Khu vực Đông Bắc Á tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm theo dõi và lo ngại của cả thế giới
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ở ngoài khơi tỉnh Nagasaki, Nhật Bản hôm 29/4 (Ảnh: Kyodo News)
Triều Tiên không tiến hành hoặc chưa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, nhưng đã lại một lần nữa phóng tên lửa vào sáng 29/4 (giờ địa phương).
Trên lãnh thổ Hàn Quốc, Mỹ đã triển khai khẩu đội đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, lực lượng hùng hậu hải quân Mỹ với hàng không mẫu hạm USS Carl Winson đã dàn trận sẵn sàng tấn công quân sự Triều Tiên. Tầu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ với 159 tên lửa Tomahawk đang neo đậu ở Hàn Quốc.
Nhật Bản cho hai tàu chiến tham gia cùng lực lượng hải quân Mỹ. Hải quân Mỹ, Anh và Pháp tập trận chung.
Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều kịch liệt phê phán Triều Tiên lại phóng tên lửa. Mỹ tiếp tục leo thang khẩu chiến với Triều Tiên, thúc ép các thành viên Liên hợp quốc làm găng hơn nữa với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc và Nga cũng có những biểu hiện làm găng hơn trước với Triều Tiên, thậm chí còn rộ lên tin đồn về việc 2 nước này triển khai lực lượng quân đội lớn đến khu vực biên giới chung của họ với Triều Tiên.
Nga có 20 km và Trung Quốc có 1461 km biên giới chung với Triều Tiên. Kể từ khi có thỏa thuận Bàn Môn Điếm về ngừng bắn ở Triều Tiên năm 1953 đến nay khu vực chưa từng lần nào xuất hiện tình trạng triển khai nhiều quân lực cũng như bầu không khí chính trị căng thẳng và dễ bùng phát xung đột vũ trang như hiện tại.
Điều đáng được chú ý không kém là Mỹ đề cao vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trong gây sức ép và giải quyết vấn đề hạt nhân Tiều Tiên, trong khi Bắc Kinh đánh giá cao những động thái mới của Nga.
Lá chắn tên lửa THAAD được nhìn thấy ở điểm bố trí Seongju, Hàn Quốc, ngày 26/4/2017 (Ảnh: Lee Jong-hyeon/News1)
Chuyện Mỹ - Triều Tiên, tại sao các bên khác cũng "khó xử"?
Không lạ lùng và đáng chú ý, thậm chí cả thú vị nữa, sao được khi cốt lõi của vấn đề là mối quan hệ song phương giữa Triều Tiên và Mỹ nhưng tất cả các nước láng giềng của Triều Tiên trong khu vực bị vạ lây và trở thành "con tin bất đắc dĩ" của mối bất hòa giữa Bình Nhưỡng-Washington.
Mỹ và Triều Tiên cách xa nhau về địa lý. Về khả năng quân sự, Mỹ hiện có thể tấn công quân sự Triều Tiên từ xa trong khi Triều Tiên chưa có được khả năng ấy.
Tất cả các nước láng giềng của Triều Tiên đều như Mỹ không muốn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nhưng đều không thể hiện cảm nhận bị Triều Tiên đe dọa đến mức như Mỹ. Cho nên chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên làm các nước này khó xử, trong khi cả đối sách của Mỹ với Triều Tiên cũng tương tự.
Và ngoài ra lại còn có chuyện các láng giềng này tự làm khó xử lẫn nhau.
Nga và Trung Quốc có quan hệ không thù địch với Triều Tiên như Mỹ, và không đối đầu với Triều Tiên như Hàn Quốc và Nhật Bản. Triều Tiên thậm chí còn phụ thuộc ở mức độ đáng kể vào Trung Quốc và có lợi ích thiết thực trong việc gây dựng quan hệ thân thiện với Nga.
Còn thử hạt nhân hay phóng tên lửa, Triều Tiên đối phó với Mỹ-Nhật-Hàn khiến cho Trung Quốc và Nga khó xử vì họ không thể ủng hộ Bình Nhưỡng làm việc ấy.
Nga-Trung phải đồng hành cùng cộng đồng quốc tế thúc ép Triều Tiên bằng nhiều biện pháp khác nhau, để buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, nhưng hai nước này cũng không thể ủng hộ Mỹ leo thang căng thẳng và đối địch với Triều Tiên.
Nói cách khác, Bắc Kinh và Moscow cần ngăn cản Mỹ đẩy căng thẳng với Triều Tiên đến mức bùng phát đụng độ vũ trang trực tiếp.
Xưa nay, Nga đóng vai trò thụ động trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, dù là một trong 6 bên tham gia khuôn khổ Đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh.
Lần này, động thái của Nga chủ động và sôi động hơn hẳn. Không phải vô cớ và ngẫu nhiên mà Trung Quốc vừa đề cao Nga. Nga đã "ghi bàn" thay và giúp Trung Quốc khi phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ tại HĐBA về Triều Tiên, cho phép Bắc Kinh vừa không bị mang tiếng là theo Mỹ chống Triều Tiên mà lại không làm Mỹ phật ý.
Việc điều động quân đội đến khu vực biên giới chung với Triều Tiên là thông điệp của Nga cảnh báo và răn đe cả Triều Tiên lẫn Mỹ "làm gì với nhau thì làm" nhưng chớ có để xảy ra đụng độ vũ trang.
Hàn Quốc cũng khó xử vì ngày 9/5 tới nước này sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Không dựa vào Mỹ thì Seoul không đối phó được Triều Tiên. Nhưng dựa vào Mỹ, với THAAD chẳng hạn, thì sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của Triều Tiên một khi xảy ra đụng độ vũ trang Mỹ-Triều.
Hàn Quốc bị giằng xé giữa nhu cầu cần ô bảo hộ an ninh của Mỹ và nguy cơ bị vạ lây trực tiếp, trước hết bởi chính mối bất hòa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chính quyền mới ở Mỹ đang tìm kiếm đối sách mới trong vấn đề Triều Tiên. Chiến lược này bao hàm hai định hướng chính là tiếp tục gia tăng sức ép về chính trị, kinh tế và quân sự cùng với răn đe là sẵn sàng tấn công quân sự, nhưng đồng thời tập hợp lực lượng, đặc biệt thông qua Trung Quốc, để thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Phía Mỹ ý thức được rằng không thể giải quyết được vấn đề này bằng quân sự mà không phải trả giá gì. Điều này lý giải vì sao tổng thống Mỹ Donald Trump đột nhiên coi trọng và tranh thủ Trung Quốc.
Thiên hạ có thể dễ dàng nhận thấy ông Trump đang khích Trung Quốc và phân hóa Trung Triều khi nói trên Twitter về vụ phóng tên lửa ngày 29/4 rằng Triều Tiên không khiêu khích Mỹ, mà là không tôn trọng Trung Quốc và cá nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc rơi vào thế bị cả Triều Tiên lẫn Mỹ làm khó. Các đối tác và láng giềng làm khó lẫn nhau như thế bởi bên nào hiện cũng đều bế tắc chiến lược và ý tưởng giải pháp vấn đề. Vì ai cũng khó xử như thế nên xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên càng ít khả năng xảy ra.
Đại sứ Trần Đức Mậu - SOHA