Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB giai đoạn 2006 – 2021 và kiến nghị

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đạt được nhiều kết quả tích cực kể từ khi VDB được thành lập vào năm 2006 trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Thông qua VDB, chính sách tín dụng đầu tư (TDĐT) nhà nước đã định hướng vào hỗ trợ những ngành, nghề mũi nhọn chương trình kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước qua VDB đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả chính sách TDĐT nhà nước qua VDB.

Cho vay đầu tư phát triển các công trình hạ tầng phát triển nông thôn
Cho vay đầu tư phát triển các công trình hạ tầng phát triển nông thôn.

Chính sách tín dụng đầu của Nhà nước qua VDB giai đoạn 2006 - 2021:

Những kết quả đạt được

Việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo mô hình ngân hàng phát triển thay cho mô hình quỹ tài chính Nhà nước được thực hiện từ năm 2006 với việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển. Sự đổi mới phương thức tài trợ của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước trong định hướng vĩ mô phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

VDB thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của một ngân hàng chính sách như: Huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác; ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB; cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật; và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Khác với các ngân hàng thương mại, hoạt động tín dụng đầu tư nhà nước của VDB tập trung vào những dự án lớn, chậm thu hồi vốn, lợi nhuận không cao, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt của nền kinh tế (cho vay phát triển kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông, lâm nghiệp và xóa đói, giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…). VDB quản lý tài chính và thực hiện huy động vốn theo quy định tại Nghị định số 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

VDB thực hiện tái cấu trúc theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021 theo Quyết định số 48/QĐ-TTg, ngày 31/07/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VDB thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, dừng một số hoạt động nghiệp vụ (TDXK, hỗ trợ sau đầu tư và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn NHTM…), tập trung vào hoạt động TDĐT của Nhà nước và quản lý, cho vay lại vốn ODA; cơ cấu lại tài chính; củng cố, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; tích cực triển khai xử lý nợ xấu...

Trong giai đoạn 2006-2021, VDB đã huy động được nguồn vốn lớn (gần 610.000 tỉ đồng) đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm của Chính phủ, các dự án đầu tư khác, chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng khoảng 2% GDP. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước bình quân đạt khoảng 3%/năm và tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ bình quân đạt khoảng 3,15%/năm trong giai đoạn 2006 – 2021.

Các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước qua VDB đã góp phần vào sự thành công của nhiều dự án lớn, quan trọng (như: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Cà Mau, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Hệ thống truyền tải điện miền Trung, miền Nam...) và thực hiện các Chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn…, góp phần thực hiện các mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Cho vay đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La
Cho vay đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Nhìn chung, thông qua chính sách tín dụng đầu tư nhà nước, VDB đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng tương đối lớn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển (NHPT) còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội.

Một số khó khăn, thách thức và kiến nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư nhà nước thông qua VDB vẫn còn một số khó khăn, thách thức:

Một là, danh mục và đối tượng vay vốn bị thu hẹp. Tại danh mục các dự án được vay vốn TDĐT ban hành kèm theo Nghị định 32, ngoài thu hẹp ngành nghề - lĩnh vực, còn giới hạn quy mô vốn đầu tư theo nhóm dự án (A, B và C). Có những dự án đầu tư mang tính cấp thiết của địa phương, rất có ý nghĩa trong việc tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có hiệu quả, khả thi; đáp ứng điều kiện vay vốn nhưng do quy mô vốn đầu tư không đảm bảo theo quy định nên Chủ đầu tư không thể tiếp cận vốn TDĐT. Ngoài ra, danh mục đối tượng vay vốn hiện chưa thể hiện hết các ưu tiên chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và tính ổn định chưa cao.

Hai là, lãi suất cho vay chưa được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường.  Nhiều khoản vay với lãi suất cao trước đây chưa được giảm lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường nên nhiều khách hàng trả nợ trước hạn dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm vào các năm gần đây.

Ba là, nguy cơ về rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính và rủi ro thanh khoản còn cao. Quy chế xử lý rủi ro chưa được ban hành trong khi nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng gia tăng. Một số dự án, chủ đầu tư gặp khó khăn, không đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn, gây áp lực tài chính đối với VDB.

