Sinh ra ở vùng quê ven Sông Hồng
Xã Tân Lập là xã ven Sông Hồng của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Với vị trí địa lý tự nhiên đó, thiên nhiên đã ban tặng cho Tân Lập những mảnh đất phù sa màu mỡ. Hàng trăm năm nay, người dân nơi đây, với kế sinh nhai chính từ nghề làm vườn trồng cây cảnh.
Năm 2010, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên trẻ Trần Mạnh Tuấn trở về quê hương xã Tân Lập, huyện Vũ Thư. Thời điểm đó, bố mẹ anh vẫn đang tập trung phát triển kinh tế từ nghề trồng cây cảnh truyền thống của cha ông. Bản thân Tuấn, sinh ra và lớn lên tại làng nghề nên tình yêu, niềm đam mê với những cây cảnh đã thôi thúc anh quyết định cùng với bố mẹ phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình anh có gần 3.000m2 diện tích đất vườn để trồng cây cảnh. Chủ yếu là ươm trồng các dòng cây sanh, cây si, cây lộc vừng… Ban đầu, bố mẹ giao cho anh Tuấn chăm sóc những cây phôi giống tại vườn nhà. Vốn say nghề, ham học hỏi nên Tuấn tiếp cận khá nhanh đối với công việc trồng cây cảnh. Ngày ngày, từ sáng đến tối, Tuấn đều cần mẫn chăm chút cho từng gốc cây phôi giống. Để hiểu thêm về đặc tính sinh trưởng và phát triển của từng loại cây cảnh, Tuấn đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm của bố mẹ và tìm hiểu thêm các thanh niên khác tại địa phương.
Anh Trần Mạnh Tuấn tâm sự: “Mỗi dòng cây cảnh tại nhà vườn đều có cách chăm sóc riêng. Cây nào cũng cần tỉ mỉ, yêu cầu kỹ thuật cao trong chăm sóc và tạo dáng thế. Để có cây cảnh đưa ra thị trường thì cần mất ít nhất từ 3, 4 năm để ươm phôi giống. Tiếp đến là cắt, chuyển phôi lên chậu thuần dưỡng trung bình từ 8 đến 10 năm, thì mới có thể tạo ra 1 tác phẩm hoàn thiện.”
Trải qua 5 năm trực tiếp làm nghề, Tuấn đã nắm vững trong tay cách trồng và phát triển những cây phôi giống. Năm 2015, bố mẹ đã chuyển giao toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình cho Tuấn quản lý.
Tiếp cận thị thường để phát triển thương hiệu nhà vườn
Là một thanh niên trẻ, đó là thuận lợi đầu tiên với Tuấn trong việc phát triển và đưa dòng cây cảnh của nhà vườn ra thị trường. Việc đầu tiên, Tuấn lựa chọn phát triển các dòng cây cảnh với nhiều dáng thế: từ truyền thống, đến bonsai, rồi phát triển phôi xanh để tạo ra những tác phẩm giả cổ, những tác phẩm đương đại để đáp ứng xu hướng thị trường và hoà nhập quốc tế. Đặc biệt là thăm quan, sưu tầm tại các nhà vườn trong và ngoài tỉnh để nhập thêm các dòng cây cảnh yêu thích về gia đình để tiếp tục thuần dưỡng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Sau khi bổ sung các dòng cây cảnh tại nhà vườn, để nhiều người biết đến, thời gian đầu, Tuấn tạo facebook riêng, đều đặn mỗi tuần 2 lần livestream để giới thiệu về các dòng cây cảnh của gia đình. Đồng thời, tham gia giới thiệu cây cảnh ở các hội trợ, triển lãm, trong và ngoài tỉnh hay bán cây tại Chợ Viềng, tỉnh Nam Định.”
Không dừng lại ở đó, Tuấn còn nhanh nhạy tham gia các trang hội nhóm làm vườn để học hỏi chia sẻ kinh nghiệm và qua đó quảng bá cây cảnh của gia đình ra khắp cả nước. Và cũng từ những hoạt động đó, Tuấn đã tìm kiếm được những khách hàng thường xuyên của nhà vườn.
Sau 14 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, Tuấn đang sở hữu trên dưới 100 tác phẩm cây cảnh với nhiều dáng thế độc đáo như thế huyền, thế trực, thế tam đa, thế bàn trà… Hầu hết các cây cảnh được thuần dưỡng có tuổi đời từ 5-10 năm. Thậm chí, có những cây đã có tuổi đời hàng chục năm.”
“Từ sự đam mê, yêu nghề, nghề trồng cây cảnh, đã mang lại cho anh Tuấn nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Anh vinh dự là một trong những thanh niên trẻ khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương và huyện Vũ Thư từ nghề trồng cây cảnh. Không chỉ mong muốn phát triển và lưu giữ nghề trồng cây cảnh truyền thống của xã Tân Lập quê hương anh, mà còn mang tiếng tăm của một trong những làng nghề độc đáo của tỉnh Thái Bình vươn xa khắp mọi miền.” anh Trần Mạnh Tuấn bộc bạch.
Phương Thuý