Dư luận và các chuyên gia giáo dục đã nhiều lần lên tiếng về việc cần thiết phải đổi mới giáo dục bởi với nội dung và chương trình giáo dục như hiện nay, đã quá lạc hậu và xảy ra nhiều bất cập. Trước yêu cầu bức thiết đó, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.


Đề án đang được Bộ GD& ĐT xin ý kiến các chuyên gia và các nhà giáo dục. Dư luận quan tâm và kỳ vọng, nếu đề án được Chính phủ thông qua, giáo dục Việt Nam sẽ có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới.

Dạy thực, học thực

Đề án đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến triết lý giáo dục. Qua đó, giáo dục sẽ được chú trọng theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học. Từ mục tiêu đào tạo lấy số lượng sang chú trọng nhiều về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Với triết lý giáo dục đó, toàn bộ phương thức, mô hình đào tạo, cấu trúc chương trình, sách giáo khoa, công tác kiểm tra đánh giá thi cử, công tác quản lý giáo dục sẽ thay đổi. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT cho biết: “Chúng ta sẽ chuyển hệ thống giáo dục có tính cứng nhắc thiếu liên thông hiện nay, sang hướng giáo dục liên thông giữa nhà trường với môi trường xã hội để phát huy cao nhất các nguồn lực cho đào tạo. Nhưng vẫn đảm bảo được những ưu điểm của cơ chế thị trường, đảm bảo được định hướng phát triển XHCN trong giáo dục của nước ta”.

GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đánh giá cao dự thảo đề án lần này so với dự thảo trước đây. Theo ông Quân, đổi mới giáo dục phải xóa bỏ cơ chế chủ quản, xóa bỏ cơ chế xin - cho, xóa bỏ cầm tay chỉ việc; học phải trả tiền… Khuyến khích sáng tạo. Khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, đó là giải pháp đi tắt công nghệ đào tạo tiên tiến… Điển hình, ở Hàn Quốc, sinh viên học ở các trường ngoài công lập chiếm đến 67%, ở Malaysia còn cao hơn, trong khi đó ở Việt Nam chỉ có 12,7% rất thấp, thậm chí thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Giảm tính hàn lâm

Đối với bậc học phổ thông, đề án cũng nêu rõ chương trình cần giảm tính hàm lâm, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, năng lực vận hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú Hà Nội cho biết: Sự thay đổi mạnh mẽ từ học bắt buộc sang tự chọn ở bậc học phổ thông là hợp lý. Như vậy, sẽ giảm được áp lực về học quá nhiều nhưng không thu được kết quả là mấy. Các em học sinh sẽ có thời gian để học những môn kỹ năng cần thiết như đạo đức, lối sống…

Ngoài ra, mô hình trường phổ thông sẽ có những đổi mới căn bản, thông qua việc lấy mốc lớp 9 để phân hóa. Học sinh sẽ được đào tạo các kiến thức nền tảng cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9. Sau đó, các em có thể học lên tiếp hoặc nếu không thì chuyển qua học nghề hoặc lao động giản đơn. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh có mong muốn học cao hơn như cao đẳng, đại học sẽ chỉ học những môn bắt buộc, còn lại là những môn tự chọn theo nhu cầu.

Công tác kiểm tra, đánh giá thi cử cũng sẽ thay đổi. Ông Hiển cho biết: “Riêng về kỳ thi tốt nghiệp THPT và THCS, cũng sẽ có những cải tiến cần thiết để qua đó đảm bảo cho việc đánh giá được sát với chất lượng đào tạo. Đồng thời, kiến thức các em phải học sẽ gọn nhẹ hơn, nhưng kết quả đó vẫn có thể sử dụng được một phần đánh giá công nhận tốt nghiệp cho thi tuyển đầu vào của các trường CĐ, ĐH”.

Đồng tình với thay đổi trên, GS. Văn Như Cương, một chuyên gia tâm huyết trong ngành giáo dục chia sẻ, con em chúng ta đang phải đối đầu với cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu. Trước khi vào lớp 1, đã phải luyện thi để mong được vào trường điểm, trường có uy tín. Các kỳ thi vào lớp 10, trường chuyên, thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH đang làm cho học sinh khổ sở mà không đánh giá được thực chất của học sinh, vì không có cách gì để khắc phục những tiêu cực trong phòng thi.

Bên cạnh đó, để đề án có thể thành công thì việc đổi mới chính sách cho giáo viên rất quan trọng. GS. Văn Như Cương đề xuất: “Ngay cơ chế tài chính giáo dục cũng phải cải tiến, chi tiêu hợp lý cộng thêm tiết kiệm được cùng với đổi mới thì sẽ có thêm những phương tiện cải thiện đời sống giáo viên. Có như vậy, giáo viên giỏi mới gắn bó và cống hiến cho nghề”.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần phải có “cuộc cách mạng” đổi mới tư duy giáo dục của người dân đối với học hành, thi cử.

Cuộc cách mạng phải được thực hiện từ những cán bộ lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương; từ người có chức, có quyền đến người dân bình thường trong xã hội. Nếu được Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa 11 thông qua, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có bước đi cụ thể để mục tiêu đến năm 2016, công tác đổi mới có thể tiến hành mạnh mẽ và toàn diện.

Hoàng Hà