Nhằm hỗ trợ người dân, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa nước trên địa bàn huyện A Lưới, căn cứ nhu cầu, thực tiễn sản xuất lúa nước của địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch 416/KH-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất lúa nước trên địa bàn huyện A Lưới.
Theo kế hoạch nhằm phấn đấu đạt những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2027, tỷ lệ diện tích lúa có ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh đạt trên 50%, năng suất đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng trên 12.500 tấn. Thời vụ sản xuất lúa của huyện được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo thu hoạch lúa vụ Hè Thu hoàn thành xong trước ngày 10/9 hàng năm để hạn chế thiệt hại khi mùa mưa lũ đến.
Đến cuối năm 2027, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt trên 90%; Tỷ lệ sử dụng giống lúa ngắn ngày và cực ngắn phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương đạt trên 85% tổng diện tích. Đào tạo, tập huấn cho hơn 500 hộ nông dân/năm trồng lúa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và xử lý rơm rạ sau thu hoạch, quản lý sinh vật gây hại,… Đến năm 2027, hơn 1.500 hộ nông dân được đào tạo tập huấn. Thành lập 11 tổ Khuyến nông cộng đồng (cụ thể năm 2025: 05 tổ, năm 2026: 06 tổ).
Để đảm bảo Kế hoạch triển khai thành công, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra nhiều giải pháp thực hiện như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến nông; thực hiện các giải pháp về kỹ thuật; về thủy lợi; về cơ chế, chính sách.
Được biết, huyện A Lưới đặt mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển từng bước theo hướng toàn diện, bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt: 672,851 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2023; Các chỉ tiêu về diện tích cây hàng năm đạt 100,1% so với kế hoạch, tăng 1,9 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng lương thực có hạt: 18.204,2 tấn đạt 100,5% so với kế hoạch tăng 121,3 tấn so với năm 2023. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 95,2% 94,7% tăng 0,5% so với năm 2023; trong đó, người dân mua 92,8%, nguồn hỗ trợ 2,4% và nhiều chỉ tiêu khác đạt và vượt so với kế hoạch; cơ cấu cây trồng và vật nuôi có sự chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới như mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi kết hợp, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để tiếp tục duy trì và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chủ lực; nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông, lâm, thủy sản; đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn liền sản xuất với kết nối tiêu thụ. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tình trạng lấn, chiếm, khai thác rừng trái pháp luật. Chú trọng phòng, chống dịch bệnh và dự trữ thức ăn cho gia súc trước mùa rét. Đối với các dự án hỗ trợ bò sinh sản của các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo về chất lượng con giống để hỗ trợ cho người dân.
Minh Tích