Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Xã Tiến Sơn (Lương Sơn, Hoà Bình): Khai thác đất “tra tấn” người dân

Thời gian gần đây, hoạt động khai thác và vận chuyển đất với khối lượng lớn tại mỏ đất “mọc” giữa khu vực trung tâm thôn Ngành, xã Tiến Sơn, khiến đời sống người dân bị đảo lộn. Môi trường bị ô nhiễm, đường xá bị tàn phá. Điều đó cho thấy những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về khai thác đất san lấp.

 

 

Xã Tiến Sơn (Lương Sơn, Hoà Bình): Khai thác đất “tra tấn” người dân - Hình 1

 Ô nhiễm môi trường, “tàn phá” đường xá

Người dân thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn (Lương Sơn) bức xúc: "Thôn chúng tôi nằm giáp danh với xã Tiến Sơn. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn phải sống trong cảnh bụi khói, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông do hoạt động khai thác, vận chuyển đá của các xe tải trọng lớn ra vào mỏ đá Long Đạt, trên địa phận của xã Tiến Sơn, chuyên trở vật liệu lưu thông qua địa bàn thôn, xã, sang Quốc lộ 21.

Chỉ cần một mỏ đá đã đủ làm chúng tôi điêu đứng, nhưng mấy tháng nay còn xuất hiện thêm mỏ đất trong thôn Ngành (xã Tiến Sơn) khiến tình trạng môi trường, giao thông khu vực này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Xe trọng tải lớn, ra vào rơi vãi bụi đất, bóp còi inh ỏi, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt, đường bê tông qua thôn Đá Bạc mới được nâng cấp, hoàn thành từ đầu năm 2017, chất lượng mặt đường tốt nên các xe chạy qua đây phóng rất nhanh. Đây là địa bàn đông dân cư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông".

Trao đổi về thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết: Không chỉ người dân, mà ngay cả “mỏ đá Long Đạt” cũng phàn nàn về hoạt động khai thác, vận chuyển đất từ thôn Ngành, qua địa bàn. Họ chở đầy, đất rơi rất bụi, lại không chịu tưới nước khiến người dân bức xúc. Xã Liên Sơn đã giao công an, yêu cầu đơn vị thi công khai thác đất lên xã làm việc để ký cam kết về vận chuyển và đảm bảo môi trường khi qua địa bàn, nhưng họ vẫn khất lần, chưa thực hiện (?!).

Xã Tiến Sơn (Lương Sơn, Hoà Bình): Khai thác đất “tra tấn” người dân - Hình 2

 Người dân thôn Ngành bức xúc: Bụi bặm kinh khủng, mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải trọng lớn, chạy lún - cả đường. Trước đây, khi chưa có mỏ đất, đường liên xã chạy qua thôn khá phong quang và sạch sẽ. Nhưng giờ đây, đường này xuất hiện rất nhiều ổ voi, ổ gà, mưa lầy lội, nắng thì bụi...

Họ (đơn vị thi công khai thác đất – Công ty TNHH Phát triển Tiến Mạnh) hoạt động không có giờ giấc, nhiều khi xe chạy cả trưa, khiến bà con không thể nghỉ ngơi được. Xe chở đất lớn, đường thì nhỏ, một xe đi là chiếm hết cả lòng đường, nhiều gia đình phải đưa đón con đi học, không dám để các cháu tự tham gia giao thông như trước đây. Thi thoảng, cũng có công an giao thông về kiểm tra, giám sát, nhưng thực trạng không thay đổi là mấy!

Bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý, giám sát...

Ông Nguyễn Mạnh Thoả, Trưởng thôn Ngành cho biết: "Chiều 3/6/2017, trong đợt nắng nóng gay gắt, khu vực mất điện, nhiều người dân phải ra gốc cây ven đường khu trung tâm thôn để hóng gió. Họ (công ty) không tưới nước, xe chở đất quần thảo gây bụi – nóng không ai chịu được, tôi phải gọi điện nhắc nhở, đề nghị tưới nước để đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân.

Không những họ không nghe, mà còn "lên giọng" thách đố chặn xe. Bức xúc, chúng tôi phải dùng xe máy dựng ra gần giữa đường để chặn xe chở đất, yêu cầu “họ” tưới nước, lúc đó họ mới cho xe đi tưới nước theo yêu cầu của người dân".

