Ông Điêu Bình Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ ngộ độc lá ngón trong một gia đình làm 2 mẹ con tử vong, 2 người con khác của nạn nhân phải cấp cứu. Hiện tại, chính quyền địa phương đã mai táng cho 2 mẹ con nạn nhân và cứu sống 2 cháu bé còn lại.

Trước đó, ngày 13/4, chị Giàng Thị Cu (33 tuổi, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ) bế con là Sùng Thị Đế (sinh năm 2016) đi hái rau rừng. Tới nơi, chị để con chơi dưới đất còn mình thì hái rau cho vào giỏ. Trong lúc chị không để ý, bé Đế đã vặt cả lá ngón cho vào giỏ rau. Số rau đó, chị mang về nấu cho 4 người trong gia đình ăn vào bữa chiều.

Sau khi ăn chừng 30 phút, cả nhà thấy đau bụng dữ dội, nôn mửa. Do chồng đi vắng, hàng xóm phát hiện đã hô hoán bà con đến giúp. Tuy nhiên, do ngộ độc nặng, chị Cu đã tử vong tại nhà. Ba cháu bị ngộ độc được đưa lên Trạm y tế xã cấp cứu. Dù vậy, cháu Sùng A Dình (15 tuổi) đã tử vong. Hai cháu còn lại là Sùng A Tăng (5 tuổi) và Sùng Thị Đế (2 tuổi) được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

Theo các bác sĩ, khi rửa ruột các cháu đã phát hiện trong búi rau có lá ngón nên cơ quan điều tra đã xác định được nguyên nhân của vụ việc trên. 

Cũng theo ông Dương, sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức mai táng cho các nạn nhân. Đồng thời, hỗ trợ gia đình 7,4 triệu đồng. Ngoài ra, do gia đình khó khăn, chồng nạn nhân là người khuyết tật nên lãnh đạo địa phương đang vận động cán bộ, nhân dân trong vùng đóng góp để làm nhà cho gia đình chị Cu.

Ăn phải canh lá ngón, 2 mẹ con tử vong - Hình 1

                                        Cây lá ngón rất độc, mọc phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo các chuyên gia, cây lá ngón còn gọi là cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn… Thân cây có khía, cành non màu xanh lục nhạt không có lông, cành già màu xám nâu nhạt. Lá cây mọc đối, không lông, hình trứng hay hình trứng mũi mác, đầu nhọn, mép nguyên, xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7–12 cm. Hoa có năm cánh, màu vàng, tràng hoa hình phễu. Cây ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 12. Loại cây này phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây. Độc tính của cây giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5 phút đến 30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5h.

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc lá ngón, trước hết người thân phải tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân. Người nhà có thể dùng cách chọc tay vào sâu bên trong cổ họng bệnh nhân để gây nôn. Sau khi gây nôn, người thân phải nhanh chóng chuyển nạn nhân tới các cơ sở y tế để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu tiếp theo như rửa dạ dày bằng nước ấm, uống than hoạt…

Lê Hoa