Lý giải cho đề xuất trên, LPBank cho biết, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, ngân hàng muốn đầu tư vào cổ phiếu niêm yết nhằm giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Qua đánh giá, HĐQT LPBank nhận thấy cổ phiếu Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của LPBank.
LPBank đánh giá FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài.
Công ty ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào Al, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển.
Cùng với đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định qua các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30.
Do đó, HĐQT LPBank trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT tại thời điểm triển khai, thực hiện giao dịch mua cổ phần và tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Tờ trình tại đại hội cũng xin ý kiến đại hội đồng cổ đông uỷ quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định/phê duyệt, thực hiện/tổ chức thực hiện tất cả các công việc/hành động, tiến hành tất cả các bước cần thiết, ký các văn kiện và tài liệu khác... hoặc giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc LPBank đầu tư vào FPT.
Đóng cửa phiên 19/9, thị giá cổ phiếu FPT dừng ở mức 135.200 đồng/cổ phiếu. Hiện khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của FPT là 1.460.448.066 cổ phiếu. Nếu mua lượng tối đa 5% vốn điều lệ FPT (tương đương hơn 73 triệu cổ phiếu) theo thị giá hiện tại, dự kiến LPBank sẽ phải chi ra khoảng gần 9.870 tỷ đồng.
Thu Trang(t/h)