Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

KCN Long Hậu: Giá đền bù quá rẻ so giá thị trường

Chỉ cách TP.HCM đúng 1 cây cầu Long Hậu, thế nhưng Khu công nghiệp Long Hậu lại có giá đền bù đất rẻ đến lạ kỳ. Có thời điểm, 1 mét vuông đất nông nghiệp rẻ hơn 1 tô phở, 1 mét vuông đất thổ cư rẻ hơn 1 ký thịt ba rọi...

Mặc dù tới thời điểm hiện tại, giá bồi thường 1m2 đất đã tăng lên được gần 500.000 đồng/m2; thế nhưng, chỉ qua một công đoạn... bơm cát san lấp, chủ đầu tư rao bán hơn 15 triệu đồng/m2, tính ra, gấp 30 lần giá bồi thường!

Ông Nguyễn Văn Tiền (60 tuổi, ấp 1, xã Long Hậu) cho biết, cách đây đúng 1 tháng (ngày 10/9), Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Cần Giuộc phối hợp chủ đầu tư là Công ty TNHH Hai Thành L.A, đến trao cho cha con ông Bảng chiết tính giá đền bù lấy đất của ông làm khu dân cư.

KCN Long Hậu: Giá đền bù quá rẻ so giá thị trường - Hình 1

Đền bù cho người dân chưa tới 500.000 đồng/m2, nhưng liền sau đó lại rao bán với giá 15,5 triệu đồng/m2 (Ảnh TM)

Gia đình ông được chủ đầu tư đền bù cho mảnh đất 300m2, cộng với chi phí bồi thường hoa màu, nhà cửa... chỉ hơn 624 triệu đồng. Con trai ông Tiền là Nguyễn Tấn Tài, có 130m2 đất cũng chỉ được bồi thường hơn 264 triệu đồng. Tổng cộng hai cha con ông Tiền, được đền bù 888 triệu đồng, trong khi chủ đầu tư nói nếu mua nền tái định cư thì 500 triệu đồng/nền. Vậy tự nhiên gia đình ông Tiền phải bỏ ra thêm gần 120 triệu đồng nữa mới có chỗ ở trên chính mảnh đất của gia đình mình?

Một điều rất lạ: Dự án của Công ty Hai Thành L.A (và nhiều dự án công ty khác ở KCN này cũng vậy) là dự án phát triển kinh tế bình thường (làm khu dân cư). Theo Luật Đất đai và Nghị định 181, lẽ ra Công ty Hai Thành L.A phải trực tiếp thương lượng với người dân về giá đền bù - theo giá thị trường. Thế nhưng trên thực tế, chính quyền huyện Cần Giuộc thực hiện việc đền bù giải tỏa thay cho doanh nghiệp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, dự án của Hai Thành L.A là dự án lớn (gần 156ha) nên tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Nhưng, cho dù là Nhà nước thu hồi đất (phát triển kinh tế) thì giá cũng phải “sát với giá thị trường” theo quy định của pháp luật, chứ tại sao chính quyền lại đứng ra “mua đất” rẻ giúp cho doanh nghiệp?

Bà Chín Xược, sống gần chân cầu ván kể rằng, trước đây nhà và ruộng của bà ở gần cầu Long Hậu nhưng bị giải tỏa xây Khu công nghiệp Long Hậu nên về đây thuê đất cất nhà lá ở tạm. Bà bị giải tỏa 300 mét vuông đất thổ cư và 8.000 mét vuông đất ruộng, được đền bù 300 mét vuông tái định cư (đất đổi đất) và 240 triệu đồng (30.000 đồng/mét vuông đất ruộng). Suốt 4 năm qua, vợ chồng con cái bà tiêu xài đã gần hết số tiền trên (mổ tim, cho con...) nên giờ người ta giao nền không còn tiền xây nhà.

Cũng may là bà còn 4.000 mét vuông đất ruộng! “Nhiều lúc tính bán lấy tiền xây nhà nhưng lại sợ có nhà mà không biết lấy gì sống nên lại thôi”, bà Chín nói. Nhưng bây giờ bà không muốn bán cũng không được, vì đất của bà nằm trong dự án của Công ty Thái Sơn và chính quyền huyện Cần Giuộc đã có quyết định thu hồi.

Bà nói: “Họ cứ kêu tui ký nhận tiền nhưng tui không đồng ý vì giá rẻ quá. Trước đây, người ta trả tui hơn 100 triệu một công tui không bán, giờ họ trả có 35 triệu”.

