Trước vụ việc có tính chất nghiêm trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão như thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10/2017.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế hiện trường
Truy tìm thủ phạm “cạo trọc”khoảng 43,7 ha rừng
Ngày 9/9, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra vụ 43,7 ha rừng tự nhiên ở xã An Hưng (huyên An Lão) bị lâm tặc xóa sổ, sớm tìm ra thủ phạm.
Chiều 9/9, Văn phòng Chính phủ đã phát hành Văn bản hỏa tốc số 9589/VPCP-NN về việc xử lý vấn đề báo nêu về phá rừng tự nhiên tại huyện An Lão (Bình Định). Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng (huyện An Lão) như thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10/2017.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Ngay khi nhận được báo cáo, lãnh đạo huyện đã trực tiếp tới hiện trường vụ việc để đánh giá tình hình. Nhận thấy vụ việc quá nghiêm trọng, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm xác lập hồ sơ đưa vào tin báo tội phạm, đồng thời phối hợp với Công an huyện An Lão khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định thiệt hại rừng, sớm khởi tố vụ án.
Ông Nam khẳng định, là người đứng đầu địa phương, ông xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc. Lực lượng chức năng huyện An Lão đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ, tích cực phối hợp với Công an tỉnh để kiên quyết đưa đối tượng tổ chức, trực tiếp phá rừng ra trước pháp luật.
Đến thời điểm này, các ban, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đang nỗ lực tìm ra thủ phạm và xử lý hậu quả. Song rõ ràng, con số 43,7 ha rừng bị mất trắng là cái giá quá đắt cho lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng!
Trái bóng trách nhiệm đang ở đâu?
Như thông tin đã đưa, các cơ quan chức năng huyện miền núi An Lão (Bình Định) mới phát hiện ra vụ phá rừng quy mô lớn nhất ở tỉnh này, tổng diện tích rừng bị phá khoảng 43,7 ha. Địa điểm xảy ra vụ việc là khoảnh rừng số 7, số 8, tiểu vùng 1, xã An Hưng, là vùng giáp ranh giữa 3 huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn là điệp khúc chung "rừng nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm thì mỏng" (?).
Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão giải thích lý do chậm phát hiện là do "đối tượng phá rừng sử dụng cưa máy hiện đại; tốc độ cưa đốn rất nhanh"!
Hiện trường vụ 43,7 ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão bị xóa sổ
Đáng lưu ý, để tới được đây thì tất cả các xe ô tô chở người, thiết bị, keo giống đi vào và chở gỗ từ rừng đi ra (nếu có) đều phải đi qua con đường duy nhất trước trạm kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn, đóng tại xã Hoài Sơn (?!). Nhưng hoạt động phá rừng ồ ạt, quy mô rộng lớn như vậy, trạm kiểm lâm này lại không hề hay biết?
Ông Nguyễn Hồng Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn nói rằng, địa bàn xảy ra phá rừng là bên phía An Lão nên các cán bộ kiểm lâm của huyện Hoài Nhơn không thông thạo đường đi, không nắm được vị trí...
Như vậy, có hay không lỗ hổng trong quản lý rừng theo kiểu “khu vực ai người đó tự quản” giữa 2 hạt kiểm lâm; hay có sự làm ngơ của lực lượng chức năng trước tình trạng phá rừng ngang nhiên, lâm tặc lộng hành?
Còn theo giải thích của ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão thì, việc đi kiểm tra rừng chỉ theo một lối mòn nhất định, chứ không cần phải bao quát khắp các khu vực...
Cần phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân!
Hơn 1 năm trước, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, rừng đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” nên phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm.
Nhưng rồi, trong khi câu chuyện phá rừng và chỉ đạo khẩn cứu rừng của Thủ tướng đang được cả xã hội quan tâm và kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực, thì rừng vẫn liên tiếp “chảy máu”! Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay.
Có thể nói, việc chỉ đạo đóng cửa rừng chính là quyết tâm lớn của Chính phủ đối với vấn đề hết sức hệ trọng này. Không chỉ vậy, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ đạo rà soát lại giấy phép các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên, qua đó phát hiện sai phạm để xử lý, đồng thời quy rõ trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã đối với các vụ mất rừng trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng rất không hài lòng khi cho rằng, mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý cụ thể, nhưng thực tế đang rơi vào tình trạng vô chủ - “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh đó, việc bảo kê “lâm tặc” của những người có nhiệm vụ cũng đang diễn ra phổ biến. Đến nỗi, người đứng đầu Chính phủ phải đặt vấn đề: “Gỗ rừng vận chuyển ngang nhiên, chứ có phải cây kim bỏ trong túi đâu mà lực lượng chức năng không biết?”.
Theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính về quản lý, phát triển rừng bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì hành vi phá hơn 3.000 m2 rừng kinh tế và hơn 2.000 m2 rừng phòng hộ đã được quy định khung xử lý hình sự.
Với con số 43,7 ha tức là 437.000 m2 rừng tự nhiên (được quy hoạch rừng sản xuất và phòng hộ), đủ thấy mức độ nghiêm trọng của vụ vi phạm pháp luật này rất lớn.
Dư luận đang nóng lòng chờ kết quả điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định.
Cao Diên – Hải Dương