Soi bối cảnh của đề xuất gây "sốt"
Hồi tháng 8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chủ trì rà soát, đề xuất dự thảo quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để báo cáo Bộ GTVT, bao gồm Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thông tin, đề xuất của Vietnam Airlines về việc triển khai tình huống điều tiết giá thông qua mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, mục đích là nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines, góp phần bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Vietnam Airlines kiến nghị thời gian áp dụng trong 3 năm, mức giá tối thiểu là 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định, được tham khảo trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm quản lý của Trung Quốc giai đoạn 2004 - 2013. Mức giá tối thiểu và thời gian áp dụng theo đề xuất là chưa phù hợp", ông Thắng cho biết và nêu lên các lý do.
Cụ thể, mức giá tối thiểu kiến nghị bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định là cao. Mức này tương đương với chi phí bình quân trên ghế của các đường bay nội địa của Vietnam Airlines năm 2019. Điều này không hợp lý khi mức giá tối thiểu bằng với mức giá bình quân dẫn đến hạn chế việc tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp.
Chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa là khác nhau và đa phần là thấp hơn Vietnam Airlines. Mức trên là mức cao nhất trong số các quốc gia đã từng áp dụng. Mức giá này cũng tương đương với mức giá cao nhất của vận chuyển đường sắt (giường nằm khoang 4, điều hòa) và gấp 2 lần giá vé vận chuyển đường bộ và hạn chế tính cạnh tranh và khả năng khôi phục thị trường vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.
Trong khi đó, thời gian áp dụng theo đề nghị (3 năm) là quá dài trong khi đây là chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, Cục HKVN cho rằng tỷ lệ áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định tương đương 45,5% mức Vietnam Airlines đề xuất là phù hợp.
Do chính sách mang tính chất giải quyết tình huống, trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng là 12 tháng. Chính sách này được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng không Việt Nam sẽ áp dụng ngay từ ngày 1/11/2021 đến 31/10/2022.
Mặc dù vậy, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng thừa nhận, giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn tuy nhiên cũng tồn tại các bất cập, hạn chế cơ bản.
"Chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn; sẽ gặp phải những phản ứng từ dư luận do làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với những mức giá ưu đãi như hiện nay.
Chưa đánh giá được tác động thực tế của chính sách đối với hoạt động của các hãng hàng không. Hiện nay các hãng hàng không đều gặp khó khăn chung do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh, việc đặt ra quy định về mức giá tối thiểu có thể gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không" - Cục trưởng Cục Hàng không nêu rõ.
Nếu tăng giá để bảo vệ một DN mà động cả hệ thống: Khó chấp nhận
Câu chuyện về áp sàn vé máy bay những ngày qua đã khiến cho thị trường trở nên "nóng rực".
Nêu quan điểm về đề xuất áp sàn giá vé máy bay, ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - cho biết, hàng không có Nhà nước và tư nhân. Vì vậy, có cạnh tranh thì mới đảm bảo bình đẳng. Theo ông, nếu tăng giá để bảo vệ một doanh nghiệp mà động chạm tới cả hệ thống hàng không thì sẽ khó chấp nhận.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay, chính sách pháp luật của Việt Nam đều khẳng định là bình đẳng với các thành phần kinh tế, coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển. Nếu xây dựng một chính sách có yếu tố triệt tiêu cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh thì là đi ngược với tinh thần với chủ trương về phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của Luật Cạnh tranh.
Để đảm bảo phù hợp cho các loại hình giao thông vận tải và các chiến lược kinh tế nói chung, Chính phủ cần có sự chỉ đạo rà soát lại tất cả quy định của pháp luật, đánh giá lại hệ thống chính sách về giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng. Trước khi quyết định về giá trần hay sàn thì phải có đánh giá tác động đầy đủ của chính sách tới các đối tượng cụ thể.
"Quản lý không thể áp dụng theo kiểu phát xịt, phát nổ, phát đùng, phát đẹt; không thể quản lý theo kiểu ăn đong. Đây là vấn đề lớn về chính sách chứ không phải chỉ là câu chuyện giá vé hay việc giải quyết khó khăn trước mắt, phải đánh giá tác động đầy đủ nếu không có thể sẽ phá vỡ hệ thống chính sách khác" - ông Nhưỡng lưu ý.
Cũng theo ông Nhưỡng, một chính sách ra đời đòi hỏi sự ổn định mang tính lâu dài. Khó khăn có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc lâu dài nhưng không thể giải quyết ngay một lúc được và có nhiều biện pháp để giải quyết, không nên đặt ra ưu ái để tháo gỡ khó khăn cho người này mà quên đi khó khăn của người khác.
