Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

“Cửu vạn” vùng biên

Dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, gian l

Dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại… tại vùng biên, trong đó có biên giới Lạng Sơn vẫn diễn biến phức tạp.

Mưu sinh nơi biên ải

Cơn mưa kéo dài dai dẳng suốt cả tuần lễ khiến mùa đông biên giới như lạnh buốt hơn. Chúng tôi có mặt tại khu vực biên giới thuộc địa phận thôn Ma Mèo, xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn). Tại những con đường mòn vắt ngang sườn núi qua biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, những con dốc trơn như đổ mỡ, vậy mà không ít cư dân biên giới làm nghề mang vác hàng thuê vẫn oằn lưng leo dốc, trên vai trĩu nặng những kiện hàng cồng kềnh.

Mặc cho mưa, giá rét, họ vẫn lầm lũi đưa hàng qua núi. Trên vai là lượng hàng, nếu cân vội cũng nặng tương đương với trọng lượng cơ thể. Lộ dưới lớp áo mong manh là những vết chai sần trên cổ hằn bởi những vện dây thừng, lâu ngày cũng thành quen. Chiếc áo phong phanh mùa đông ướt đẫm quện lẫn mưa và cả mồ hôi mặn chát.

Phần lớn những người tham gia vận chuyển hàng thuê là người bản địa, cả phụ nữ lẫn nam giới. Mỗi người một cảnh!

Tranh thủ nghỉ vài phút giữa chặng đường qua núi, chị Nguyễn Thị N, thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ (Văn Lãng) ngả lưng dựa thùng hàng vào gốc cây thở dốc và chúng tôi tìm cách làm quen. Đưa tay lau giọt mồ hôi rịn trên trán, chị cười mà rằng: “Ở đây, phụ nữ như chúng tôi, tranh thủ lúc xong việc đồng áng, đi làm thế này nhiều lắm. Mỗi chuyến hàng nặng chai vai trên 70 kg, được lãi vài trăm nghìn đồng, có ngày được sáu, bảy chuyến, nhưng có ngày chẳng được chuyến nào. Dạo này, lực lượng quản lý biên giới làm căng nên hàng thì nhiều nhưng không mang xuống được…’’.

Vội vã chị lại xốc bao hàng lên bước gần như chạy, cả bao hàng kéo người chị lao đi băng băng xuống dốc.

Mỗi một chuyến hàng nặng hơn cả trọng lượng cơ thể, vượt qua gần 1 km đường dốc ghập ghềnh, có đoạn dựng đứng, khi leo lên, trán người sau gần như chạm vào gót chân người đi trước. Và khi xuống dốc, nhìn xa cảm giác như họ đang đứng trên đầu của nhau.

Tuy vất vả, nhưng thu nhập cũng khá ổn. Song nếu hàng bị thu giữ thì coi như công cốc. Chị Bế Thị T, ở Háng Mới, Tân Mỹ (Văn Lãng) buột miệng: “Bị bắt hàng thì phải chịu thôi”.

Bỏ học đi vác hàng thuê

Để hiểu thêm về cuộc sống của những người làm nghề “cửu vạn” vùng biên, chúng tôi tìm đến Bản Tát, xã Thanh Long (Văn Lãng), một bản chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là nơi có nhiều cư dân tham gia vào đội quân cửu vạn vùng biên.

Trên đường vào bản, lưa thưa mấy thửa ruộng được cấy hái thường xuyên, vẫn còn trơ gốc rạ của vụ lúa vừa được thu hoạch. Nhiều mảnh nương xơ xác, vì đã bị bỏ hoang lâu ngày thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người nông dân nên tiêu điều, cỏ dại mọc um tùm.

Bên sườn đồi có vài cây đào rừng khẳng khiu, sau giấc ngủ đông dài bắt đầu cựa mình thức giấc trổ những bông đào phai khiến không gian dường như bớt u tịch hơn.

Ông Hoàng Văn H (SN 1932) đang tẽ dở mấy bắp ngô, thấy người lạ hỏi chuyện liền lên tiếng: “Tuổi đã cao, sức yếu nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà làm mấy việc vặt. Con trai, con dâu đi vác hàng có khi hai, ba ngày mới về. Dạo này, hàng nhiều hay sao mà thấy cả tuần nay chưa thấy đứa nào về. Hai đứa cháu nội, thằng lớn học chưa hết lớp 9 cũng bỏ để đi theo chúng bạn làm thuê, còn mỗi thằng bé đang học lớp 2 vẫn tới trường, nhưng chắc cũng giống nhiều đứa trẻ khác, chẳng mấy mà lại nghỉ học đi vác hàng thuê nốt”.

