Hạt gạo nếp bể dẻo thơm từ vùng đất chua trũng
Trải qua thời gian, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào đồng ruộng sản xuất ở nơi đây, song người dân làng Keo vẫn một lòng duy trì cấy giống lúa quý của cha ông truyền lại. Nếp bể là giống lúa truyền thống của địa phương, hạt giống do người dân tự chọn từ lúa vụ trước. Những hạt to mẩy, vàng, không bị ẩm mốc sẽ được chọn để làm giống cho vụ sau, được bảo quản trong điều kiện phù hợp.
Xưa kia, chỉ người dân làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đơn thuần gieo cấy lúa nếp bể do đặc thù đồng đất của làng Keo chua trũng, khá thích hợp với giống lúa này. Để rồi, chính cái khó của vùng đồng chua, đất trũng đã trở thành lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tạo ra đặc sản lúa nếp bể nổi tiếng cho người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX kinh doanh nông sản Làng Keo, đơn vị chủ thể của Gạo Nếp bể cho biết: “Giống Lúa nếp bể chỉ được gieo trồng vào vụ mùa hàng năm, tức là thời gian vào khoảng mùng 05, 06/6 âm lịch (tiết Mang Chủng). Trải qua 6 tháng sinh trưởng theo quy trình canh tác nghiêm ngặt trên đồng ruộng từ Khâu làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Mới tạo ra những bông lúa nếp bể trĩu hạt, hạt to và mẩy. Năng suất thường đạt từ 160kg-180kg/sào.”
Năm 2021 Hợp tác xã Kinh doanh nông sản làng Keo hình thành
Một bước tiến mới, từ đề án “Xây dựng thí điểm mô hình sản xuất lúa đặc sản, gia tăng giá trị phục vụ thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu” do UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ. Tháng 7 năm 2021, Hợp tác xã Kinh doanh nông sản làng Keo được thành lập, nhằm duy trì và bảo tồn giống lúa nếp quý ở nơi đây. Khi đó, hợp tác xã được hỗ trợ quy hoạch diện tích, đăng ký mã số vùng trồng, tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho bà con. Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, hệ thống máy móc và vận hành website riêng biệt.
“Khi có hợp tác xã đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra, thì diện tích cấy lúa nếp bể truyền thống của người dân đã tăng từ 120 lên 150ha hàng năm. Lúa nếp bể sau thu hoạch, được hợp tác xã đưa về, cho vào lò sấy ở nhiệt độ 38-40 độ C, trong khoảng thời gian từ 35-40 tiếng. Thóc sau khi sấy được bảo quản trong bao lót nilong. Gạo nếp bể sau xay sát được đựng túi Zip để phân phối tới tay người tiêu dùng” anh Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX kinh doanh nông sản Làng Keo chia sẻ.
Năm 2021, gạo nếp bể làng Keo được UBND tỉnh Thái Bình xét công nhận đánh giá là sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Đây là tiền đề để người dân thêm gắn bó với giống lúa nếp truyền thống của địa phương. Cũng từ đó, giá thành gạo nếp bể làng Keo được ổn định, có thị trường rộng mở, không chỉ trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, hợp tác xã đã thu mua 150 tấn thóc của người dân canh tác lúa nếp bể. Mỗi năm diện tích gieo trồng và sản lượng giống nếp bể làng Keo ngày một gia tăng. Năm 2021, toàn xã có 150ha, đến năm 2023 là 200ha và dự kiến vụ mùa năm 2024 sẽ lên đến 250ha diện tích canh tác giống lúa nếp bể.
Người dân làng Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình phấn khởi nói: “Lúa nếp bể của dân làng chúng tôi hiện canh tác ra còn phục vụ bà con sản xuất rượu nếp truyền thống, có những lúc chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, lúa sản xuất ra đến đâu tiêu thụ nhanh gọn đến đấy. Ở Làng Keo, bốn mùa quanh năm đều phảng phất trong gió mùi men rượu xen lẫn mùi gạo nếp thơm nồng. Chính sản phẩm lúa nếp bể mà gần 70 hộ dân trong làng duy trì nghề nấu rượu nếp truyền thống của cha ông, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm.”
Năm 2021, gạo nếp bể làng Keo vinh dự khi được “gắn” sao OCOP, đến năm 2023, Lạc đỏ của Hợp tác xã Kinh doanh nông sản Làng keo tiếp tục là sản phẩm thứ 2 được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là niềm tự hào của mảnh đất anh hùng giàu truyền thống văn hoá, địa danh gắn liền với Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia – Chùa Keo tỉnh Thái Bình.
Phương Thuý