Ngoài ra, VDB cũng còn nhiều khó khăn thách thức để đáp ứng yêu cầu của một ngân hàng chuyên nghiệp và hiện đại theo thông lệ hoặc một ngân hàng chính sách bền vững, hiệu quả; đồng thời, thách thức trong việc đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần quan tâm gồm:

Một là, danh mục cho vay cần đảm bảo tính ổn định, gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhằm định hướng thu hút đầu tư. Lĩnh vực tài trợ chủ yếu của NHPT là các ngành, lĩnh vực được xác định ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tập trung vào các dự án công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, các dự án trọng điểm quốc gia, thuộc một số ngành, lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh... 

Đối tượng cho vay cũng nên điều chỉnh theo hướng chú trọng khuyến khích các dự án đầu tư mới; đầu tư mở rộng, nâng cấp; mua sắm trang thiết bị đối với lĩnh vực môi trường, các giải pháp giảm phát thải, ngăn ngừa, ngăn chặn phát thải để hướng đến phát triển bền vững; bổ sung dự án đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của các tỉnh, thành phố mang tính liên kết phát triển vùng, phù hợp với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Hai là, cơ chế xác định, điều hành lãi suất cần linh hoạt phù hợp với biến động của thị trường, gắn với yêu cầu điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ trong từ ngắn hạn đến trung, dài hạn. Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư nên được xác định theo hướng đảm bảo tính khả thi, chủ động của ngân hàng phát triển. Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư nên được xác định bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các trái phiếu NHPT được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ tại thời điểm cuối Quý trước Quý công bố lãi suất cộng (+) biên độ bù đắp chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của NHPT.  

Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Basel II trong quy trình cấp tín dụng tại NHPT để giảm thiểu các rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tài chính. Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả giữa các bộ phận chức năng trong hoạt động cấp tín dụng; xác định “khẩu vị rủi ro” trên cơ sở danh mục ưu đãi tín dụng Chính phủ ban hành từng thời kỳ, từ đó xây dựng các hạn mức tín dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời, hoàn thiện hệ thống xếp hạng nội bộ và định kỳ phân tích các biến động về mức độ rủi ro cho từng ngành cũng như doanh nghiệp, đảm bảo không vượt quá các hạn mức đã xây dựng

Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị của VDB; tiếp tục bám sát Chương trình hành động thực hiện Đề án 48 cũng như Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế  để hoàn thiện tổ chức bộ máy quản trị của NHPT tại Trụ sở chính và Chi nhánh theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm hoạt động của NHPT trong và sau giai đoạn cơ cấu lại.

  1. Lê Thị Thùy Vân

Viện Chiến lược Tài chính - Bộ Tài chính

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

- Quyết định số 48/QĐ-TTg, ngày 31/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019-2021”,

- Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước

- Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Lê Thị Thùy Vân, Vũ Nhữ Thăng (2014), “Chính sách TDĐT của nhà nước: Một số đánh giá và khuyến nghị chính sách”, Tạp chí Hỗ trợ phát triển số 92.

- Lê Ngọc Châu (2021), Hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư từ góc nhìn cơ sở, Tạp chí Hỗ trợ Phát triển.

- Lương Hải Sinh (2021), Vị thế của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước, tháng 07/2021.

Bài liên quan

Tin mới

Công an Thanh Hóa bắt nhóm đối tượng tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Công an Thanh Hóa bắt nhóm đối tượng tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Công an huyện Bá Thước (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã điều tra, làm rõ và bắt giữ nhóm đối tượng về hành vi tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Dự báo vùng núi Bắc Bộ chuẩn bị đón đợt mưa to diện rộng
Dự báo vùng núi Bắc Bộ chuẩn bị đón đợt mưa to diện rộng

Dự báo, từ đêm 7-8/5, khu vực vùng núi Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất
Phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất

Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành khám đồ vật tập kết tại ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Thủ tướng: Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững
Thủ tướng: Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững

 Chiều ngày 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Ngân hàng Nhà nước được ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước được ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến.

Đổi mới sáng tạo: Từ khóa của hội nhập và phát triển
Đổi mới sáng tạo: Từ khóa của hội nhập và phát triển

Tạp chí Việt Nam Hội nhập vừa tổ chức một hoạt động có ý nghĩa nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2024 tại TP Hồ Chí Minh. Nói như Chủ tịch Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý - Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập Đoàn Mạnh Phương trong lời phát biểu khai mạc: Khoa học và Công nghệ đã đem tới cho chúng ta tư duy và hành động về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo đã trở thành một từ khóa trên hành trình hội nhập và phát triển.