Các ngân hàng trung ương ở hai bên bờ Đại Tây Dương có thể sẽ thực hiện những thay đổi lãi suất với tốc độ nhỏ nhất cùng với những khoảng thời gian tạm dừng định kỳ, vì lo ngại tỷ lệ thất nghiệp cực thấp có thể khơi dậy tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu.
Mức đáy lãi suất cuối cùng cũng có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức thấp lịch sử của thập kỷ trước và những thay đổi lớn trong cơ cấu nền kinh tế toàn cầu có thể khiến chi phí đi vay tăng cao hơn trong nhiều năm tới.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2021 do những hạn chế về nguồn cung sau đại dịch và giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã đẩy lạm phát lên mức hai con số trên khắp thế giới. Phản ứng dường như đồng bộ này đã kiềm chế được giá cả và lạm phát sẽ ở trên hoặc đã đạt mục tiêu - 2% đối với hầu hết các nền kinh tế lớn - trong năm nay.
Ngân hàng đầu tư Macquarie cho biết: “Điểm mấu chốt là trên toàn OECD, các ngân hàng trung ương… đang nới lỏng hoặc sắp làm như vậy”.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên nới lỏng chính sách với động thái cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vì lạm phát đã nằm trong phạm vi mục tiêu 0 đến 2%.
Động thái này cũng chấm dứt suy đoán của nhà đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ do dự trước Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vì bất kỳ việc cắt giảm lãi suất nào cũng chắc chắn sẽ làm suy yếu đồng tiền và đẩy lạm phát nhập khẩu tăng lên.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ thực hiện giảm lãi suất vào tháng 6 khi lạm phát đang quay trở lại mục tiêu.
Fed và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều gợi ý rằng họ có thể là ngân hàng trung ương tiếp theo nhưng vẫn giữ quan điểm đủ mơ hồ để có thể thực hiện các động thái vào tháng 6 hoặc tháng 7, miễn là dữ liệu không làm đảo lộn kế hoạch.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng mỗi ngân hàng trung ương Fed, ECB và BoE sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay thông qua ba lần cắt giảm 25 điểm cơ bản - những thay đổi nhỏ so với lần tăng lãi suất vào năm 2022.
Tuy nhiên, những ngân hàng trung ương kể trên không phải là những ngân hàng đầu tiên cắt giảm lãi suất. Một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Brazil, Mexico, Hungary và Cộng hòa Séc đều đã cắt giảm lãi suất, nhưng thị trường tài chính lấy tín hiệu từ các ngân hàng trung ương lớn nên ảnh hưởng của họ đối với các công cụ tài chính là quá lớn.
Yếu tố ngoại lệ
Trên thực tế, Fed lần này có thể trở thành ngoại lệ.
Nền kinh tế Mỹ đang phát triển và Fed thậm chí còn nâng dự báo tăng trưởng trong tuần này, có nghĩa là cơ quan tiền tệ này có thể sẽ cắt giảm lãi suất khi tăng trưởng vẫn mạnh hoặc trì hoãn cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tỏ ra dai dẳng. Ở châu Âu, dữ liệu tiếp tục vẽ nên một bức tranh ảm đạm, với hoạt động ổn định ở mức thấp.
Trong khi đó, cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 càng làm tăng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed.
Chiến lược gia Albert Edwards của Societe Generale cho biết: “Theo truyền thống, Fed sẽ không xoay trục chính sách lãi suất để giảm bớt sự bất bình đẳng… Nhưng sự bất bình đẳng ngày càng tăng đã trở thành một vấn đề quan trọng kể từ khi Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra phản ứng dữ dội chống lại ‘The Establishment’ (thuật ngữ mô tả nhóm xã hội thống trị, tầng lớp tinh hoa kiểm soát một tổ chức hoặc một thể chế) - thể hiện rõ nhất ở sự trỗi dậy của chủ nghĩa đại chúng”.
“Có phải cuộc khủng hoảng bất bình đẳng đang diễn ra buộc Fed phải cúi đầu trước áp lực chính trị mạnh mẽ để cắt giảm lãi suất nhanh hơn và sâu hơn không? Tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn hợp lý”, ông nói.
Trong khi đó, châu Âu vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Nền kinh tế Đức đang suy thoái, Anh hầu như không tăng trưởng sau suy thoái và phần còn lại của lục địa đang ở trong vùng tăng trưởng dương chủ yếu nhờ dữ liệu mạnh mẽ bất ngờ từ khu vực Nam Âu, theo truyền thống là điểm yếu của khu vực đồng euro.
Việc cắt giảm lãi suất có thể kết thúc vào năm 2024 hoặc 2025 vẫn còn quá không chắc chắn nhưng các nhà hoạch định chính sách có vẻ tự tin rằng lãi suất cực thấp - hoặc âm trong một số trường hợp - sẽ không được xem xét lại.
Trên thực tế, một số nhà kinh tế cho rằng thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc đến mức xu hướng giảm lịch sử của lãi suất trung lập - không kích thích cũng không làm chậm tăng trưởng - có thể đảo ngược.
“Bây giờ chúng ta có thể phải đối mặt với một bước ngoặt như vậy… Nhu cầu đầu tư đặc biệt phát sinh từ những thách thức cơ cấu liên quan đến chuyển đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và thay đổi địa chính trị có thể có tác động tích cực lâu dài đến lãi suất tự nhiên”, thành viên Ban điều hành ECB Isabel Schnabel cho biết trong tuần này.
Hà Trần (t/h)