Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Người giữ lửa cho làng nghề đúc đồng truyền thống An Lộng

Nhắc đến nghề đúc đồng, người ta thường nhớ đến làng Ngũ Xã (Hà Nội), Ý Yên (Nam Ðịnh) hay Ðại Bái (Bắc Ninh), thế nhưng ít ai biết rằng, thôn An Lộng, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, có nghề đúc đồng nổi tiếng từ xa xưa. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề đúc đồng ở đây vẫn được duy trì và lưu giữ những bí quyết, kỹ thuật đúc thủ công tinh xảo cổ truyền của cha ông.

Dạo quanh những con đường ở thôn An Lộng 2, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nghe những người cao tuổi trong thôn kể lại, nghề đúc đồng ở An Lộng có từ thế kỷ XVIII, được lưu truyền từ làng đúc đồng Chè Ðông thuộc tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, các sản phẩm của làng chủ yếu là những đồ dùng sinh hoạt của người dân như xoong, nồi, chảo; đồ thờ như chuông, tượng, lư hương. Thời hưng thịnh của làng có hàng trăm hộ đúc, lò than luôn rực lửa.

Cảnh đầu làng An Lộng xã Quỳnh Hoàng Huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình
Cảnh đầu làng An Lộng xã Quỳnh Hoàng Huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình

Nhiều năm trở lại đây, trước nhiều biến động của nền kinh tế thị trường, giá thành nguyên liệu đồng khá đắt, những sản phẩm đúc đồng ít được sử dụng trong gia đình, thì họ đã năng động chuyển sang đúc chủ yếu các sản phẩm đồ thờ như lư hương, đỉnh, chuông ... hay tượng chân dung, 1 số đồ trang trí tại gia đình.

Tuy nhiên, đó cũng là điều khiến làng đúc đồng An Lộng có nhiều thay đổi…Hiện tại, số hộ làm nghề ở trong làng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Văn Lục, chủ cơ sở đúc đồng Lục Dung, là một trong số ít những người còn tâm huyết, gắn bó với nghề ở làng An Lộng. Hiện, cơ sở đúc đồng của ông Lục có 20 lao động, chuyên đúc đồ thờ như tượng, lư hương, chuông…

Ông Nguyễn Văn Lục đang say sưa nặn sáp tạo hình mẫu cho tai chuông
Ông Nguyễn Văn Lục đang say sưa nặn sáp tạo hình mẫu cho tai chuông

Vừa ngồi tạo hình cho tai chuông, ông Nguyễn Văn Lục tâm sự: Tôi theo cha học nghề từ những năm 14 tuổi, đến nay đã có hơn 30 năm làm nghề đúc đồng. Những năm 1980, nghề đúc đồng ở An Lộng được phát triển mạnh, khi ấy có đến 90% số hộ làm nghề, nhưng hiện nay chỉ còn 5 - 6 hộ. Mặc dù hiện nay, trong làng không còn nhiều người mặn mà với nghề đúc đồng như trước nhưng tôi vẫn muốn cố giữ gìn nghề của ông cha để lại.

An Lộng xưa là một trong số ít những làng nghề đúc đồng trên cả nước hiện nay còn lưu giữ được kỹ thuật đúc thủ công được đúc rút qua nhiều thế kỷ, chính vì thế mà các sản phẩm của làng như lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng có độ sắc nét, tinh xảo cao.

Một số sản phẩm đồ thờ bằng đồng của làng An Lộng tỉnh Thái Bình
Một số sản phẩm đồ thờ bằng đồng của làng An Lộng tỉnh Thái Bình

Không rộn rã với những máy móc hay dụng cụ làm nghề như nhiều làng nghề kim hoàn khác, nghề đúc đồng tại nơi đây khá trầm tĩnh, bởi mỗi công đoạn đều cần đến sự tỉ mỉ, tĩnh tâm và trau chuốt vào từng đường nét hoa văn họa tiết để thổi hồn cho từng sản phẩm của làng nghề.

Theo ông Lục: Ðể cho ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như kỹ thuật làm mẫu, tạo khuôn, pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng, sửa nguội và đánh bóng. Khó nhất là ra mẫu và đúc thành phẩm, bởi nếu đúc ra không giống khuôn mẫu thì phải bỏ, vừa tốn thời gian, công sức và cả chi phí. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo được “hồn”  cho mỗi sản phẩm, nhất là những sản phẩm tạc đúc tượng người.

Chuông đồng được hoàn thiện tại cơ sở đúc đồng Lục Dung
Chuông đồng được hoàn thiện tại cơ sở đúc đồng Lục Dung.

