Bài 1: Hà Nội: Hàng loạt bãi chứa, trung chuyển vật liệu trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động
Bài 2: Chưa xử lý được sai phạm do có người trên huyện can thiệp?
Bài 3: Huyện Thường Tín xử lý sai phạm kiểu “ném đá ao bèo”?
Dù UBND huyện Thường Tín đã nhiều lần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo nhằm xử lý các trường hợp khai thác cát sỏi, tập kết, kinh doanh VLXD trái phép. Tuy nhiên, đến nay hàng loạt bãi trung chuyển, tập kết VLXD, sử dụng đất trái phép này vẫn ngang nhiên hoạt động khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý của nhiều cơ quan chức năng nơi đây.
Các bãi trung chuyển VLXD sử dụng đất trái phép trên địa bàn Huyện Thường tín vẫn công khai hoạt động.
Thanh tra, xử lý… kiểu “đánh trống bỏ dùi”?
Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin: Qua kiểm tra các bãi chứa, trung chuyển VLXD của các đơn vị trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội), Đoàn thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã điểm mặt hàng loạt bãi chứa sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai tại các xã Hồng Vân, Ninh Sở. Riêng tại xã Ninh Sở, Hồng Vân đoàn thanh tra phát hiện hàng loạt bãi chứa không phép, lấn chiếm, sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch...
Theo đó, UBND huyện Thường Tín chỉ đạo UBND cấp xã phải hủy bỏ mọi văn bản dưới dạng hợp đồng, biên bản tạm giao hay hình thức khác cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông mà trên thực tế đang bị sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép. Tuy nhiên trên địa bàn xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) có nhiều bãi tập kết, trung chuyển VLXD đang hoạt động trái phép mà không hề gặp trở ngại nào từ phía chính quyền.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Duấn, Phó phòng TN&MT Huyện Thường Tín cho biết: “Trên địa bàn xã Ninh Sở có 3 bãi có phép, một bãi liên quan đến bến đò, còn 2 bãi là đất của Công ty số 10 Thăng long (hợp pháp) trước đó chuyên sửa chữa tàu thuyền, sau này được tận dụng làm bãi chứa vật liệu xây dựng.
Tại xã Hồng Vân có các bãi của Công ty cảng thuộc Hà Tây (cũ), nay gọi là Cảng Hà Nội và HTX Niên Hồng. Đất của HTX trước đây là vận tải bến bãi, hàng hóa. Còn lại 3 cá nhân thuê đất của UBND xã, đã bị đình chỉ và giải tỏa từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hoạt động nên UBND huyện sẽ chỉ đạo di dời ngay. Các bãi nằm trong quy hoạch thì sẽ làm thủ tục trình UBND Thành Phố cấp phép. Hiện nay có 3 đơn vị đang làm hồ sơ là công ty TM Đức Anh, Công ty Cổ phần Chí Quang, DNTN Đồng Hằng”.
UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra, ban hành hàng loạt văn bản, nhưng vụ việc trên vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ông Duấn cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành xử phạt hành chính, ra các quyết định đình chỉ và cưỡng chế. Tuy nhiên, hiện nay các bãi khai thác, tập kết VLXD trái phép này vẫn hoạt động, UBND huyện sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, xử lý”?
Được biết, UBND huyện Thường Tín đã 3 lần thành lập đoàn thanh tra, ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo yêu cầu phải xử lý vi phạm đối với các trường hợp khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái pháp luật. Tuy nhiên, dường như tất cả văn bản chỉ đạo chỉ "nằm trên bàn giấy", và công tác thanh, kiểm tra chỉ có "cho vui". Bởi trên địa bàn huyện, những trường hợp khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái phép vẫn công khai hoạt động.
Cần làm rõ việc “bảo kê”
Theo các văn bản chỉ đạo trước đó của UBND huyện Thường Tín, nếu xã nào không thực hiện hủy bỏ, chấm dứt thực hiện các hợp đồng do UBND xã, thôn ký trái thẩm quyền cho thuê đất thầu làm bến bãi chứa, kinh doanh cát, sỏi trái pháp luật, hoặc để tình trạng vi phạm bơm, hút, tập kết cát sỏi diễn ra nhưng không xử lý kịp thời, dứt điểm thì trước hết Chủ tịch UBND xã nơi đó phải chịu trách nhiệm, đồng thời phải kiểm điểm tập thể, cá nhân, cán bộ có trách nhiệm liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn tới 6 bãi trung chuyển VLXD trái phép hoạt động từ năm 2008 đến nay chưa bị xử lý dứt điểm, ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) lại cho hay: "Do có "ông nọ, ông kia" trên huyện điện về mong "tạo điều kiện", nên việc ngăn cấm các phương tiện tập kết VLXD rất khó khăn. Nếu lãnh đạo huyện kiên quyết xử lý mạnh tay, không bao che cho sai phạm thì chỉ trong một vài ngày là xử lý xong hết...”.
Trước thông tin này, bà Chu Thị Minh Huyền, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: "Việc ông Quyết nói huyện bao che là không có cơ sở. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ yêu cầu ông Quyết báo cáo rõ".
Cũng theo thông tin từ UBND huyện Thường Tín, đối với các trường hợp lập bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD (cát, sỏi) trên diện tích đất chưa được cấp có thẩm quyền cho phép tại xã Ninh Sở, Hồng Vân, huyện đã có văn bản số 141/UBND-TNMT ngày 13/03/2015 chỉ rõ trách nhiệm của UBND các xã khi chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý thu hồi, quản lý diện tích đất sử dụng lập bến bãi trái phép theo quy định.
Theo đó, UBND huyện giao tổ công tác (được thành lập theo Quyết định 415/QĐ-UBND) đôn đốc, phối hợp với UBND các xã trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên và báo cáo kết quả trước 25/03/2015.
Trước tồn tại trên, UBND huyện Thường Tín sẽ xử lý các trường hợp lập bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD trái phép đến đâu?
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Đức Thế
: