THCL Việt Nam rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số Rủi ro về khí hậu dài hạn (CRI), Việt Nam là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai.

Đặc biệt, những người dân nghèo ở các vùng ven biển và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là những người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng và khó có thể chống chọi, phục hồi được.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hầu hết các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đặc biệt là giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói, Việt Nam vẫn chưa đạt được MDG 7 về bền vững môi trường. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc thông qua các khuôn khổ pháp lý cần thiết, các chiến lược và chương trình, việc thực thi chính sách và các chuẩn mực xã hội vẫn chưa đủ để đảm bảo tính bền vững về môi trường. Ngoài ra, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh đã gây cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường làm ảnh hưởng đến sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Xuất phát từ thực tiễn đó, một triển lãm đầu tiên về nhân rộng các sáng kiến xanh đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại Tòa Nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc. Đại diện cho 15 dự án được hỗ trợ bởi Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF và UNDP (gọi tắt là UNDP/GEF SGP) và các tổ chức phi chính phủ đã tham dự buổi hội thảo để giới thiệu những sáng kiến của họ ở cấp cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Họ cũng đã thảo luận về tiềm năng nhân rộng các sáng kiến này.

Tham dự sự kiện này, Giám đốc khu vực của UNDP tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương ông Haoliang Xu nhấn mạnh rằng "Các cộng đồng thường đi đầu trong tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người ít có khả năng để đối phó với nó. Những nỗ lực quốc gia với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đảm bảo rằng không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần được bổ sung bằng các sáng kiến địa phương, đó là điều rất cần thiết để đảm bảo rằng các lợi ích của phát triển bền vững là công bằng với tất cả mọi người".

Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc thể chế hóa, cung cấp hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng và mở rộng các sáng kiến để cải thiện sinh kế của cộng đồng đồng thời giúp họ thích nghi với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. "Điều quan trọng là phải có một cách tiếp cận toàn diện và quá trình tư vấn để khuyến khích sự tham gia tích cực và đóng góp của tất cả các bên liên quan, cộng đồng địa phương để đảm bảo tính sở hữu, đó là điều cần thiết đối với bất kỳ sáng tạo thành công nào".

"UNDP cam kết làm việc với tất cả các bên liên quan để xác định, khuyến khích những sáng kiến xanh và thúc đẩy việc nhân rộng và mở rộng quy mô các sáng kiến đó", ông nói.

Kể từ năm 1999, chương trình UNDP/GEF SGP đã làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ trong nước và các tổ chức cộng đồng để cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 dự án nhỏ tại hơn 40 tỉnh thành ở Việt Nam.

Gia Linh