Ông Lục cho biết thêm: Chuông là sản phẩm ông tâm đắc nhất. Ðúc chuông cũng kỳ công như đúc tượng, tuy không phải trải qua nhiều công đoạn, tạo hình, nhào và đắp đất sét như đúc tượng, nhưng đúc chuông lại đòi hỏi các phần thân, vai chuông phải có độ dày, mỏng khác nhau. Vì thế, từ khâu làm khuôn, đến pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng vào khuôn đều phải tuân thủ theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt, nhiều khi là bí quyết nhà nghề mới đúc được những chiếc chuông như ý, có âm thanh ngân, vang.

Ðặc trưng của nghề đúc đồng thủ công ở An Lộng là cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo của người thợ, hơn nữa nghề này vừa vất vả và nặng nhọc nên cần phải có sức khỏe. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trong làng không còn theo được nghề. Trăn trở với nghề truyền thống của cha ông, dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Lục vẫn làm nghề và giữ nghề. Với mong muốn rằng, sức sống bền bỉ từ sự tâm huyết đó sẽ khiến cho thế hệ trẻ của làng tiếp nối lưu truyền muôn đời.

Lư hương và đôi hạc đồng được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của người dân làng nghề đúc đồng An Lộng huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình
Lư hương và đôi hạc đồng được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của người dân làng nghề đúc đồng An Lộng huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình

Độ tinh xảo từ các sản phẩm đúc đồng của gia đình, những năm gần đây, các sản phẩm đúc đồng của cơ sở đúc đồng Lục Dung luôn được cấp có thẩm quyền chứng nhận bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Ðây là niềm vinh dự cũng như sự ghi nhận của tỉnh Thái Bình với những đóng góp của cá nhân ông Lục trong việc duy trì, gìn giữ làng nghề truyền thống của địa phương.

Mặc dù, tại An Lộng nay còn số ít hộ làm nghề, nhưng họ đã năng động vừa sản xuất gắn với phát triển thương mại dịch vụ để nâng cao giá trị kinh tế từ nghề. Chính vì thế, các sản phẩm từ An Lộng được phân phối đi khắp cả nước. Đặc biệt là những chuông đồng, tượng chân dung… được các chùa lớn từ miền Bắc vào đến miền Nam đặt làm.  Nổi tiếng nhất là các quả chuông đồng lớn ở chùa Ba Vàng (thành phố Đà Nẵng), chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) đều do người thợ của làng An Lộng đúc.

Tượng đồng được đúc theo đơn hàng của người dân
Tượng đồng được đúc theo đơn hàng của người dân

Quả thực khi nhắc đến nghề kim hoàn của tỉnh Thái Bình, thì một phần không thể thiếu đó là nghề đúc đồng tại xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ. Nghề truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều  thế hệ làm nghề, với kỹ thuật đúc thủ công tinh xảo. Nét đặc trưng của sản phẩm đúc đồng An Lộng chính ở nước da sản phẩm bóng, hoa văn sắc nét mà tinh tế, gợi lên cái hồn của sản phẩm.

Trong những năm gần đây, các cấp, ngành huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều biện pháp để duy trì và phát triển làng nghề đúc đồng An Lộng. Trong đó chú trọng vào khâu tìm kiếm thị trường đầu ra; giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề tới người tiêu dùng tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh. Để nghề và sản phẩm của làng nghề đúc đồng An Lộng còn vươn xa mãi.

Phương Thuý

Bài liên quan

Tin mới

Ngoại giao công nghệ là 'trái tim' của chính sách đối ngoại Mỹ
Ngoại giao công nghệ là 'trái tim' của chính sách đối ngoại Mỹ

Việc làm chủ ngoại giao công nghệ là yếu tố quan trọng giúp các nhà ngoại giao giữ cho nước Mỹ luôn dẫn đầu.

Ba đột phá chính thu hút đầu tư nước ngoài là thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng
Ba đột phá chính thu hút đầu tư nước ngoài là thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, thu hút đầu tư, khả năng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn là một trong 3 đột phá mà Nghị quyết của Đảng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 20,1% kế hoạch năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm Agribank phân phối Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô trên Zalopay
Bảo hiểm Agribank phân phối Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô trên Zalopay

Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank), đã ký kết hợp tác với Công ty Insurtech SaveMoney để phân phối Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe ô tô trên nền tảng ZaloPay, một trong top 5 ví điện tử hàng đầu Việt Nam.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2025 thành 2 tiểu vùng: Phía Bắc và phía Nam
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2025 thành 2 tiểu vùng: Phía Bắc và phía Nam

Quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.

Nếu Quốc hội đồng ý, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực sớm, từ ngày 1/7
Nếu Quốc hội đồng ý, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực sớm, từ ngày 1/7

Dự thảo 6 nghị định và 4 thông tư đã hoàn thành, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5/2024 Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.