Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kinh tế 2017: Động lực mới từ nỗ lực cải cách

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 có những điểm sáng. Nhiều tín hiệu tốt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh - đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng trong năm 2017.

THCL Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 có những điểm sáng. Nhiều tín hiệu tốt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh - đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng trong năm 2017.

Nền kinh tế có sự bứt phá

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2016, đã có chuyên gia nhận định đây là một năm “đặc biệt”. Đặc biệt bởi Việt Nam đặt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường khí hậu, biển diễn biến phức tạp…

Mặc dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy Chính phủ mới với hàng loạt các động thái lắng nghe, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/20/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là trở thành một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước.

Kinh tế 2017: Động lực mới từ nỗ lực cải cách - Hình 1Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhưng 2016 kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát

Chính nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, mà trong khó khăn, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đã đạt được. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2016 ước đạt 6,21%, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát (4,74%) .

Với mức tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm các quốc gia châu Á đang phát triển, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, trong năm 2016, thu ngân sách tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2016, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho rằng, trong bố cảnh kinh tế thế giới trầm lắng năm nay, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 6,21%, đặc biệt là bức tranh kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng. Đó là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ quý sau vẫn cao hơn quý trước, có sự bứt phá ở quý III và quý IV.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định.

Về thương mại, trong năm 2016, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8,6%, xuất siêu đạt khoảng 2,68 tỷ USD. Trong khi đó, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33% GDP; vốn FDI thực hiện đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.

Đặc biệt, năm 2016, đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng về số lượng và tăng mạnh về số vốn đăng ký, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cả năm 2016, có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 891.094 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng hơn 16,2%, về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, du lịch cũng góp điểm sáng khi khách du lịch đến với Việt Nam đạt kỷ lục 10 triệu khách.

Theo NFSC, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực “lội ngược dòng” để duy trì đà tăng trưởng tốt với các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; tổng cầu của nền kinh tế cũng được duy trì.

Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của NFSC nhận định, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 còn được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế khoảng 1 triệu 230 nghìn tỷ đồng, tương đương 181,2% GDP.

Triển vọng nền kinh tế 2017

Kinh tế Việt Nam chính thức bước sang năm mới 2017. Nhiều tổ chức và các chuyên gia đã có những dự báo với nhiều kịch bản khác nhau, nhưng xuyên suốt đều cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều “gam màu” sáng hơn. Nhiều tín hiệu tốt cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng trong năm 2017.

TS. Nguyễn Bích Lâm dự báo, tình hình kinh tế năm 2017 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Về thuận lợi, đó là môi trường đầu tư được cải thiện nhờ cải cách thể chế đạt nhiều tiến bộ. Hơn nữa, với Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì chắc chắn môi trường kinh doanh các năm sau sẽ tốt hơn.

Kinh tế 2017: Động lực mới từ nỗ lực cải cách - Hình 2

Triển vọng kinh tế 2017: Kịch bản “sáng” từ nỗ lực cải cách

Nhiều các tổ chức tài chính trên thế giới như IMF, WB đều đánh giá tình kinh tế 2017 không sáng sủa hơn và có thể tăng trưởng không tăng cao bằng năm 2016. Với kinh tế Việt Nam cũng vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 đạt 6,3%; IMF cho rằng Việt Nam chỉ có thể đạt 6,2%.

NFSC cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Khu vực này sẽ trở thành động lực chính của năm 2017. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%. Khi đó các kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2017 có thể theo các hướng sau:

Theo kịch bản 1 ( kịch bản cơ sở) với nhiều khả năng xảy ra hơn; trong đó, nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện. Vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục duy trì, tăng 7%. Cơ cấu, quy mô, hiệu quả tuy chưa có quá nhiều thay đổi, tuy nhiên tận dụng được lợi thế mang lại từ quá trình hội nhập, xuất khẩu và đầu tư có những cải thiện. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ ở mức khoảng 6,44%, lạm phát khoảng 5% .

Với kịch bản 2 ( kịch bản cao) cũng có thể có khả năng xảy ra nếu với những giải thiết như trong kịch bản 1, nhưng nền kinh tế phát triển mạnh nhờ tận dụng được những động lực phát triển kinh tế thông qua hội nhập. Cơ cấu, quy mô hiệu quả có những cải thiện theo hướng tích cực hơn, khi đó tăng trưởng kinh tế được dự báo khoảng 6,72% và lạm phát ở mức 6%.

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nếu diễn biến nền kinh tế trong nước và quốc tế thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP ở mức 7%, còn nếu không có gì đặc biệt, Việt Nam có thể đạt GDP 6,5%.

Trước thực trạng kinh tế năm 2016 và nhận định về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể cho kinh tế năm 2017. Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua với những chỉ tiêu cụ thể như: tăng trưởng GDP khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%...

Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Để thực hiện mục tiêu trên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vi mô . Nhanh chóng hoàn thiện các quy định hướng dẫn việc thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…

Đối với chính sách thương mại, để hỗ trợ xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đúng lộ trình và khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết và đi vào thực thi. Cân nhắc việc tham gia, đàm phán và mức độ cam kết trong các FTA mới nhằm bảo đảm duy trì không gian chính sách cần thiết cho phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành trọng điểm.

Ông Hà Quang Tuyến cho rằng, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Đặc biệt, cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích nghi với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao; phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa.

Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Quảng Bình tổ chức khai mạc giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024
Quảng Bình tổ chức khai mạc giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024

Ngày 25/4, tại Khu vực Tượng đài Mẹ Suốt, TP. Đồng Hới (Quảng Bình), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam (Cục Thể dục Thể thao) tổ chức Lễ khai mạc Giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024.

Vì sao, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nóng trở lại?
Vì sao, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nóng trở lại?

Tổng hợp thông tin về biến động lãi suất của các ngân hàng thương mại, thì thấy, càng về cuối tháng Tư, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm của các tổ chức tín dụng ngày càng xuất hiện dày đặc hơn. Theo đó, mức lãi suất huy động 6%/năm sau thời gian vắng bóng đã xuất hiện trở lại.

Yêu cầu công khai và quản lý khối lượng vàng giao dịch để bình ổn và ngăn trục lợi
Yêu cầu công khai và quản lý khối lượng vàng giao dịch để bình ổn và ngăn trục lợi

Trong báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường vàng được đánh giá là quản lý còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.

Quảng Bình: Quyết tâm bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc Nam trước 30/4
Quảng Bình: Quyết tâm bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc Nam trước 30/4

Chiều 24/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam.

Quản lý chặt chẽ dịch vụ chụp ảnh phục vụ khách du lịch tại Sầm Sơn
Quản lý chặt chẽ dịch vụ chụp ảnh phục vụ khách du lịch tại Sầm Sơn

Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2024, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án tổ chức quản lý kinh doanh dịch vụ nhiếp ảnh trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino

Trên địa bàn TP. Hà Nội, công an thành phố tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định về đối tượng được phép chơi, về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, khi có tố giác tội phạm liên quan đến doanh nghiệp và hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng...