ngành về việc xây dựng và phát triển ngành “ngành công nghiệp không khói”. Để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đang tăng tốc triển khai hàng loạt giải pháp.

Nếu như du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên thường được khách quốc tế (chủ yếu là từ các quốc gia: Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch) trải nghiệm, thì những chuyến dã ngoại dọc sông Đồng Nai ngày càng được nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) lựa chọn.

Đón bắt nhu cầu trên, để tạo điểm nhấn nhằm níu giữ khách dừng chân lâu hơn, ngành du lịch Đồng Nai quyết tâm tạo đột phá phát triển từ những lợi thế sẵn có về rừng và sông. Nhằm khai thác tốt du lịch sinh thái rừng và du lịch đường sông, tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới…

Đồng Nai: Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch đường sông - Hình 1

Theo đó, khi hoàn thành và đi vào sử dụng, tuyến du lịch đường sông Đồng Nai sẽ góp phần kết nối phát triển du lịch theo vùng với Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ đầu tư của tuyến du lịch đường sông Đồng Nai là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (thành phố Biên Hòa). Tuyến du lịch đường sông này được bắt đầu từ cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) đến bến đò xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).

Theo chủ đầu tư, dọc tuyến sẽ có 4 điểm dừng chân gồm điểm du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại cù lao Ba Xê rộng hơn 30 ha, có thể phục vụ 2 ngàn khách/ngày.

Bến tàu trạm dừng chân tại Công viên Nguyễn Văn Trị gần chợ Biên Hòa (thành phố Biên Hòa) rộng gần 2.500 m2 gồm: Bến tàu, phòng vé, nhà chờ có thể tiếp nhận khoảng 200 khách.

Điểm dừng chân thứ 3 tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), rộng hơn 1 hécta, dự kiến sẽ đầu tư nhà hàng, hồ bơi, các trò chơi.

Trạm dừng chân thứ 4 là Bến tàu Hiếu Liêm tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), dự kiến ngoài nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, phòng vé, nhà chờ, sẽ có phòng điều hành dịch vụ du lịch mạo hiểm và tour rừng tự nhiên, hồ Trị An.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp, khi tuyến du lịch đường sông đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển liên kết du lịch vùng. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất, khi tuyến du lịch đường sông của Đồng Nai đi vào khai thác, sẽ hợp tác nối dài tuyến, đưa du khách theo đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống các điểm du lịch ở Đồng Nai.

Tuyến du lịch sông Đồng Nai sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ cù lao Ba Xê đến bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long; giai đoạn 2 từ bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (Vĩnh Cửu). Giai đoạn 1 sẽ khai trương, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2018.

Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện và đưa vào khai thác tuyến du lịch. Đơn vị này cho rằng, đến thời điểm hiện tại những thủ tục pháp lý gần như hoàn tất, tuy nhiên có một số điểm vướng mắc vẫn chưa thể giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Dọc tuyến du lịch đường sông Đồng Nai có 4 điểm dừng chân, song mặt bằng cho những điểm này chỉ được thuê ngắn hạn trong thời gian 5 năm, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư du lịch do thời gian được phép khai thác quá ngắn, nhiều doanh nghiệp e ngại trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ du lịch, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Về vần đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định 4 mặt bằng được nghiên cứu xây dựng thành bến bãi, trạm dừng chân của tuyến du lịch, Trung tâm Phát triển quỹ đất chỉ cho phép thuê mặt bằng với thời hạn 5 năm, sau khi hết thời hạn, đơn vị có thể chuẩn bị hồ sơ thủ tục để UBND tỉnh xem xét nếu đạt yêu cầu có thể được phép gia hạn khai thác trong những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, UBND tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại quỹ đất công không sử dụng, sau đó lập kế hoạch chung của cả tỉnh để xem xét cho thuê đất với thời gian dài hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, thời gian tới chủ đầu tư phải thỏa thuận với các bến tạo điều kiện cho sử dụng tạm thời, đồng thời nhanh chóng hoàn tất thủ tục, hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải để hoàn chỉnh về các thủ tục pháp lý cần thiết cho hoạt động của tuyến du lịch đường sông Đồng Nai.

Trong khi đó, tuyến du lịch đường sông dài 91 km dọc theo dòng Đồng Nai khởi hành từ bến Bạch Đằng, TP Hồ Chí Minh và kết thúc tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, hành trình ngang qua nhiều cảnh đẹp như cù lao Ba Xê, chùa Ông, Văn Miếu Trấn Biên, chùa Bửu Phước, làng bưởi Tân Triều… cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

Trưởng ban Quản lý Dự án du lịch sinh thái cù lao Phố Nguyễn Hoàng Cường chia sẻ: “Ghé qua những danh thắng ven sông, du khách sẽ có điều kiện lựa chọn mặt hàng lưu niệm, đặc sản địa phương”. Trong nỗ lực đầu tư các điểm dịch vụ vận chuyển dọc tuyến sông Ðồng Nai, đến thời điểm này, ngành du lịch và các cấp chính quyền thành phố Biên Hòa đã kết nối được các bến bãi phục vụ du lịch và 10 ca-nô chất lượng cao.

Nhận thấy nhu cầu du lịch bằng phương tiện thủy ngày càng tăng, một số chủ nhà hàng, quán ăn ven sông địa bàn thành phố Biên Hòa cũng sớm mua thêm thuyền, đò chở khách khi có yêu cầu. Tuy dịch vụ này đang nở rộ, nhưng cách làm tự phát và manh mún. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Kim Bằng cho biết: Trong lộ trình khai thác tuyến du lịch đường sông, ngành tăng cường mời gọi đầu tư tàu thủy hiện đại, nhà hàng ẩm thực, các loại hình vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, sẽ liên kết với du lịch đường sông của thành phố Hồ Chí Minh đưa khách tới tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Đồng Nai.

Theo quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu trong bốn năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú tăng 12%/năm, với kỳ vọng đạt khoảng 5 triệu lượt người vào năm 2020, tương đương doanh thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng.

Hải Đăng

Bài liên quan

Tin mới

Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - HALCERT
Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - HALCERT

Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) vừa tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia - HALCERT, đơn vị trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp.

Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ UAE
Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ UAE

Ngày 20/3/2024, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương nhận được Thư điện tử của một doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ 1 đối tác tại UAE nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.

Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu trên nền tảng mạng xã hội facebook
Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu trên nền tảng mạng xã hội facebook

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”
Khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”

Tối 24/4, tại Quảng trường La Mã - An Bình City, số 234 Phạm Văn Đồng (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liểm khai mạc Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”.

Indonesia mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam
Indonesia mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam

NDO - Ngày 24/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương (JCBC-5) Việt Nam-Indonesia.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong các ngày 23 và 24/4/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 40. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung.