Suối "cá thần" Cẩm Lương còn được người dân địa phương gọi là Mó Ngọc hay suối Ngọc, nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Dòng suối trải dài khoảng 2km, chảy từ một hang đá ở chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã, du khách có thể qua lại dễ dàng.
Suối Ngọc được mệnh danh là suối "cá thần" khi hàng nghìn con cá tập trung tại đây
Riêng đoạn suối cá thần xuất hiện đông đúc là hơn trăm mét tính từ cửa hang, chiều rộng suối 3m. Mực nước ở đây chỉ cao chừng 40cm, nước trong vắt, chỗ nào không bị đàn cá che khuất thì có thể nhìn rõ những viên sỏi và rong rêu.
Tại đây có tới hàng nghìn con cá lớn nhỏ, mỗi con có thể nặng từ 2kg đến 8kg, đặc biệt cá chúa ở suối cá thần Cẩm Lương nặng tới 30kg chỉ đôi lần xuất hiện khi nước lớn. Đàn cá ở đây gồm các loài: cá dốc quý hiếm, cá chài, cá mại... với hình dáng lạ mắt, nhiều màu sắc, mỗi khi bơi thân cá lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh, người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước suối này.
Những điều bí ẩn về suối "cá thần" Cẩm Lương vẫn chưa thể lý giải như: tại sao đàn cá không đi xa lại chỉ sống trong hang và tập trung ở đoạn suối này, tuổi thọ của cá là bao nhiêu, nguồn thức ăn chính của cá là gì... Vào khoảng năm 1958, có một đoàn thám hiểm vào hang để nghiên cứu, họ thấy bên trong có nguồn nước ấm, nhưng không thể vào xa hơn mà chỉ đoán chừng sâu bên trong có lượng thức ăn dồi dào nuôi sống cá.
Người dân địa phương tin rằng suối "cá thần" Cẩm Lương rất linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt, sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại cuộc sống no ấm, nên họ truyền đời cùng nhau bảo vệ và tôn thờ đàn cá, mong ước mưa thuận gió hòa.
Phong cảnh hữu tình cúa suối cá thu hút khách du lịch đến thăm quan
Truyền thuyết suối "cá thần" Cẩm Lương của người Mường kể rằng: xưa có hai vợ chồng hiếm muộn, hàng ngày thường ra thửa ruộng bên suối để trồng trọt và bắt tôm cá. Một hôm bà lão ra suối và vớt được một quả trứng lạ. Bà thả xuống nước rồi tiếp tục mò cua, bắt cá nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Bà mang về nhà bàn với ông cho gà ấp thử. Chỉ ít hôm sau, quả trứng đã nở ra một con rắn. Ông lão mang rắn ra thả ở suối Ngọc, nhưng đến tối thì rắn lại về nhà.
Lâu dần, rắn sống trong nhà thân quen như vật nuôi. Lúc này đồng ruộng không còn hạn hán, đời sống trong vùng ấm no, đầy đủ. Rắn được dân làng tôn kính và gọi là chàng Rắn. Bỗng một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp vang trời. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Thần linh báo mộng, chàng rắn chết vì đánh thủy quái nên đã được Ngọc Hoàng phong Thần và chức Tứ phủ Long vương. Dân làng lập đền để tưởng nhớ công lao của chàng rắn.
Khách du lịch và đàn cá rất gần gũi nhau
Cũng từ đó, suối Ngọc phía trước cửa đền có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu thần, canh gác. Hàng năm, vào ngày tế lễ Tứ phủ Long vương, dân làng làm lễ xin thần và chờ khi chiều xuống, đàn cá vào hang, con nào còn sót lại ở suối nghĩa là tự dâng mình làm lễ hiến sinh, già làng sẽ mang cá ra đền cúng tiến thần linh. Lệ làng đến nay vẫn duy trì, suối cá thần Cẩm Lương cũng không bao giờ vơi, và việc bảo vệ đàn cá thần đã có trong tâm thức của bà con nơi đây.
Được biết, trong số 171 hộ dân làng Lương Ngọc, có 31 hộ làm nghề kinh doanh dịch vụ khu du lịch suối cá đều được xã, huyện cho tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Vì vậy, ngoài biết kinh doanh dịch vụ nâng cao thu nhập cuộc sống gia đình, các hộ này đã biết giao tiếp, ứng xử với khách văn minh, lịch sự nên tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Thuấn Nguyễn