Đại biểu Quốc hội K H'Hoa (Đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 15/11/2018 (Ảnh: quochoi.vn)
Thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm, việc sửa đổi toàn diện luật nhằm thực hiện mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các nghị quyết của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Bàn về chính sách tín dụng sư phạm, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng hình thức vay vốn tín dụng chưa thực sự khả thi.
“Với quy định mới này, liệu ngành giáo dục có thu hút được học sinh giỏi vào các trường sư phạm hay không? Hiện nay, khi chúng ta vẫn đang thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì số học sinh giỏi đăng ký học ít hơn so với những năm trước, do sinh viên học xong không xin được việc làm. Việc chuyển sang hình thức tín dụng là một điểm mới và để tháo gỡ những bất cập hiện nay?”, đại biểu Phương đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Phương, việc đưa hình thức tín dụng chỉ là giải quyết “phần ngọn”, chỉ giải quyết được vấn đề ngân sách nhà nước bỏ ra cho việc đào tạo sinh viên sư phạm không bị lãng phí. Còn để giải quyết căn cơ, là cần quy hoạch lại các mạng lưới trường sư phạm, xác định quy mô đào tạo, chất lượng đầu vào của sinh viên và phải bảo đảm sinh viên tốt nghiệp ra trường được phân công công tác hoặc tìm được việc làm và có mức lương đủ sống, chứ không phải là vấn đề học phí. Đây mới là nút thắt cần phải tháo gỡ.
Đồng tình với việc giữ nguyên chính sách tín dụng giáo dục như luật hiện hành, đại biểu Ka H'Hoa (Đoàn Đăk Nông) đề cập thêm một số khía cạnh khác.
Đại biểu phân tích, tín dụng giáo dục áp dụng phổ quát cho người học ở mọi cấp học, ngành học, tức là phạm vi áp dụng rộng hơn, có tính chất chung nên chính sách này phải được chuyển vào Điều 83 quy định chung về chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí và tín dụng ưu đãi.
Tín dụng sư phạm chỉ áp dụng riêng đối với đối tượng là người học ngành sư phạm, nên đặt thành quy định riêng để có sự phân biệt rõ hơn hai chính sách tín dụng này. Đồng thời, chính sách tín dụng giáo dục mới chỉ quy định ngắn gọn, mang tính nguyên tắc, cần ủy quyền giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì mới có thể thực hiện được.
Về chính sách tín dụng sư phạm, đại biểu H’Hoa ủng hộ việc thay thế chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm bằng chính sách tín dụng sư phạm bởi chính sách này tiến bộ hơn, không chỉ đảm bảo vấn đề học phí mà cả sinh hoạt phí cho sinh viên. Tuy nhiên, điều mà Ủy ban Văn hóa nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra về cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm là rất quan trọng và cần có cơ chế, biện pháp để giải quyết một cách tối ưu.
Đánh giá chính sách trên của dự thảo luật nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho ngành giáo dục, một số đại biểu cũng đề nghị, để quy định khả thi, cần làm rõ sau khi tốt nghiệp và công tác trong ngành giáo dục trong thời gian bao lâu thì được hưởng tín dụng sư phạm trên.
Bên cạnh đó, quy định trên chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng, sư phạm và ra trường công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì được hưởng khoản vay tín dụng sư phạm. Còn đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, công tác trong ngành giáo dục thì có được hưởng khoản vay tín dụng sư phạm này không? Đề nghị xem xét và mở rộng ra đối với học sinh, sinh viên các trường khác và công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định.
Khoản 3 Điều 83 dự thảo luật quy định "Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng".
Trần Nguyên