Trước ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí có tính chất sống còn đối với nhiều doanh nghiệp.

Để ứng phó với tác động của đại dịch, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí hoạt động và duy trì tình hình tài chính; trong đó bao gồm hỗ trợ các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp, giãn nộp bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, giãn thuế...

Gần 10% doanh nghiệp thiếu vốn và dòng tiền kinh doanh
Gần 10% doanh nghiệp thiếu vốn và dòng tiền kinh doanh.

Dù những nỗ lực này được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng mỗi khu vực doanh nghiệp lại đón nhận các chính sách này theo những cách rất khác nhau.

Một cuộc điều tra mới đây với hơn 12.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...

Nguyên nhân hàng đầu được các doanh nghiệp nêu ra là không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.

Cũng theo kết quả điều tra của VCCI, quá nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết, thủ tục vay vốn còn rất phiền hà và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, khoảng 38% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng để được vay vốn là phổ biến"; thậm chí có hiện tượng "cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ" của DN vay vốn.

Trúc Mai