THCL - Nga đã thành công nhất trong 3 năm qua, trong khi những gì phương Tây thể hiện là khá nghèo nàn với những "bất ngờ đầy khó chịu".

Xa luân chiến

Theo Wilson Center, học giả cấp cao Maxim Trudolyubov tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, trong ba năm qua, Nga đã chứng minh mình là một cường quốc lớn, bất chấp những dự đoán ban đầu về sự thất bại, thậm chí là sụp đổ trước hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến việc sáp nhập Crimea năm 2014.

Sự khác biệt của năm 2016 là Nga đã thành công nhất trong 3 năm qua, trong khi những gì phương Tây thể hiện là khá nghèo nàn với những "bất ngờ đầy khó chịu".

Chiến thắng của ông Putin và nỗi buồn của nước Mỹ - Hình 1

Tất cả bắt đầu vào tháng 2/2014, khi Tổng thống thân Nga của Ukraine Viktor Yanukovich trốn khỏi đất nước. Nga đã cho rằng phương Tây đang tiến hành một cuộc "cách mạng màu" ở Ukraine, tiếp theo là sự kiện sáp nhập Crimea và tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine. Một cuộc đối đầu lớn giữa Nga và phương Tây đã xảy ra. Theo truyền thông quốc tế, đó là một cuộc chiến tranh lạnh thứ 2 và Nga sẽ là bên bị thiệt hại đầu tiên.

Mỹ đã phản ứng trước các sự kiện trên bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân liên quan đến việc sáp nhập Crimea và khởi xướng một số biện pháp chế tài khác. Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác, bao gồm Canada, Nhật Bản và Australia, cũng đưa ra cách biện pháp chống Nga như hạn chế đi lại và trừng phạt một số lĩnh vực kinh tế.

Nga đã phải ngừng một số dự án thăm dò dầu khí, trong đó có một số dự án hợp tác với phía Mỹ, bao gồm cả các dự án nhiều tỷ USD với tập đoàn Exxon Mobil. Các công ty của Nga bị mất gần như tất cả các khả năng cho vay ở phương Tây. Moskva cũng đã đáp trả bằng cách biện pháp như hạn chế nhập khẩu các mặt hàng phương Tây như pho mát của Pháp, táo của Ba Lan và nhiều sản phẩm khác ở châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt và đáp trả trên diễn ra trong bối cảnh giá dầu quốc tế suy giảm, lĩnh vực mà nền kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn. Trong thực tế, sự suy giảm giá dầu đã cho thấy đây là một thách thức tồi tệ hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tại một số thời điểm đồng Ruble bị mất giá trầm trọng. Đến cuối năm 2014, giá các mặt hàng nhập khẩu của Nga đã tăng đột biến. Nền kinh tế của Nga đã bị suy giảm trong 3 năm qua sau khi nước này rơi vào cuộc xung đột trên với phương Tây. GDP của Nga đã đạt 2,2 nghìn tỷ USD năm 2013 và kể từ đó đã giảm xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD.

Người cười sau cùng

Tuy nhiên, dường như hầu hết người Nga không bị tác động nhiều bởi nền kinh tế khó khăn, trong khi hệ thống chính trị Nga lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rõ ràng, năm 2016, Nga có triển vọng hơn nhiều so với năm 2014. Ở trong nước, Nga không có thách thức nghiêm trọng nào phát sinh đối với trật tự chính trị và xã hội hiện nay. Xét về mặt quốc tế, Nga không còn là nước bị "lép vế" so với phương Tây như trong năm 2014 và 2015.

Ông Trudolyubov cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc phá thế bao vây cô lập của phương Tây. Moskva đã tiến hành chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria để hỗ trợ Tổng thống Syria al-Assad. Dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra một số sự cố, nhưng hiện nay, hai nước đang xích lại gần nhau hơn.

Sau sự cố Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại, người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: "Đây có thể là một nỗ lực nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Moskva và Ankara. Nhưng hai nước sẽ chỉ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn để chống lại những hành động khiêu khích đó". Và mặc dù có những khác biệt, nhưng cả hai hiện là "cầu thủ quốc tế" lớn ở Syria.

