Nhiều cánh rừng bị gãy, đổ

Bắc Giang có hơn 161,7 nghìn ha rừng. Trong đó có hơn 129 nghìn ha rừng sản xuất. Mỗi năm toàn tỉnh khai thác hơn 8 nghìn ha rừng trồng, sản lượng hơn 1 triệu m3 gỗ. Giá trị gỗ chế biến xuất khẩu các loại đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước tính, bão số 3 đã làm hơn 37 nghìn ha rừng sản xuất (chủ yếu là rừng keo và bạch đàn) của hàng chục nghìn chủ rừng bị đổ, gãy. Sơn Động bị thiệt hại nặng nhất với gần 21,5 nghìn ha; Lục Nam hơn 2,7 nghìn ha; Lục Ngạn hơn 1,36 nghìn ha,… giá trị thiệt hại chưa thể tính toán hết.

Dọc tuyến quốc lộ 31, quốc lộ 279, đường tỉnh 293,… qua địa bàn các xã: Hữu Sản, Vân Sơn, thị trấn An Châu, Dương Hưu, Long Sơn, Thanh Luận, thị trấn Tây Yên tử (Sơn Động) hầu hết những cánh rừng keo, bạch đàn từ 1 đến 5 năm tuổi đều bị gió quật gãy gập ngang thân hoặc đổ rạp xuống mặt đất. Cảnh tượng rừng xác xơ bao trùm các sườn đồi, ngọn núi. Nhiều thân cây lớn cao hơn chục mét đổ gục xuống mặt đất.

Rừng keo 6 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Chấn (bên phải), bản Khe Ngọn, xã Đồng Tiến (Yên Thế) bị hư hại.
Rừng keo 6 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Chấn (bên phải), bản Khe Ngọn, xã Đồng Tiến (Yên Thế) bị bão số 3 quật đổ la liệt..

Anh Nguyễn Văn Thành, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử cho biết, bão số 3 đã làm đổ, gãy hơn 5 ha rừng keo 3 năm tuổi của gia đình. Ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. “Nguồn thu chính của gia đình tôi từ rừng sản xuất. Hiện tôi đang thuê người đốn hạ, dọn cây nhằm tận thu gỗ, củi đem bán. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào trồng rừng, nay bão phá hủy, phải trồng lại từ đầu”, anh Thành xót xa nói.

Cùng với người dân Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam,… thời điểm này, hàng trăm gia đình tại huyện Yên Thế cũng đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để dựng, chằng buộc lại những rừng cây non bị gió bão và mưa xô đổ. Nhiều hộ tập trung nhân lực đốn hạ những diện tích rừng bị hư hại để tận thu củi, gỗ. Dù được cảnh báo từ trước nhưng do không kịp vận chuyển, di dời nên hàng chục hộ dân, doanh nghiệp (DN) sản xuất cây giống lâm nghiệp tại Yên Thế bị thiệt hại nặng.

Ước tính của Hạt Kiểm lâm Yên Thế, địa bàn có hàng trăm nghìn cây giống bị hỏng do nước ngập. Bà Hoàng Kim Nam, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Toản Nam (Yên Thế) thông tin, úng ngập sau bão làm khoảng 500 nghìn cây keo, bạch đàn giống và hơn 100 nghìn cây sâm nam, sâm cát giống đã đến kỳ xuất bán của DN bị chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hiện Công ty đang cho công nhân thu dọn, loại bỏ những cây hỏng và chuẩn bị vật tư, lán trại để gieo ươm cây giống cho vụ trồng rừng sang năm.

Tránh để người dân bị “thiệt hại kép”

Việc hàng chục nghìn chủ rừng bị thất thu do ảnh hưởng của bão lũ còn chưa nguôi thì các chủ rừng này còn đối diện thêm mối lo mới, đó là giá nguyên liệu gỗ rất thấp. Anh Đinh Văn Thịnh, thôn Dần 3, xã Hữu Sản (Sơn Động) thông tin, gia đình anh đang tính vay tiền thuê nhân công cắt hơn 5 ha rừng keo bị bão đổ. Tuy nhiên, hiện giá gỗ chỉ khoảng 800 nghìn đồng/tấn gỗ keo tươi nguyên vỏ, giảm 370 nghìn đồng/tấn so với thời điểm trước khi bão số 3 xảy ra. Bình quân các chủ rừng thất thu khoảng 47 triệu đồng/ha.

Theo ông Nghiêm Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Mười (Lục Ngạn), nguyên nhân chính khiến giá gỗ nguyên liệu giảm là do người trồng rừng phải thu hoạch gỗ non bị hư hại do bão với sản lượng lớn lại cùng vào một thời điểm nên các xưởng chế biến không thể thu mua hết. Hầu hết các xưởng chế biến gỗ (cả gỗ bóc, băm dăm và ván gỗ) trên địa bàn Lục Ngạn, Sơn Động đều chưa hoạt động trở lại vì bị lũ lụt gây ngập xưởng. Giá dăm gỗ khô cũng đang giảm (khoảng 200 đồng/kg) bởi các đơn vị xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc đang bị ách hàng do cảng Cái Lân (Quảng Ninh) chưa hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, cũng có tư thương lợi dụng việc chủ rừng khai thác cây ồ ạt nên đã ép giá gỗ nhằm trục lợi.

Rừng sản xuất của người dân thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) bị hư hại sau bão số 3.
Rừng sản xuất của người dân thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) tan hoang sau bão số 3.

Nhằm giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiệt hại trong sản xuất lâm nghiệp, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành Nông nghiệp và các chủ rừng khẩn trương thống kê những diện tích rừng bị gãy, đổ. Thẩm định, phân loại, đánh giá mức độ thiệt hại, trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện Sở đang cử nhiều đoàn công tác, trực tiếp là lực lượng kiểm lâm xuống các địa phương kiểm tra, hỗ trợ rà soát, thống kê các diện tích rừng và cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ.

Hiện Sở cũng giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khắc phục cây rừng đổ ngã sau mưa bão. Đồng thời, yêu cầu các Hạt Kiểm lâm cử cán bộ xuống ngay hiện trường kiểm tra, tham mưu cho UBND cấp xã hướng dẫn rà soát, thống kê diện tích rừng thiệt hại; đưa ra các giải pháp kỹ thuật trước mắt nhằm cứu cây đổ, bật gốc; tiêu độc, khử trùng vườn ươm, giúp các hộ dân, DN yên tâm sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại.

Để ngăn ngừa hiện tượng tư thương ép giá gỗ tươi, gỗ băm dăm trên địa bàn huyện, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động thông tin, huyện đã chỉ đạo Công an, Hạt Kiểm lâm huyện, Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, quản lý các đầu mối thu mua, chế biến gỗ. Nếu phát hiện có trường hợp ép giá gỗ rừng trồng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND huyện sẽ tổ chức hội nghị, mời các DN chế biến lâm sản trên địa bàn tham dự để bàn giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, động viên các DN thu mua gỗ cho người dân, tránh để chủ rừng bị “thiệt hại kép”. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, lực lượng Công an, Kiểm lâm huyện và các chủ rừng tăng cường kiểm tra, phòng, chống cháy rừng, không để kẻ xấu lợi dụng mưa bão khai thác trái phép, phá rừng tự nhiên.

Bá Đoàn