Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)

Tư tưởng cách mạng không ngừng

Những lời dạy của Người có giá trị bền vững, có ý nghĩa chỉ đạo thực hiện to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đạo đức kinh doanh lành mạnh và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt lên tầm cao mới, trong thời kỳ mới.

Tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (1956), Người chỉ rõ:

“Nền kinh tế quốc dân, có 3 mặt quan trọng đó là nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt công tác ấy có quan hệ mật thiết với nhau… Nếu công tác thương nghiệp không chạy, thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Theo Người - “Tín” là chuẩn mực đạo đức cơ bản của mọi con người và nó cần thiết trong mọi hoạt động. Riêng đối với hoạt động kinh doanh, thì phải lấy chữ “Tín” làm đầu.

Bởi vì, trong kinh doanh, nếu thất “Tín” là thất nhân tâm, là có thể buôn gian, bán lận, có thể lừa đảo, gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ Việt Bắc (Ảnh: Tư liệu)

Chính vì những lẽ đó, Người đã ân cần chỉ dẫn cho các doanh nhân:

“Phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Giá cả phải chăng, không lừa dối người mua”.

Bác luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp và các doanh nhân phải năng động, nêu cao tinh thần tận tình phục vụ Nhân dân, tôn trọng khách hàng, lấy sự hài lòng của khách hàng làm niềm vui.

Người chỉ ra, cái nghề “làm dâu trăm họ” là rất khó, rất phức tạp, nhưng cũng rất vẻ vang!

Chính vì thế, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành thương nghiệp, Người đã biểu dương, khen ngợi những nhân viên bán hàng tiêu biểu.

Và những lời khen của Người - mãi mãi là niềm tự hào của ngành thương mại, dịch vụ và của các doanh nhân.

Bác Hồ thăm Nhà máy Điện Bờ Hồ năm 1954 (Ảnh: Tư liệu)

Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm tới phát triển hàng hóa Việt. Ngay từ những năm 1960, Người đã giành nhiều bài nói, bài viết bàn về hàng hóa và phát triển hàng hóa Việt.

Theo Người, phát triển hàng hóa Việt, phải theo phương châm cơ bản “NHIỀU - NHANH - TỐT - RẺ”.

Trong nhiều bài viết, Bác Hồ đã phân tích rất sâu sắc rằng, chỉ có sản xuất được nhiều hàng hóa, thì dân mới giàu, nước mới mạnh, mức sống của Nhân dân lao động mới được nâng cao. Muốn sản xuất được nhiều hàng hóa, thì phải tạo điều kiện cho nhiều cơ sở sản xuất phát triển và đặc biệt là phải tăng năng suất lao động.

Người chỉ rõ:

“Muốn làm ra nhiều của cải, phải có 2 điều kiện: Một là phải có nhiều người sản xuất; hai là mỗi người phải sản xuất được nhiều. Hai điều này, thật ra không hề tách rời nhau”.

Về phát triển hàng hóa, Bác Hồ đã xác định:

“Phải tăng nhanh, tăng mạnh, tăng liên tục các loại hàng hóa, nhất là những hàng hóa Việt có lợi thế và những hàng tiêu dùng thiết yếu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ngày 19/5/1955

Người luôn nhắc nhở các doanh nghiệp về phương thức phát triển nhanh hàng hóa:

“Nhanh, không phải là chỉ gắng sức lên từng lúc, từng đợt. Nhanh - là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng”.

Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới chất lượng hàng hóa. Theo Người, hàng hóa sản xuất ra phải tốt. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên của mọi loại hàng hóa.

Người đã phân tích rất sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa “nhiều”, “nhanh” với “tốt” của các loại hàng hóa.

Người cho rằng, nhiều, nhanh phải đi đôi với tốt. Nếu chỉ nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh.