 

Chiến thắng của ông Putin và nỗi buồn của nước Mỹ - Hình 2

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Abe

Bên cạnh đó, ông Putin đã vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên của cuộc đàm phán mang tính đột phá với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một động thái mà, theo thời gian, có thể dẫn đến một hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Nga và Nhật Bản chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, vì tranh chấp lãnh thổ. Mới đây, ông Putin và Abe đã đồng ý bắt đầu đàm phán về các hoạt động kinh tế chung về quần đảo tranh chấp Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Lãnh thổ phương Bắc (theo phía Nhật).

Hiện nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong năm 2014 và 2015 vẫn được duy trì, trong khi ngày 29/12, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế để trả đũa các hành động được cho là ''sách nhiễu'' của cơ quan an ninh Nga nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Moskva, cũng như chiến dịch tấn công mạng mà Washington cáo buộc do Điện Kremlin chỉ đạo nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Tuy nhiên, có hai sự kiện quan trọng khác diễn ra ngoài lãnh thổ của Nga đang có lợi cho Moskva. Đó và việc Anh rời khỏi EU và chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ. Hai sự kiện này không ảnh hưởng đến Nga trực tiếp nhưng, từ quan điểm của Nga, chúng đánh dấu một thay đổi thuận lợi trong những xu hướng ảnh hưởng mang tính toàn cầu.

Cuối cùng, ông Trudolyubov kết luận: chúng là những điều giúp ông Putin giành chiến thắng, không phải theo một cách nào khác.

Sự thật đau đớn

Không chỉ giới phân tích mới nhận ra điều này, ngay cả quan chức Mỹ cũng thừa nhận sự thất bại của Washingon trước Moscow.

Ngày 23/12/2016, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby tuyên bố, Ngoại trưởng nước này John Kerry đánh giá, những nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria đã thất bại và ông rất thất vọng về điều này.

''Nếu các bạn hỏi Ngài Ngoại trưởng Ngài ấy sẽ trả lời rằng rất thất vọng trước vị thế của Mỹ hiện nay trong vấn đề Syria cũng như thực tế rằng, những nỗ lực ngoại giao của chúng ta nhằm đạt được tiến trình chuyển đổi chính trị tại quốc gia này đã thất bại, chỉ khi đó ý kiến của người dân Syria mới thống nhất và được lắng nghe, đất nước cũng trở nên an toàn và tốt đẹp hơn'' – đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

 
Chiến thắng của ông Putin và nỗi buồn của nước Mỹ - Hình 3 

Hay như trước đó, hôm 5/12/2016 các quan chức Mỹ thừa nhận với Reuters rằng: "Ai thắng? Putin, Iran và Assad. Ai thua? Điều đó quá rõ ràng đó là chúng tôi, Jordan (nơi CIA đào tạo các chiến binh của phe nổi dậy ôn hòa) và đặc biệt là Ả Rập Saudi"

Theo Reuters, ngày 20/1/2017 tới đây sẽ là ngày ông Obama rời khỏi văn phòng của mình ở Nhà Trắng, với hàng loạt thất bại chính sách của ông tại Trung Đông trong những năm qua.

Đầu tiên là hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine bị dập tắt. Tiếp theo là việc quân Mỹ không thể rút lui hoàn toàn khỏi Iraq trong năm 2011.

Món ''bánh vẽ'' Mosul trao hụt cho bà Hillary, lỗi hẹn trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donal Trump vẫn đang khiến giới chức Mỹ đau đầu tìm ra giải pháp vẹn toàn.

Hôm 27/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã phải ngậm ngùi thừa nhận, quân đội Iraq có thể sẽ phải mất thêm 3 tháng nữa mới có thể đánh đuổi quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi chiến trường ở Mosul.

Tại Afghanistan, Taliban đang nổi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tại Libya, nơi mà Mỹ đã hậu thuẫn để lật đổ đại tá Muammar Gaddafi thì đang trong tình trạng hỗn loạn không hồi kết.

Nhưng Syria rõ ràng là thất bại nặng nề nhất khi Tổng thống Obama không can thiệp mạnh vào cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa sang các nước láng giềng hoặc châu Âu tị nạn.

Có thể thấy, chiến lược Mỹ và EU thực hiện nhằm vào Nga đã bị Tổng thống Putin vô hiệu hóa. Không những vậy, ông Putin và nước Nga đã biến những khó khăn, nghịch cảnh, thành động lực, cơ hội để nước Nga khẳng định vị thế của mình, xác lập lại một trật tự thế giới mới - nơi mà vai trò ''người điều khiển cuộc chơi'' của Mỹ đã mờ nhạt.

Trương Lương – Baodatviet