"Việc của Nhà nước phải quản lý xã hội, còn kiếm tiền là việc của doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động của Nhà nước. Chính vì vậy, Nhà nước phải bình đẳng, giống như ở trong cùng một nhà không nên phân biệt đối giữa con đẻ và con nuôi, giữa các chủ thể phải đảm bảo sự đối xử công bằng" - ông Nhưỡng nói.
Có ý kiến cho rằng nếu áp dụng giá sàn vé máy bay sẽ tước đi cơ hội đi lại của hàng triệu người có thu nhập thấp bằng vé máy bay giá rẻ, thậm chí là một trong những thành tố gây thêm nhiều khó khăn cho các hãng bay giá rẻ hiện nay. Theo ông Nhưỡng: "Nói thế là hơi quá". Bởi chính sách không tước quyền đi lại và đó là quyền tự do của mỗi người. Câu chuyện hàng không giá rẻ có thể có tác động từ đề xuất áp giá sàn vé máy bay, nhưng cơ quan quản lý cũng không tước đi quyền hỗ trợ giá của hãng, vì hãng có thể hỗ trợ khách hàng của mình bằng nhiều cách thì vẫn là rẻ.
Ông Nhưỡng cũng đánh giá, áp giá sàn vé máy bay sẽ hạn chế việc sử dụng dịch vụ hàng không của nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối với người có thu nhập trung bình và thấp; không kích thích được nền kinh tế, chứ không chỉ là hàng không và du lịch.
PGS, TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng Khoa Vận tải kinh tế, Đại học Giao thông, cũng đã có những chia sẻ liên quan đề xuất áp sàn giá vé máy bay gây tranh cãi. Ông Thái là người đầu tiên phản đối khi Vietnam Airlines nêu đề xuất áp dụng năm 2017 với những quan điểm thẳng thắn trên truyền thông.
Sau 4 năm, nói về đề xuất áp sàn giá vé máy bay, ông Thái cho biết, để đánh giá đầy đủ về đề xuất thì phải xác định rõ thời điểm và hoàn cảnh áp dụng một chính sách, cụ thể là tình hình dịch bệnh và áp dụng trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo ông, nhu cầu đi máy bay trong dịch bệnh của người dân cũng không phổ biến như trước đây. Do đó, đề xuất này không ảnh hưởng đến toàn dân mà chỉ tác động số ít người có nhu cầu đi lại cấp thiết, cũng không ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển hàng không.
Đề xuất của Cục Hàng không đưa ra nếu giá quá thấp thì sẽ dẫn tới không thể bù đắp được chi phí đối với một số doanh nghiệp hàng không, khi nền kinh tế phục hồi thì sẽ dẫn tới khả năng không cung cấp được dịch vụ, trong khi cần phải đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy, việc đặt ra giá sàn trong giai đoạn hiện nay cũng là căn cứ để đảm bảo yêu cầu quản lý, theo ông Thái.
Yếu tố mà ông Thái lăn tăn là căn cứ để tính giá sàn. "Vì giá trần vé máy bay hiện tại hơi cao, Cục Hàng không chưa làm rõ để thuyết phục được hành khách, thuyết phục người tiêu dùng. Đề xuất chưa đánh giá đầy đủ tác động, đối tượng sử dụng chuyến bay, cơ cấu chuyến đi, tỷ lệ bao nhiêu thì ở đây chưa rõ ràng" - ông Thái cho hay.
Cần phải nói thêm rằng, hiện nay Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đang nỗ lực để phát động lại thị trường hàng không, thị trường du lịch, muốn kích cầu đi lại bằng đường hàng không nhưng áp sàn giá vé là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Theo chuyên gia, đề xuất là áp dụng trong một năm, khi hết giãn cách xã hội, dịch bệnh được khống chế thì văn bản đề xuất này tự động phải hết hiệu lực. Còn nếu trong bối cảnh bình thường, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ là triệt tiêu sự cạnh tranh.
"Cái quan trọng nhất là trong giai đoạn này phải tính được cơ cấu hành khách và mục đích chuyến đi. Nhưng thực chất không có căn cứ đó để tính, không có số liệu để minh chứng được điều này. Đề xuất của Cục Hàng không chưa đánh giá đầy đủ tác động, đối tượng sử dụng chuyến bay, cơ cấu chuyến đi, tỷ lệ bao nhiêu thì ở đây chưa rõ ràng" - ông Thái nói.
DT