Người còn chỉ rõ, hàng xấu không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp, mà còn gây tác hại lớn cho cả Nhà nước và người tiêu dùng:

“Hàng xấu khó bán, hoặc phải bán với giá rẻ, do đó xí nghiệp không có lãi, Nhà nước không tăng được tích lũy… Hàng xấu thì chóng hỏng, chóng hao, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng”.

Người luôn xác định, hàng hóa không những nhiều, nhanh, tốt, mà còn phải rẻ. Bởi vì, sản xuất được hàng hóa rẻ, chính là mục đích tốt đẹp của xã hội mới.

Tháng 1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen tặng Mỏ Apatit Lào Cai đã làm đúng lời hứa, thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 10% trong năm 1958 (Ảnh: Tư liệu)

Theo Người:

Nếu sản xuất ra hàng hóa đắt đỏ, thì chẳng có ích gì cho dân, cho nước. Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt, nhưng lại không rẻ, thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của Nhân dân và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế.

Muốn sản xuất được hàng hóa rẻ, thì phải tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu...

Tăng cường quản lý thị trường

Hiện nay, ở nước ta, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thương mại, dịch vụ nói riêng, đã có những phát triển mới.

Để vận dụng sáng tạo những lời dạy của Bác Hồ vào xây dựng, củng cố đạo đức kinh doanh lành mạnh và phát triển hàng hóa Việt lên tầm cao mới, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau.

Trước hết, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được chú trọng, sao cho cán bộ, nhân viên ngành thương mại, dịch vụ và các doanh nhân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm ngành, nghề của mình đối với sự phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả, không ngừng nâng cao lợi nhuận, ổn định đời sống, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta không ngừng xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam một cách bài bản, bền vững, theo đúng thông lệ quốc tế. Định hướng chung đó là củng cố, phát huy vai trò của hàng trăm thương hiệu Sao vàng đất Việt; đồng thời, xây dựng thêm nhiều thương hiệu mạnh cho các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc lời dạy cùa Bác Hồ “Hàng hóa phải thật tốt”, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp phải kết hợp chặt giữa nghiên cứu khoa học & công nghệ, tập trung đầu tư xây dựng cho được những thương hiệu mạnh tầm cỡ khu vực và thế giới.

Bác Hồ đến thăm Mỏ Đèo Nai, năm 1959 (Ảnh: Tư liệu)

Mặt khác, chúng ta phải kiên quyết khắc phục tình trạng bán thương hiệu, đánh mất thương hiệu, đánh tráo thương hiệu và bị mất trộm thương hiệu. Các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp cần phải khôn khéo và dũng cảm đấu tranh - đòi bằng được những thương hiệu đã mất.

Chúng ta phải tăng cường quản lý thị trường, giữ vững bình ổn giá, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đây là tâm nguyện lớn của Bác Hồ, ngay từ những năm 1960; đồng thời cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Nhiệm vụ này, có mục tiêu cao đẹp, nhưng là một nhiệm vụ rộng lớn, phức tạp, đòi hỏi ngành thương mại, dịch vụ, các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp phải đồng tâm, góp sức thực hiện.

Đương nhiên, việc quản lý thị trường, giữ vững bình ổn giá, trách nhiệm chủ yếu thuộc về các cơ quan nhà nước, song các tập đoàn kinhh tế, các doanh nghiệp, với vai trò và khả năng của mình, đều phải tích cực góp sức thực hiện, thì nhiệm vụ này mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái - cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt và lâu dài. Bởi lẽ, vì lợi nhuận, người ta có thế bất chấp mọi thủ đoạn gian dối, lừa đảo, mọi hành vi bất nghĩa, bất nhân; sẵn sàng làm tổn hại sức khỏe cộng đồng và bất chấp cả pháp luật.

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từ các mặt hàng rau quả, bánh kẹo, thực phẩm đến đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… Đối tượng, phạm vi, thủ đoạn làm hàng giả, nhái rất tinh vi, rộng lớn.

