Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thanh Hóa hiện có trên 1 triệu thanh niên, qua khảo sát, toàn tỉnh có gần 35.000 thanh niên chưa có việc làm ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh có 8.126 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó, Đoàn thanh niên các cấp đã hỗ trợ xây dựng 2.443 hộ kinh doanh cá thể, 2 Tổ hợp tác, 4 Hợp tác xã, 698 doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021-2024, thực hiện các chính sách, pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên, về hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên, toàn tỉnh có 2 tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, gồm: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Hồng Đức và 1 tổ chức do Tỉnh đoàn quản lý; có 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp là Quỹ Best đã ký với Trường Đại học Hồng Đức và Quỹ hỗ trợ thanh niên Thanh Hóa khởi nghiệp do Tỉnh đoàn quản lý.

Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 260 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo; có gần 3.600 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp cho thanh niên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cho thanh niên nói riêng. Nổi bật, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 3/2/2023 về hỗ trợ thanh niên tỉnh Thanh Hóa khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, vai trò của cán bộ đoàn cơ sở; xây dựng kế hoạch hàng năm về đồng hành, hỗ trợ thanh niên của địa phương khởi nghiệp.

Các ngành, các cấp đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; bố trí ngân sách và tăng cường các nguồn lực hỗ trợ để Đoàn Thanh niên cùng cấp triển khai tại địa phương. Trong giai đoạn, số lượng doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương có 116 doanh nghiệp, trong đó có 57 doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Về triển khai Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, đến nay kinh phí thực hiện đề án khoảng 71 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 958 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế; tạo việc làm cho gần 2.000 lao động. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực tham mưu, triển khai các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho thanh niên, nhân rộng các mô hình trang trại trẻ. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Đoàn Thanh niên cấp huyện hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã chỉ ra một số hạn chế trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên trên địa bàn tỉnh; đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để khắc phục trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn công tác để bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Đồng thời cho biết, trong 2 năm gần đây, tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm, ban hành các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành chức năng, trong đó trách nhiệm chính là Tỉnh đoàn để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên. Trên cơ sở các nội dung của buổi làm việc, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đánh giá lại kết quả công tác khởi nghiệp cho thanh niên, làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận những kết quả nổi bật trong xây dựng các mô hình khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Thanh Hoá cũng như số lượng câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế và các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ quá trình khởi nghiệp của thanh niên.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật cho thanh niên về khởi nghiệp, đồng chí đề nghị tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên cần tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của khởi nghiệp, coi trọng vai trò của thanh niên trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong cụ thể hóa các đề án khởi nghiệp của tỉnh; tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, với thanh niên để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn mà thực tiễn đặt ra; giao lưu thanh niên với doanh nghiệp thành đạt để khơi dậy ý thức khởi nghiệp.

Về phía Tỉnh đoàn Thanh Hóa, đề nghị cần tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác tham mưu, chủ động tiếp cận các sở, ngành và bám sát các kế hoạch của UBND tỉnh để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách khởi nghiệp cho thanh niên.

Đối với công tác truyền thông đại chúng, cần tăng cường chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng thêm các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong khởi nghiệp của thanh niên; phát huy tác dụng của truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp.

Khánh An