Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước, ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ, trên cơ sở đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của ngân hàng.

Để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Khoản vay phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong thời gian từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, khoản vay được ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khách hàng được ngân hàng đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc, hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của khách hàng và không vượt quá 12 tháng, kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến hết 31/12.

Ngoài cơ cấu thời hạn trả nợ như trên, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến, theo đó, cho phép ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc, hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đặc biệt, Thông tư cũng quy định do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các ngân hàng thương mại, do đó, các ngân hàng đưa ra quyết định cơ cấu nợ dựa trên năng lực tài chính của mình, đồng thời đáp ứng trích lập dự phòng rủi ro 100% với các khoản nợ được cơ cấu. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra hai phương án trích lập dự phòng.

Phương án 1, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định và thực hiện trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ, theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Phương án 2 kéo dài thời gian trích lập dự phòng 100% ra hai năm: Đến thời điểm 31/12/2023 tối thiểu 50% số tiền dự phòng phải trích lập; đến thời điểm 31/12/2024, đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và khả năng trả nợ của nhiều khách hàng. Do đó, việc triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn về dòng tiền thông qua cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19 - là giải pháp tình thế cần thiết.

Thông qua chính sách này, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. 

Do không bị chuyển nợ xấu, khách hàng có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đó, khách hàng có cơ hội trả nợ ngân hàng, tạo việc làm, cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Phương Thảo (Th)