Do đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách rốt ráo, sự đấu tranh quyết liệt của nhiều lực lượng, từ các cơ quan nhà nước đến đông đảo người tiêu dùng, từ lực lượng an kinh tế, thuế vụ, quản lý thị trường… đến cán bộ môi trường, y tế và các cấp chính quyền.

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, chúng ta phải tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng và pháp luật phải xử lý thật nghiêm khắc đối với các hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng và những kẻ làm hàng giả, hàng nhái, trực tiếp gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

Nâng cao chất lượng hàng Việt

 Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển kinh tế ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đã có nhiều lời dạy sâu sắc, phong phú về nâng cao chất lượng và ưu tiên dùng hàng nội hóa.

Bác Hồ thăm Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, năm 1960 (Ảnh: Tư liệu)

Những lời dạy của Người về vấn đề này, có giá trị bền vững, có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực to lớn đối với sự nghiệp xây dựng các thương hiệu hàng hóa mới và với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay.

Ngay từ khi miền Bắc mới được giải phóng, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm tới phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng nội hóa.

Trong lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô, Người nhấn mạnh:

“Chính phủ và Nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều… Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công thương hăng hái kinh doanh.

Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính”.

Theo Người, muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo phương châm “Nhiều - Nhanh - Tốt - Rẻ”.

Người đã phân tích một cách sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa 4 mặt ấy, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của mặt tốt, mặt chất lượng cao của hàng hóa.

Người chỉ rõ, sản xuất ra hàng tốt, hàng chất lượng cao, nó không những tạo ra uy tín, mà còn làm tăng lợi nhuận cho doannh nghiệp. Hàng tốt - chính là thương hiệu vang xa, mang lại tiếng thơm và lợi ích to lớn cho doannh nghiệp. Trái lại, làm ra hàng xấu, hàng kém chất lượng, nó không chỉ gây tổn hại cho doannh nghiệp, mà còn gây tác hại lớn cho cả Nhà nước và người tiêu dùng.  

Chính từ những lẽ đó, Người kịch liệt phê phán những hàng hóa chất lượng kém, như:

“Kim khâu quá to, khó khâu, hay làm đứt chỉ.

Xe đạp Thống Nhất, có cái mới đi 30 cây số đã xộc xệch.

Khăn mặt, có cái dùng 1 tháng đã rách.

Áo đi mưa, mặc dăm lần đã đứt cúc.

Áo may sẵn cho trẻ em, mới mặc 1 buổi, thì 3 khuy đã rơi mất 2”…

Từ thực trạng hàng kém chất lượng ấy, Người yêu cầu mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã, mỗi cán bộ, nhân viên và mỗi xã viên, phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Bác Hồ đặc biệt quan tâm giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về ưu tiên dùng hàng nội hóa.

Bác Hồ thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1/5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội, ngày 19/12/1963 (Ảnh: Tư liệu)

Chính Người là một tấm gương mẫu mực tuyệt vời về thực hiện vấn đề này. Trong đời thường, Người luôn đi đôi dép lốp, mặc bộ quần áo bà ba, dùng cây bút Hồng Hà bình dị.

Đã nhiều lần, Người phân tích rất sâu sắc về lợi ích của việc dùng hàng nội hóa.

Người đã chỉ rõ, hàng nội hóa thường có giá rẻ hơn hàng ngoại nhập; hơn nữa, nó lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và tập quán, thói quen của người tiêu dùng Việt.

Người còn nhấn mạnh, Nhân dân ta có ưu tiên dùng hàng nội hóa, thì nền sản xuất nước nhà mới phát triển, Nhà nước mới tăng được tích lũy, phúc lợi chung của xã hội mới được nâng cao.

Chính từ những lẽ đó, Người đã đi tới kết luận:

“Dùng hàng nội hóa, vừa ích nước, vừa lợi nhà”!