Không chỉ ảnh hưởng tới đường xá, môi trường, việc khai thác đất tại diện tích đất đồi nhà ông Nguyễn Văn Phương trong thôn, hiện tại còn có nguy cơ gây sạt lở ảnh hưởng tới nhà cửa, đe doạ đến tính mạng của hộ dân lân cận (nhà ông Nguyễn Văn Hương), ảnh hướng tới hệ thống thuỷ lợi khu vực chân đồi khi mùa mưa bão tới.

Xã Tiến Sơn (Lương Sơn, Hoà Bình): Khai thác đất “tra tấn” người dân - Hình 3

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Sơn thông tin: "Việc khai thác đất trong thôn Ngành, được thực hiện theo Giấy phép khai thác đất san lấp số 20/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình (cấp ngày 28/02/2017), cho phép hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phương thực hiện việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp. Theo đó, diện tích khai thác là 4.380 m2; mức sâu khai thác: + 70 m; khối lượng khai thác: 38.202 m3; thời gian khai thác: 14 tháng.

Những phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường, làm hư hại đường xá của mỏ đất là đúng, có cơ sở và xã cũng đã nhận được phản ánh, kiến nghị của UBND xã Liên Sơn về việc này. Mỏ đất nằm ngay tại khu vực trung tâm thôn Ngành nên ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của huyện vừa qua, chúng tôi đã đề cập đến hiện trạng xe quá khổ quá tải trong chuyên chở đất chạy qua đường liên xã. Qua đó, được Phó phòng TN&MT huyện Lương Sơn trả lời: Tải trọng xe từ 3,5 tấn trở xuống, được phép lưu thông trên tuyến đường này (không kể hàng). Như vậy, theo tôi, các xe vận chuyển đất chạy qua đây, hầu như là quá tải trọng cho phép, có cả xe "4 chân"...".

Khi PV đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan trong quản lý giám sát của UBND xã theo quy định, ông Bảy bức xúc: “Chủ tịch giao hồ sơ cho tôi chỉ có từng này thôi (giấy phép, bản đồ địa hình và bản đồ khu vực). Ngoài ra, không có thêm gì khác. Chúng tôi đã yêu cầu họ nộp về xã bản kế hoạch/phương án khai thác để phục vụ công tác quản lý, giám sát việc khai thác, vận chuyển đất; nhưng đến giờ họ vẫn chưa đưa”.

Căn cứ Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh Hoà Bình ban hành Quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; đồng thời, theo các điều được quy định tại giấy phép khai thác đất san, lấp của UBND tỉnh cấp ngày 28/02/2017 cho hộ ông Nguyễn Văn Phương, UBND tỉnh Hoà Bình quy định:

Hộ ông Nguyễn Văn Phương phải có trách nhiệm: Trước khi thi công, phải cắm mốc ranh giới phạm vi được khai thác và thông báo cho UBND xã Tiến Sơn để giám sát việc khai thác theo quy định. Khi thi công khai thác, phải đảm bảo an toàn lao động, các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án đã được thẩm định. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác…

Hoạt động khai thác đất san lấp theo giấy phép, chỉ được tiến hành sau khi hộ ông Nguyễn Văn Phương thông báo kế hoạch khai thác tại UBND xã Tiến Sơn, UBND huyện Lương Sơn…

Trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Phương vi phạm quy định pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại giấy phép, Giấy phép sẽ bị thu hồi và hộ ông Nguyễn Văn Phương phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan.

Quy định là như vậy và đơn vị thi công khai thác (Công ty TNHH Phát triển Tiến Mạnh) đã hoạt động xúc, vận chuyển đất ra khỏi địa bàn trong nhiều tháng nay. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Sơn khẳng định: Đến nay, hộ ông Phương và đơn vị thi công khai thác, ngoài việc chưa nộp thông báo kế hoạch khai thác về UBND xã, còn chưa thực hiện việc cắm mốc giới theo quy định.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, có sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình trong cấp phép, quản lý – giám sát hoạt động thi công khai thác đất san lấp nêu trên, dẫn đến việc cấp phép đã không tính tới khả năng chịu tải của môi trường, kết cấu hạ tầng cơ sở... tại địa bàn đông dân cư?

Sau cấp phép, đã để cho các đơn vị thi công – khai thác mặc sức hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, hành hạ “người dân”, “tàn phá” hạ tầng cơ sở?...

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.