Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 7/11/2017, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tăng cường ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững. Hội nghị nhằm kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, người nông dân và DN để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp - Hình 1

Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Trong những năm qua, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sản phẩm và xử lý môi trường...

Từ đó, đã hình thành các quy trình công nghệ và xây dựng các giải pháp kỹ thuật mới, góp phần cơ giới hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, năng suất và sức cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN đã giúp phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn thực phẩm, như các giống lúa chất lượng cao, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, hồng Yên Châu; điều khiển các loại hoa lan, ly ra hoa chủ động mà không phải di chuyển lên vùng lạnh. Cùng với đó, các đơn vị cũng đã tăng cường ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường, xử lý nước ao nuôi bằng chế phẩm sinh học...

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN. Ngoài ra, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế.

Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu. Và các sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu nên chưa đạt kết quả cao.

Theo ông Phạm Trung Dũng - TGĐ Công ty Giống cây trồng Trung ương, ngoài việc nghiên cứu, phát triển các giống lúa chất lượng cao, Công ty cũng nghiên cứu thành công các giống dưa lưới, dưa vàng Nhật Bản được trồng tại Hà Nội và một số địa phương, cho năng suất, chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu.

Ông Phạm Trung Dũng cho rằng, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao luôn tiềm ẩn rủi ro, bởi đặc thù sản xuất ngoài trời, chi phí đầu tư lớn, do vậy thành phố cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả và thiết thực, đó là hỗ trợ về tiền thuê đất, về đầu tư hạ tầng điện, nước để doanh nghiệp có thể tích tụ đất đai, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ doanh nghiệp trong truyền thông, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Còn ông Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả: Hà Nội đã hình thành được một số khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên quy mô còn nhỏ. Cái yếu của Hà Nội cũng như cả nước là chưa chủ động được về nguồn giống, đa phần phải đi nhập khẩu. Do vậy, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung mạnh cho lĩnh vực này. Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, để những chính sách ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao thực sự phát huy tác dụng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để làm cầu nối chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Hơn nữa, Hà Nội cần quy hoạch tốt các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng đổ xô cùng sản xuất một loại sản phẩm…

Ghi nhận đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: KH&CN đã trở thành động lực, đòn bẩy góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. KH&CN đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, giá trị cao và bền vững, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chủ trương mỗi huyện phải có ít nhất 1 khu nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, toàn Thành phố có 89 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 56 mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác lên 239 triệu đồng. Một số mô hình như nhãn chín muộn, phật thủ cho thu nhập đến 1 tỷ đồng…

Để phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% đến 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, phấn đấu là trung tâm lớn về sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để cung cấp những sản phẩm năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô và xuất khẩu.  

Phó bí thư Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Tập trung quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, làm cơ sở phát triển vùng sản xuất lớn. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường kết nối với các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu để tạo ra những cây, con giống phù hợp với đặc thù địa phương mình. 

Bà Hằng cũng lưu ý các đơn vị tiếp tục cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các sở KH&CN, NN&PTNT Công thương phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

Thanh Bình

Bài liên quan

Tin mới

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, năm 2024, cần phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024

Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra ngày 19/4/2024 tại TP.HCM.

Sản xuất công nghiệp quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước
Sản xuất công nghiệp quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đầu tư phát triển đa Quốc gia I.D.I đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 213%
Đầu tư phát triển đa Quốc gia I.D.I đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 213%

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (mã chứng khoán IDI) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên với kế hoạch dự kiến chi trả cổ tức năm 2022 và năm 2023 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025.