Sau khi chạm mức đỉnh trong vòng 1 năm qua (107,05 điểm), chỉ số U.S Dollar Index (DXY) trên thị trường quốc tế ngày 30/4 đã giảm 0,29%, về mốc 105,65 điểm.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Ngay đầu năm, chúng ta dự báo tỷ giá tăng khoảng 3% trong năm nay, nhưng với tình hình hiện tại tôi dự đoán tỷ giá sẽ tăng khá mạnh, nhu cầu đồng USD của nội tại của nền kinh tế Việt Nam, sức mạnh đồng USD, sức mạnh nền kinh tế VN còn nhiều khó khăn, đang đẩy tỷ giá lên, bên cạnh đó vấn đề lạm phát rồi giá vàng, cộng hưởng lại làm tỷ giá tăng lên”.
Cũng theo Tiến sỹ Hiếu, chênh lệch giữa xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo ra một khoảng cách nhất định, gây áp lực lên tỷ giá.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), DXY trên thị trường quốc tế tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đến đồng nội tệ. Sự mất giá của đồng Việt Nam so với đầu năm 4,9% là mức khá nhiều.
Theo dõi diễn biến trên thị trường thời gian gần đây, NHNN đã phát hành gần 200.000 tỷ đồng tín phiếu để ổn định cung cầu ngoại tệ. Tuy nhiên, “sức nóng” tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, do đó, NHNN đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ mạnh mẽ hơn, đó là công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Đồng thời, giảm nhu cầu mua vàng bằng USD. Điều này giúp tỷ giá đã hạ nhiệt khoảng 30 đồng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP. HCM đánh giá: “Nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao, chúng ta tăng nhập khẩu để tăng cường sản xuất, thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới, nhưng trong ngắn hạn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ giá”.
Phân tích của Công ty MBS Research, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.500 - 24.800 VND/USD trong quý II năm nay nhờ một số yếu tố tích cực. Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng. Đồng thời, giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào kỳ họp vào tháng 6 và điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và giảm áp lực mất giá đối với VND.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận: Từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ sớm ổn định, lý do chính khi Fed hạ lãi suất thì giá trị đồng USD sẽ không quá mạnh, tôi rất đồng tình với cách can thiệp của NHNN trong thời gian vừa qua là can thiệp tín phiếu, vừa can thiệp thanh khoản, vừa hút tiền về vừa giúp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND không quá lớn.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, tỷ giá vẫn đảm bảo duy trì được sự ổn định và vẫn đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng.
Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được: “Với cách điều hành của NHNN, chúng tôi thấy tỷ giá vẫn đảm bảo sự ổn định, đảm bảo thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu”.
Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết bài toán về tỷ giá, theo các chuyên gia kinh tế, NHNN phải có các giải pháp mạnh hơn nhằm hạn chế chênh lệch lãi suất USD và VND như bán ngoại tệ để ổn định tỷ giả.
Trong trường hợp nhu cầu mua USD từ các doanh nghiệp vẫn lớn nhưng tỷ giá đã hạ nhiệt thì rủi ro mất giá của đồng VND sẽ không còn lớn, có thể 1-2% trong thời gian tới. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ không còn động lực giữ hay mua thêm ngoại tệ nữa, lúc đó sẽ có hoạt động bán ra ngoại tệ và NHNN sẽ mua bù lại vào những thời điểm không bị căng thẳng, thiếu hụt như hiện tại.
X.Hải (t/h)