Công ty có khoản thu nhập 8,9 tỷ đồng từ hoạt động tài chính (giảm 49% so với cùng kỳ), nhưng phát sinh 290,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (gấp 342 lần cùng kỳ), từ đó, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 282 tỷ đồng, kỷ lục kể từ khi hoạt động. Trong khi đó, quý II/2023, Công ty lãi 8,3 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả này, KPF cho biết, trong quý II/2024, Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi và tạm ứng có khả năng không thu hồi được. Vì vậy, lợi nhuận trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản trích lập dự phòng của KPF tính đến cuối quý II/2024
Các khoản trích lập dự phòng của KPF tính đến cuối quý II/2024

Theo thuyết minh, tính đến cuối quý II/2024, KPF đang trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng; trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm nâng từ gần 31 tỷ đồng lên gần 91 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu gần 80 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương gần 57 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh mục này, có sự xuất hiện của 2 cá nhân là ông Nguyễn Khánh Toàn hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thủy gần 24 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 5/2024, ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch HĐQT Koji bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, KPF không có doanh thu, trong khi lỗ sau thuế 281,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Công ty đạt 525,2 tỷ đồng, giảm 281,5 tỷ đồng so với con số 806,7 tỷ đồng của ngày 31/3/2024.

Ngày 26/6/2024, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của KPF thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Khánh Toàn, thay vào đó, ông Lê Như Phong được bầu làm vị trí trên.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu KPF dừng ở mức 2.640 đồng/cổ phiếu với thanh khoản lèo tèo vài trăm cổ phiếu.

Hà Trần (t/h)