Theo giá bồi thường của Công ty Thái Sơn, nếu đồng ý, bà Chín nhận được 140 triệu đồng, nhưng phải trả lại cho Công ty Thái Sơn 120 triệu đồng để nhận 200 mét vuông đất tái định cư (vì bà không có đất thổ cư nằm trong dự án).

Ông Nguyễn Văn Tửng, cũng bị thu hồi đất để xây Khu công nghiệp Long Hậu, ở nhà thuê kế bà Chín, nói: “Cứ tưởng chính sách đền bù của Tân Thuận bất lợi cho dân, nhưng giờ chính sách đền bù của Thái Sơn còn tệ hơn” (người dân ở đây gọi tắt chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu là Tân Thuận - Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận).

Chính sách của Tân Thuận là người dân có bao nhiêu diện tích đất thổ cư họ sẽ được đổi đúng diện tích đó trong khu tái định cư; còn đất nông nghiệp họ đền bù 30 triệu đồng/1.000 mét vuông, cộng với quyền mua thêm đất thổ cư với giá ưu đãi. Trong khi Thái Sơn đền bù 35 triệu đồng/1.000 mét vuông đất nông nghiệp và 9 triệu/100 mét vuông đất thổ cư, nhưng buộc người dân mua lại nền tái định cư với giá 30 triệu/100 mét vuông (với các hộ dân có đất thổ cư) và 60 triệu/100 mét vuông (với người dân không có đất thổ cư).

Ông M., một người dân sống ở ấp 3 cho biết, dân ở đấy rất hiếm người học tới lớp 4, vì trước đây vùng này địa hình cách trở (sông nước). “Nghề chính của họ là trồng lúa, bắt còng, bắt cá, chằm lá dừa nước... giờ mất đất, mất môi trường kiếm sống biết làm gì!”, ông M. than.

Trước đây, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng ưu tiên nhận con em người địa phương vào làm việc, nhưng do không có tay nghề và không quen việc nên rất ít người bám trụ được.

Ông Nguyễn Văn Tửng mô tả cuộc sống của người dân mất đất ở đây rất lạ: người già nằm nhà; thanh niên nhậu nhẹt, đua xe; mấy bà thì cà nhổng chợ búa... Tiền đền bù, có nhiều bao nhiêu ăn không cũng hết. Không ít trường hợp, như ông Hà Công Mận, tiêu hết tiền bồi thường rồi bán luôn đất nền tái định cư khi nó còn nằm trên giấy...

Đến nay, với nhiều dự án đang ào ào đầu tư vào Long Hậu, biến vùng đất nghèo khó này thành khu đô thị hoành tráng và hiện đại. Tuy vậy, số phận của người dân Long Hậu cũng chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu. Có nhiều những dự tính, ước mơ khao khát về một tương lai tươi sáng trên mảnh đất của mình…

Thế nhưng, nay đã bị hàng trăm dự án lớn nhỏ của các “đại gia” ập vào xâu xé đòi “nuốt chửng”. Cơ hội để người dân bám trụ lại với mảnh đất quê hương mình thật mong manh.

Hải Đăng (T/h)

Tin mới

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Ceo Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông
Ceo Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.

Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển
Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh vừa ban hành công văn đề nghị UBND thành phố Hạ Long không cấp phép cho các tàu du lịch được huy động tham gia diễn diễu trên biển đón khách du lịch để xem chương trình Carnaval Hạ Long 2024 từ phía biển, vì lý do an toàn cho người và phương tiện.

Những tỉnh, thành nào loại trừ được bệnh sốt rét?
Những tỉnh, thành nào loại trừ được bệnh sốt rét?

Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 46 tỉnh, thành phố được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét, còn 17 tỉnh, thành phố chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ. Tuy nhiên, số thôn, bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp. Việt Nam quyết tâm loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.

CHINT ra mắt bao bì mới và mở rộng thời gian bảo hành cho sản phẩm tại Việt Nam
CHINT ra mắt bao bì mới và mở rộng thời gian bảo hành cho sản phẩm tại Việt Nam

CHINT, công ty toàn cầu về năng lượng thông minh, vừa thông báo 2 sáng kiến mới để hỗ trợ cho hệ sinh thái năng lượng thông minh ở Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp đã cho ra mắt nhãn bảo hành sản phẩm mới nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm chính hãng và áp dụng chính sách bảo hành lên tới 3 năm.