Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kinh tế Việt Nam 2018: Động lực hội tụ và lan tỏa

Về tổng thể, năm 2018, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục các động lực tăng trưởng đã tích lũy từ những năm trước và có thể nhận thêm nhiều xung lực và cơ hội mới. Nhiều kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn cùng với năng lực đổi mới công nghệ, đà tăng giá dầu thô, trong khi giá vàng, giá BĐS khó có bứt phá và lạm phát có thể gia tăng áp lực.

 Kinh tế Việt Nam 2018: Động lực hội tụ và lan tỏa - Hình 1

Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao trong khu vực.(Ảnh minh họa)

Những dự báo

Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao trong khu vực. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ và lan tỏa từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; sự hồi phục đáng khâm phục của ngành nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái thành tựu mới về số DN đăng ký kinh doanh mới và quay lại hoạt động, về kết quả thu hút vốn và khách du lịch nước ngoài.

Các cân đối vĩ mô tiếp tục được đảm bảo. Dự trữ ngoại tệ được bảo tồn. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được phục hồi và củng cố, nhờ tiếp tục cải cách các thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của năm 2018 và thời gian tới.

Việt Nam tiếp tục đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản vay đến hạn theo cam kết; đồng thời, cơ chế vay quản lý nợ xấu và nợ công sẽ đậm tính thị trường hơn.

Giá năng lượng và nông sản thế giới dự báo phục hồi cùng với sự gia tăng tổng cầu tiêu dùng, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế.Mỹ sẽ vẫn là thị trường XK và xuất siêu lớn nhất, còn Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là thị trường NK và nhập siêu lớn nhất của nước ta.

Năm 2018, giá hàng tiêu dùng NK sẽ giảm cùng với mức độ giảm thuế NK, gia tăng hàng rào kỹ thuật và áp lực cạnh tranh thị trường. Đáng lo ngại là nhập siêu từ AEC và Hàn Quốc có xu hướng gia tăng. Thị trường BĐS năm nay có dấu hiệu chững lại, kém thanh khoản hơn và sẽ có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt nhiệt trên thị trường nhà chung cư thương mại cao cấp, nhà nghỉ dưỡng và tiếp tục ấm dần thị trường nhà xã hội.

Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ trong nước tiếp tục tăng áp lực, biến động theo thị trường thế giới, nhưng còn một số động thái bất thường so với diễn biến thị trường quốc tế do sự chi phối của tính độc quyền cao và yếu tố tâm lý.

Lãi suất năm 2018 có nhiều khả năng giữ nguyên hoặc tăng nhẹ do gia tăng nhu cầu  huy động vốn của ngân hàng và vay vốn của DN. Thành thử, những khoản chi lãi suất vay cao sẽ được DN hạch toán chuyển vào giá thành sản xuất và nâng giá bán, tức là góp thêm lực đẩy tăng mặt bằng giá xã hội, bất chấp sức cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh, còn sức mua chưa có nhiều biến động lớn.

Chủ động trong điều hành

Tuy nhiên, năm 2018, Việt Nam cần chủ động có nhiều kịch bản đối phó kịp thời với những diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu; dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu và lạm phát, sở hữu chéo.

Sang năm 2018, giá dầu có thể tăng nhẹ so với giá cuối năm 2017 do nhu cầu dầu thô của thế giới có thể tăng và sự đồng thuận đậm nét hơn (dù công khai hay ngấm ngầm) của các nước XK dầu mỏ, song các rủi ro làm giảm nhu cầu xăng dầu có thể đến từ các nguồn nhiên liệu thay thế, đặc biệt là sự xuất hiện của các phương tiện đi lại tiết kiệm năng lượng.

Là quốc gia có tỷ trọng ngân sách từ XK dầu mỏ lớn, việc chủ động thu hẹp khai thác dầu thô và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu này là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam, để vừa không lãng phí tài nguyên quốc gia, vừa tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Đặc biệt, áp lực lạm phát năm 2018 gia tăng do cộng hưởng nhiều nhân tố, nhất là áp lực lạm phát chi phí đẩy (tăng giá dịch vụ công và lương…), gắn với gia tăng giá xăng dầu, hệ quả độ trễ của mở rộng dư nợ tín dụng, tăng các công cụ thanh toán và điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong năm 2017. Ngoài ra, khả năng nhu cầu và giá nông sản thế giới được dự báo sẽ phục hồi cũng góp phần làm tăng giá hàng lương thực, trong khi kỳ vọng mang lại lợi ích cho nông dân và hoạt động XK nông sản nước ta.

