Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ (Tp.HCM): Kéo dài 5 năm, gây nhiều bức xúc

Vụ tai nạn chìm ca nô BP12-04-02 tại vùng biển Cần Giờ (Tp.HCM) xảy ra ngày 02/8/2013 gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 9 người trong đó có tài công. Chiếc ca nô bị chìm thuộc quyền quản lý của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là vụ án kéo dài suốt hơn 5 năm qua, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan tổ chức nhà nước, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và cũng là vụ án gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, bởi có dấu hiệu oan sai và nhiều biểu hiện vi phạm luật tố tụng.

 2 lần Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung; 3 lần Bộ Giao thông Vận tải giám định phương tiện gây tai nạn; 6 lần Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật; 5 lần Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản chuyển cho Viện KSND Tối cao chỉ đạo giải quyết vụ án. Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Tp.HCM, tỉnh BR-VT cũng có văn bản yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ án; Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng nhiều lần kiến nghị đình chỉ vụ án và hơn 30 cơ quan báo chí nhiều lần lên tiếng, hầu hết các báo đều khẳng định vụ án có dấu hiệu oan sai và có nhiều biểu hiện vi phạm luật tố tụng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 8370 ngày 14-10-2015 và số 10345 ngày 30-11-2016, yêu cầu giải quyết dứt điểm và báo cáo trong tháng 03/2018. Tuy nhiên, ngày 15/6/2018 cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục ra quyết định phục hồi điều tra và mới đây ngày 30/8/2018, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị viện kiểm sát truy tố các bị can.

Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ (Tp.HCM): Kéo dài 5 năm, gây nhiều bức xúc - Hình 1 (Đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới khiến ông Đảo vướng vào vòng lao lý)

  Lục lại hồ sơ vụ án được biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, ngày 4/9/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina (những người được coi là sản xuất ra chiếc tàu bị nạn) theo điều 214 Bộ luật hình sự về hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Tuy nhiên 49 ngày sau, tức ngày 23/10/2013, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM mới phê chuẩn quyết định này. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hình sự thì  việc Viện KSND TP.HCM phê chuẩn sau 49 ngày là vi phạm thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố, được quy định tại khoản 4 Điều 126 BLTTHS 2003. Mặt khác, truy tố theo điều 214 Bộ luật hình sự là không có cơ sở vì ông Đảo và ông Quyết không phải là chủ phương tiện, cũng không phải là người đăng kiểm phương tiện nên không phạm tội này.

Công ty Việt Séc mà (ông Đảo làm giám đốc) sản xuất ca nô tàu thuyền từ vật liệu PPC (Polypropylen Copolymer) là công nghệ mới, lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý, dự án thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh BR-VT đều đã cấp giấy chứng nhận. Trên thực tế thì số tàu thuyền do Công ty Việt Séc bán cho bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã được cơ quan đăng kiểm hải quân và cơ quan đăng kiểm quốc tế cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và thẩm quyền đăng kiểm là hoàn toàn đúng luật. Tại Hội chợ khoa học Công nghệ Quốc tế 2012 (Techmart 2012) ngày 23/9/2012,  tàu thuyền do Công ty Việt Séc sản xuất ra bằng vật liệu PPC đã được trao tặng Cúp Vàng.

Như vậy, rõ ràng việc  khởi tố bị can về hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo điều 214 Bộ luật hình sự là không đủ căn cứ.

Mặt khác, trong các nguyên nhân mà cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM viện dẫn để truy tố “không có nguyên nhân nào chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do đưa vào sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn”, bởi  nguyên nhân tai nạn được các cơ quan chức năng xác định là do “Tàu chở quá tải và gặp thời tiết bất lợi”. Lỗi này thuộc về lỗi của tài công, nhưng tài công đã chết nên cơ quan tố tụng không thể khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”

Điều đáng lưu ý trong vụ án này là khi hồ sơ vụ án chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM thì cơ quan này lại cho rằng ông Đảo và ông Quyết có hành vi “điều động” 3 chiếc tàu của bộ đội biên phòng khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, sử dụng sai mục đích, chở quá số người cho phép, hành trình ra vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép, không đảm bảo an toàn. Như vậy, từ hành vi “sản xuất” đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM chuyển sang hành vi “điều động”. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án lại thể hiện, ông Đảo và ông Quyết không có quyền điều động vì chiếc tàu này thuộc quyền sở hữu của bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Chưa hết, ngày 29/4/2014, tức là sau thời gian gần 6 tháng kể từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội, lúc này cơ quan liên ngành gồm: Công an-Viện kiểm sát- Tòa án nhân dân Tp.HCM tổ chức họp liên ngành và đưa ra kết luận: Canô BP12-04-02 bị nạn là tài sản của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và đang được Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng BR-VT quản lý nên thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, không thuộc thẩm quyền xử lý của Công an TP.HCM. Như vậy, nếu căn cứ vào kết luận này của cơ quan liên ngành thì cơ quan tố tụng không chỉ vi phạm về thời hạn, mà còn vi phạm cả về thẩm quyền điều tra.

Tuy nhiên, sau khi nhận được công văn số 903 ngày 12/9/2014 cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, ngày 16/1/2015, Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khẳng định, việc đăng kiểm tàu BP12-04-02 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả vụ tai nạn, nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: “Việc thiếu căn cứ mà đã khởi tố bị can là việc làm tùy tiện, chẳng khác nào cứ khởi tố điều tra, bắt giam, truy tố, rồi mọi chuyện tính sau… Lẽ ra vụ án phải được kết thúc khi không đủ căn cứ kết tội, thế nhưng thay vì đình chỉ vụ án thì Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn tiếp tục ký văn bản số 637/CV-P1A ngày 26/5/2015 giữ nguyên quan điểm truy tố và yêu cầu toà án đưa vụ án ra xét xử. Việc làm này đã cho thấy người có thẩm quyền của cơ quan tố tụng cố tình truy tố đến cùng…”.

