Tính riêng trong tháng Ba, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.
Nhìn chung, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I năm nay đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây với khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng Ba, giảm 0,5% so với tháng Hai nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng Ba giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 – 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 – 552 USD/tấn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, sản xuất gạo trong nước duy trì rất tốt, về cơ bản chúng ta sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như là các thị trường xuất khẩu gạo khác.
Bên cạnh đó, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn.
Về thị trường Liên minh Châu Âu (EU), so với các thị trường khác khối lượng xuất khẩu không phải là nhiều nhưng lại được chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm.
Đức Anh