Ngoài ra, những hoạt động và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng cũng sẽ có tác động lớn hơn đến hoạt động kinh tế-đầu tư và do đó, đến xu hướng lạm phát.

Kết quả chống tham nhũng và cải thiện tỷ lệ nghèo đói, lạm phát, nợ xấu, nợ công đang và sẽ tiếp tục là hệ quả, thước đo tổng hợp nhất về năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ kiến tạo năm 2018.

Áp lực thất nghiệp và giảm đói nghèo vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, 75% lao động ngành điện tử, 86% lao động ngành dệt may, da giày của nước ta có nguy cơ bị máy móc thay thế. Nguy cơ này có thể tạo những tác động lớn, tạo gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm mới phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học, xu hướng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, lao động bị mất việc do máy móc thay thế…. Trong đó, ưu tiên tiếp cận thị trường và nhu cầu sử dụng của DN, cũng như tạo việc làm cho lao động sau tuổi nghỉ hưu.

Lao động phi chính thức cần được thúc đẩy chuyển dịch sang chính thức thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tín dụng, thuế, BHXH, đào tạo nghề. Nhà nước nên tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng lõi nghèo; tạo cơ chế huy động nguồn lực giảm nghèo từ khu vực ngoài nhà nước, mở rộng độ bao phủ BHXH; đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế sự trục lợi các chính sách hỗ trợ, ưu tiên.

Tăng cường bảo vệ quyền của người lao động (đặc biệt, trong đó có lao động của DN FDI bị mất việc làm sau tuổi 35), xây dựng môi trường làm việc an toàn, bình đẳng giữa nam và nữ, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp phù hợp. Hệ thống an sinh xã hội cần bao phủ, tác động đến mọi đối tượng lao động, nhất là nhóm người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.

Chính phủ xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: (1) Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN. (2) Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. (3) Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

TS. Nguyễn Minh Phong

Bài liên quan

Tin mới

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì kéo dài đến năm 2030?
Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì kéo dài đến năm 2030?

Gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư hiện nay tỉ lệ giải ngân khá thấp. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thì đối tượng ở gói vay này do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì quy định, còn Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện cho cho vay. Chương trình này có thể kéo dài đến năm 2030.

Giá cà phê hôm nay 20/4: Giá trong nước giảm nhẹ
Giá cà phê hôm nay 20/4: Giá trong nước giảm nhẹ

Giá cà phê trong nước giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước, tuy nhiên vẫn giữ ở mức cao. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là trên 122.000 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 121.200 đồng/kg.  

Sắp công bố Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam và Hội thảo thương hiệu ngân hàng
Sắp công bố Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam và Hội thảo thương hiệu ngân hàng

Ngày 26/4/2024, tại trung tâm sự kiện MRD Place (Thái Hà, Hà Nội), Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam (công ty cung cấp dich vụ Tư vấn xây dựng thương hiệu và Nghiên cứu thị trường - Mibrand Việt Nam) sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề: “Thương hiệu ngành ngân hàng - Các yếu tố để trở nên vượt trội” và vinh danh Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam. 

Giá vàng hôm nay 20/4: Vàng trong nước lao dốc
Giá vàng hôm nay 20/4: Vàng trong nước lao dốc

Vàng trong nước đồng loạt giảm nhẹ, mất mốc 84 triệu đồng/lượng bán ra, trong khi đó, vàng thế giới tiếp tục đà tăng.

Điều chỉnh vốn đầu tư công theo hướng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm
Điều chỉnh vốn đầu tư công theo hướng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm

Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước pháp luật và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn đầu tư công trung hạn bố trí cho từng dự án; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tỷ giá USD hôm nay 20/4: Quay đầu giảm nhẹ
Tỷ giá USD hôm nay 20/4: Quay đầu giảm nhẹ

Tỷ giá USD hôm nay 20/4, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng 29 đồng, ở mức 24.260 VND/USD. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt giảm 0,02%, ở mức 106,13.