Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó bão số 3

Trước việc bão số 3 (Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm v

Trước việc bão số 3 (Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo đối phó cơn bão này.

Toàn văn công điện như sau:

Bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16 và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta; ngày và đêm 16/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bảo cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14, kèm theo mưa lớn trên diện rộng, nhất là tại khu vực Đông Bắc và Việt Bắc. 

Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diến biến của bão và đề phòng bão đổ bộ sớm hơn dự báo. Để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, mưa lũ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

a) Các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với đê biển, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng để hạn chế thiệt hại; căn cứ diễn biến của bão chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; triển khai biện pháp phòng, chống ngập úng tại các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

b) Các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan:

- Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.

- Căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương, quyết định cấm tàu thuyền ra khơi; các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An phải về bờ neo đậu trước 12 giờ ngày 16/9/2014.

- Rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất. Việc sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/9/2014.

c) Các tỉnh trung du, miền núi:

- Rút kinh nghiệm từ bão số 2, cần chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến từng thôn, bản để người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về thiên tai, biết cách ứng phó và chủ động phòng, tránh, nhằm giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc về sinh mạng người dân do bất cẩn, chủ quan.

- Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn.

- Cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết.

2. Bộ Ngoại giao tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan nắm thông tin về tàu thuyền để chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ hỗ trợ ngư dân tránh bão.

3. Bộ Giao thông vận tải: chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển; tổ chức hướng dẫn di chuyển, neo đậu an toàn cho các tàu vận tải (kể các các tàu vận tải lớn, tàu vận tải ven bờ); chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải nhất là vùng bị ảnh hưởng của bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là tại các địa phương có nguy cơ mưa lớn ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, triển khai các biện pháp tiêu nước chống úng ngập, bảo vệ sản xuất.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan có phương án bảo đảm an toàn cho người và thiết bị trên các công trình thăm dò, khai thác dầu khí; vận hành an toàn các hồ thủy điện, hệ thống truyền tải điện; đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.

6. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng: chỉ đạo các lực lượng biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, đặc biệt là đối với những tàu ở trong khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng phương tiện sẵn sàng hỗ trợ nhân dân sơ tán, thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

7. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự vùng bị thiên tai, chủ động cấm phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi bão đổ bộ trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn giao thông qua các khu vực bị ngập lũ, đặc biệt qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tổ chức và bố trí các lực lượng cố định và di động ứng trực tại những khu vực bão, lũ để kịp thời xử lý đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó bão, lũ được thông suốt trong mọi tình huống.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biễn của bão; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.

10. Các Bộ, ngành khác: theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với bão số 3; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để đối phó với bão, lũ.

11. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến thay đổi về hướng di chuyển và cường độ của bão để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh; tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho người dân nắm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

12. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến bảo, mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với bão và mưa lũ.

13. Thủ tướng Chính phủ cử đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng triển khai ứng phó với bão./.

Tin mới

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia

Đó là một trong những mục tiêu tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất
Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất

Chiều ngày 28/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, gây thiệt hại đến hoa màu của nông dân. Nhiều vườn mận hậu ở Mộc Châu, quả non rụng la liệt trên mặt đất, lẫn với những viên đá to.

Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh
Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh, UBND quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Văn Ninh, Bí thư Quận uỷ; Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận; Vũ Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quận và các phường trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo
Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo

Ngày 28/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng TP. Hải P tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc
UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc

Ngày 28/3, tại Trung tâm Báo chí Tocepo Đầm Thị Nại, đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề (UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh). Đây là Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.