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Sau hơn 35 năm đất nước đổi mới, cùng với quá trình chủ động hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta đã có những đổi thay to lớn, sản xuất hàng hóa không ngừng phát triển mạnh mẽ, trên mọi miền đất nước.

Cùng với sự đổi thay, phát triển, cuộc đấu tranh nhằm xây dựng, giữ gìn, phát huy các thương hiệu hàng hóa, cũng đang diễn ra hết sức gay go, quyết liệt, phức tạp.

Trong bối cảnh ấy, để thực hiện sáng tạo lời dạy của Bác Hồ, nhằm xây dựng được những thương hiệu hàng hóa mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp.

Trước hết, để xây dựng được những thương hiệu hàng hóa mạnh, chúng ta phải vận dụng và thực hiện sáng tạo lời dạy của Bác Hồ đó là không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa.

Bởi vì, chất lượng hàng hóa là nội dung cốt lõi, là tiêu chuẩn đầu tiên của thương hiệu hàng hóa.

Thực tiễn đã khẳng định rằng, những thương hiệu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… đều được xây dựng trên cơ sở nền tảng của chất lượng hàng hóa tốt.  

Bác Hồ thăm gia đình công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng, năm 1964 (Ảnh: Tư liệu)

Đương nhiên, muốn có hàng hóa tốt, hàng hóa chất lượng cao, các doanh nghiệp phải ứng dụng sáng tạo những công nghệ mới, hiện đại, đồng thời không ngừng cải tiến công tác quản trị, quản lý sản xuất; nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Chỉ có trên cơ sở như vậy, chúng ta mới thực hiện được tâm nguyện của Bác Hồ: Sản xuất được hàng hóa tốt và rẻ.

Thực tế hiện nay, đã chỉ ra rằng, phải trên cơ sở sản xuất được hàng hóa “Tốt - Rẻ - Nhiều” - thì mới xây dựng được thương hiệu hàng hóa mạnh và thương hiệu đó mới chiếm lĩnh được thị phần, nâng cao được lợi nhuận, nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.

Trong những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các địa phương trong cả nước hưởng ứng và đã đạt những kết quả bước đầu.

Thủ đô Hà Nội là địa phương dẫn đầu toàn quốc về thực hiện cuộc vận động có ý nghĩa chiến lược quan trọng này.

Tuy nhiên, ở Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, tâm lý “sính” hàng ngoại còn khá phổ biến. Nhìn chung, người tiêu dùng còn chưa mặn mà với hàng nội hóa…

Trước tình hình đó, chúng ta càng phải đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lên một cách mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa.

Để nâng cao hiệu quả cuộc vận động, chúng ta phải tiến hành tốt nhiều nội dung, biện pháp.

Theo đó, chúng ta không ngừng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về ý nghĩa, vai trò của việc ưu tiên dùng hàng nội hóa; tổ chức tốt chương trình “Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng”, nhất là đến với bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch, ngày 15/11/1968 (Ảnh: Tư liệu)

Các tỉnh, thành phố, cần tổ chức tốt cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”; qua đó, vinh danh những hàng hóa Việt tiêu biểu; tổ chức tốt các cuộc “Hội chợ hàng Việt”, tập hợp đông đảo doanh nghiệp, địa phương tham gia; qua đó quảng bá rộng rãi hàng hóa Việt, nhất là các thương hiệu hàng hóa mới, hàng hóa thiết yếu cho đời sống dân sinh…

Thực hiện tốt các vấn đề trên, nhất định cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'” sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp và chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi lời dạy của Bác Hồ về ưu tiên dùng hàng nội hóa để “Vừa ích nước, vừa lợi nhà”.

Trong những năm tới, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - lên tầm cao mới…

Bác Hồ luôn chăm lo giáo dục, chỉ dẫn trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên ngành thương mại, dịch vụ. Người chỉ thị: “Phải quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ; bình ổn vật giá, phục vụ Nhân dân”...

Xuân Phong