Quá bức xúc, ngày 09/6/2015 ông Lê Văn Học (Phó Giám đốc Công ty Việt Séc) đã có đơn gửi Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tố cáo đích danh ông Đoàn Tạ Cửu Long (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM) về hành vi “Cố tình truy tố người không có hành vi phạm tội” gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động công ty Việt Séc.

 Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ (Tp.HCM): Kéo dài 5 năm, gây nhiều bức xúc - Hình 2

(Ông Đảo cùng các chuyên gia Cộng hòa Séc khôi phục lại hoạt động nhà máy đóng tàu)

 Cũng như nhiều ý kiến của các chuyên gia luật, ông Đinh Văn Quế nguyên là Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, ông đã gửi bản kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu xem xét những dấu hiệu oan sai trong vụ án, trong đó nêu rõ: “Chiếc ca nô này là tài sản của Bộ Quốc phòng, thế nhưng ngay từ đầu Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn khởi tố và phê chuẩn quyết định khởi tố là vi phạm luật tố tụng. Cũng ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã không tiến hành thu hồi vật chứng (phương tiện, tàu gây nạn) theo đúng quy định của BLTTHS và tiến hành khám xét phương tiện, kiểm tra về kỹ thuật xem có đúng là không đảm bảo an toàn hay không đã vội vã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu giám định tư pháp và tạm đình chỉ điều tra cũng chưa đúng với quy định của BLTTHS, vì việc kiểm tra hay “giám định” tàu bị nạn không phải là giám định tư pháp, mà chỉ là hoạt động thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, thời hạn điều tra bổ sung vừa hết thì cơ quan cảnh sát điều tra lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định là không đúng với quy định về giám định tư pháp quy định tại từ điều 155 đến điều 159 BLTTHS vì nếu giám định tư pháp thì phải tuân theo các quy định của BLTTHS…” và cuối cùng cũng như Đoàn Luật sư tỉnh BRVT nhiều lần kiến nghị, ông Quế khẳng định rằng: Vụ án có dấu hiệu oan sai rõ ràng, vì ông Đảo và ông Quyết không phạm vào tội danh trên.  

Theo các chuyên gia luật thì: Căn cứ vào các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ điều tra tại Điều 229 và Điều 230 của BLTTHS thì vụ án này không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ điều tra mà cần phải đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ điều tra phải thực hiện theo Điểm b, Khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015: “Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.”

Theo kết quả trưng cầu giám định mới nhất (lần 3), thì thời điểm xảy ra tai nạn tàu BP12-04-02 chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho việc thiết kế đóng và đăng kiểm phương tiện có thân vỏ chế tạo bằng vật liệu Polypropylen Copolyme (PPC). Do đó không có đủ cơ sở khẳng định tàu này có hay không đáp ứng tiêu chuẩn ổn định cân bằng ngay từ khi sản xuất và trước khi vận hành.

Tuy nhiên, qua hai công văn trả lời của Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) và Cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng (Bộ Quốc phòng) đều khẳng định rằng, tại thời điểm đó Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho tàu PPC, nhưng căn cứ vào các thông số kỹ thuật cơ bản của ca nô đều thỏa mãn với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 95/2016/BGTVT về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC nên cơ quan đăng kiểm Hải Quân- Bộ Quốc Phòng cấp giấy chứng nhận an toàn phương tiện số 20.22-13/CN-DK ngày 16/7/2013 là hoàn toàn hợp pháp và đúng thẩm quyền”.

 Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ (Tp.HCM): Kéo dài 5 năm, gây nhiều bức xúc - Hình 3

(Những con tàu do công ty Việt Séc chế tạo chuyển giao cho bộ đội biên phòng hoạt động tốt)

                 Như vậy có thể tạm lý giải, từ việc vội vã xác định không đúng  hành vi của một cá nhân chính trong vụ án, dẫn đến vụ án kéo dài. Đây là vụ án liên quan đến tai nạn giao thông đường thủy mà quá trình điều tra kéo dài nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam..

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản kiến nghị nêu rõ: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng nhưng mọi hoạt động tố tụng cần phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, không lạm dụng quyền lực để làm sai. Khi không chứng mình được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Không có quy định nào của pháp luật cho phép cơ quan tố tụng vi phạm về thời hạn điều tra và kéo dài tới 5 năm…

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, vì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên những cán bộ tiến hành tố tụng cố xử cho bằng được.

Hương Lan

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định: Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,84%
Bình Định: Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,84%

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa công bố Danh sách các cá nhân giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, quá hạn trong Quý 1 và tháng 4/2024. Theo đó, riêng quý 1/2024, toàn tỉnh có 99,84% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn.

Khắc phục nguồn nước cấp không đảm bảo chất lượng xảy ra tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng
Khắc phục nguồn nước cấp không đảm bảo chất lượng xảy ra tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng báo cáo UBND tỉnh về việc nguồn cấp nước không đảm bảo chất lượng, không ổn định tại Khu công nghiệp Lộc Sơn.

UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024
UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024

UBND TP.Hà Nội vừa có Văn bản số 70/KH-UBND về việc kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024, dựa trên đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA
Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA

Công ty cổ phần ASTA HEALTHCARE USA bị xử phạt do thay đổi thiết kế (tăng diện tích sàn) mà không lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng tại dự án nhà máy về dược phẩm tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1.

Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua
Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua

VN-Index mất thêm gần 20 điểm; Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp; Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index; Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!; Châu Á ra sức hỗ trợ tiền tệ khi đồng đô la tăng mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.