Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực vận hành hoạt động VDB thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu hoạt động, xây dựng mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm hoạt động của VDB trong và sau giai đoạn cơ cấu lại nhằm củng cố và phát huy vai trò, vị thế của VDB là công cụ của Chính phủ trong thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn quy trình, quy chế về hoạt động nghiệp vụ VDB. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm hiện đại trong quản lý hoạt động VDB.

Tiếp tục tập trung vào các hoạt động chính là tín dụng đầu tư của Nhà nước và quản lý nguồn vốn ODA của Chính phủ ủy thác cho vay lại theo định hướng phải phát huy được vai trò “hỗ trợ” góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, đúng thực tế. Tăng cường công tác thẩm định, quản lý, giám sát vốn vay, tài sản đảm bảo chặt chẽ; Quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, trí tuệ đáp ứng yêu cầu phát triển của VDB trong giai đoạn mới. Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện có hiệu quả văn hóa VDB nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng, tự hào được làm việc, cống hiến vì một VDB phát triển bền vững.

Để VDB có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm bổ sung một số cơ chế phù hợp như: Ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP tạo sự ưu đãi giữa nguồn vốn TDĐT của Nhà nước với nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, vừa đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động cho VDB. Ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng của VDB, theo hướng Nhà nước cho phép VDB được quyền chủ động xử lý các khoản nợ xấu phát sinh theo mô hình hoạt động mới phù hợp với quy định chung áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Kiến nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn lực cho VDB về vốn điều lệ, vốn cho VDB vay theo quy định của pháp luật; cấp bảo lãnh Chính phủ để VDB phát hành trái phiếu và huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; có hướng dẫn cụ thể để VDB có thể tham gia thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, được tái cấp vốn, hoạt động ngoại hối... nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng Nhà nước qua VDB.

VDB đã và đang bước vào một chặng đường mới góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một chặng đường mới với mục tiêu to lớn hơn, thách thức cũng nhiều hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, người lao động VDB phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng thành công một Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững./.

ĐÀO QUANG TRƯỜNG

Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam