Bị cáo Trung, với nhận thức đầy đủ về hành vi phạm pháp, vẫn cố tình thực hiện hành vi buôn bán hàng giả vì mục đích tư lợi. Tòa án cho rằng, cần phải áp dụng mức án nghiêm khắc, cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian đủ dài để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.
Về xử lý vật chứng, toàn bộ số mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn bị thu giữ sẽ bị tịch thu và tiêu hủy. Các vật chứng khác liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo, bao gồm 1 máy tính, 1 điện thoại iPhone và số tiền 7.450.000 đồng thu lợi bất chính từ việc bán mũ bảo hiểm giả, sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Các vật chứng không liên quan đến vụ án sẽ được trả lại cho bị cáo.

Theo cáo trạng, vào khoảng tháng 9/2023, Trung nhận thấy nhu cầu mua mũ bảo hiểm Nón Sơn trên TikTok tăng cao, đã nảy sinh ý định kinh doanh hàng giả để kiếm lời. Đến tháng 10/2023, Trung mua một tài khoản Facebook ảo và liên hệ với một xưởng in không rõ địa chỉ trên mạng để đặt làm mũ bảo hiểm giả theo mẫu Nón Sơn. Ban đầu, Trung đặt 50 chiếc với giá 35.000 đồng/chiếc, nhận hàng tại nhà ở Lâm Đồng và cất vào kho.
Sau khi kiểm tra, Trung nhận thấy chất lượng sản phẩm kém hơn hàng chính hãng nhưng vẫn tiếp tục rao bán trên Facebook với giá từ 70.000 đến 150.000 đồng/chiếc. Thấy việc buôn bán có lợi nhuận, Trung tiếp tục đặt thêm 200 chiếc mũ giả với giá 7 triệu đồng, rồi mở rộng quy mô bằng cách đặt thêm 2.100 chiếc với giá 63 triệu đồng.
Tổng cộng, từ tháng 10 đến tháng 12/2023, Trung đã đặt làm 2.350 chiếc mũ bảo hiểm giả, với tổng số tiền là 71,75 triệu đồng, trong đó bán được 77 chiếc, thu về 7.450.000 đồng.
Ngày 29/1/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra kho hàng của gia đình Trung, phát hiện và niêm phong 2.273 chiếc mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn. Toàn bộ số mũ bảo hiểm giả này có giá trị ước tính hơn 1,3 tỷ đồng.
Thành Nam (t/h)