Tham gia góp ý về dự án Luật Việc làm sửa đổi, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành các dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Tham gia góp ý, ĐBQH Đào Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị Luật Việc làm sửa đổi xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan.
Đồng thời, dự án Luật cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024...); phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia như: Công ước của Liên Hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật, các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Giới thiệu các nội dung mới trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, ĐBQH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15. Tổng hợp những kiến nghị của các ĐBQH, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan. Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật Nhà giáo. Đồng thời cho rằng nên cụ thể hóa trong thực hiện chính sách thu hút đối với người có trình độ cao, người có tài, người có năng khiếu đặc biệt là nhà giáo dạy ở cấp bậc học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng. Nên quy định quyền của giáo viên trong và ngoài công lập như nhau; cần phân loại đối tượng đặc cách ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo ở các cấp bậc học, trong đó phải xác định được các tiêu chí, tiêu chuẩn...
ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu lên những điểm nghẽn mà dự thảo Luật Nhà giáo đã khắc phục sự bất cập của các luật liên quan. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề đó là: Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định việc bảo lưu một số chính sách như phụ cấp thâm niên nhà giáo... đối với nhà giáo được điều chuyển về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục, nhằm đảm bảo quyền lợi, ghi nhận quá trình cống hiến và động viên nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục.
Lý do: Quản lý giáo dục có tính chất đặc thù, đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục phải có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu và phải xuất phát từ thực tiễn dạy học, giáo dục hoặc quản lý tại cơ sở giáo dục. Thực tiễn trong thời gian qua, 100% cán bộ quản lý giáo dục tại Phòng, Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều xuất phát là những nhà giáo cốt cán thuộc các cơ sở giáo dục. Để đảm bảo quyền lợi, ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ nhà giáo, động viên nhà giáo giỏi về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục, rất cần bổ sung quy định nêu trên tại dự thảo Luật Nhà giáo.
Đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành nhằm thống nhất quy định Cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về nhà giáo, trong đó quan trọng nhất là việc chủ trì tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá đội ngũ nhà giáo; xem đây là yếu tố quan trọng nhất nhằm giúp ngành giáo dục thực hiện mục tiêu đảm bảo đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn giỏi, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục...
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất cao với các Tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội. Các ý kiến là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án Luật.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để chuyển đến các cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Khánh An