Trẻ vị thành niên trong bản, nhiều em bỏ học sớm để đi làm thuê. Sự non nớt của trẻ em vùng biên đã bị môi trường sống nơi đây làm cho già dặn hơn. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà các em đã phải theo người lớn mang vác hàng thuê qua biên giới để kiếm tiền? Và cũng chính vì thiếu sự quản lý, dạy dỗ của người lớn nên có em đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động phạm tội, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội! Có em ở bản đang là học sinh, đã bị bắt khi đang vận chuyển tiền giả và thuốc lắc qua biên giới.

Cái nghề “cửu vạn” vùng biên, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền và cái nghèo vẫn luôn hiện hữu trong từng căn nhà liêu xiêu dựa vào vách núi…

Gian nan chống buôn lậu!

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại. Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, xây dựng kế hoạch đấu tranh, phối hợp với các lực lượng quản lý biên giới tuần tra kiểm soát, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn hàng lậu từ cửa ngõ biên giới không để lọt sâu vào nội địa.

Phòng nghiệp vụ công an các huyện, thành phố, nhất là công an các huyện biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, quản lý thị trường, hải quan tăng cường tuần tra, chốt chặn các điểm nóng về buôn lậu ngay từ biên giới.

Theo Thượng tá Dương Công Mạnh, Trưởng Công an huyện Văn Lãng thì: “Cứ vào cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả lại diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi. Do chủ động nắm bắt tình hình, kiên quyết đấu tranh của các lực lượng công an tỉnh và các đơn vị chức năng nên đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu, hàng giả với giá trị lớn, góp phần ổn định tình hình khu vực vùng biên”.

Trong tháng 11/2014, các đơn vị đã bắt giữ 72 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ lượng hàng trị giá khoảng 5 tỷ đồng; bắt 35 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật, thu gần 50.000 con gia cầm giống, 2,5 tấn nầm lợn. Đặc biệt, đã phát hiện những đối tượng có dấu hiệu lợi dụng hàng tạm nhập tái xuất để buôn lậu, gian lận thương mại, tạm giữ hàng hóa trị giá khoảng 18 tỷ đồng để xác minh làm rõ.

Điển hình vào hồi 12h ngày 3/11, tại đường mòn biên giới 474, khu vực biên giới, thôn Ma Mèo, xã Tân Mỹ (Văn Lãng), hơn 200 cán bộ, chiến sỹ Công an Lạng Sơn, Công an huyện Văn Lãng, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường đã mở cuộc truy quét mạnh các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, đã thu giữ lượng hàng hóa khổng lồ, tổng trọng lượng gần 3 tấn, gồm nhiều chủng loại khác nhau, chủ yếu là hàng tạp hóa, quần áo… ước tính trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng…

Với tinh thần kiên quyết đấu tranh với các hoạt động buôn lậu để bảo đảm môi trường thông thoáng, lành mạnh cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, Công an tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh tích cực triển khai phòng chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, từng bước ổn định tình hình trên địa bàn.

Phóng sự của Nguyễn Kiên

Tin mới

Điểm mặt loạt công trình trọng điểm thay đổi diện mạo khu Đông TP.HCM 2 năm tới
Điểm mặt loạt công trình trọng điểm thay đổi diện mạo khu Đông TP.HCM 2 năm tới

Hầu hết các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM đang và sắp triển khai trong giai đoạn 2024-2025 đều đi qua khu Đông. Điều này không chỉ mở toang kết nối, thúc đấy kinh tế phát triển mạnh mẽ mà còn thổi bùng làn sóng an cư và tăng giá bất động sản.

Hải Phòng tổ chức giám sát thực hiện các quy định, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp Tràng Duệ
Hải Phòng tổ chức giám sát thực hiện các quy định, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp Tràng Duệ

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Chuyên đề của HĐND TP. Hải Phòng giám sát về việc thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố tại KCN Tràng Duệ (huyện An Dương). Đồng chí Bùi Đức Quang, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng chủ trì buổi giám sát. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố và một số Sở, ngành liên quan.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản có gì mới?
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản có gì mới?

Hoàn thiện, bổ sung các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các dự án thăm dò, khai thác gắn với các dự án chế biến khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động. 

Ngày 17/5 sẽ diễn ra Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024
Ngày 17/5 sẽ diễn ra Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024

Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, tìm kiếm đối tác trực tiếp và khách hàng tiềm năng cho đầu ra của sản phẩm thông qua các hoạt động của Hội chợ. UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 98/KH-UBND tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024.

Long An phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%
Long An phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%

UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024

Ngày 23/4, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024 theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Xây Dựng và UBND quận Hồng Bàng.