Giá gạo bật tăng trở lại
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng ngày 25/10, lúa Đài thơm 8 ở mức 8.600 - 8.800 đồng/kg; OM 18 dao động quanh mốc 8.500 - 8.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 duy trì ở mức 8.800- 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 dao động quanh mốc 8.400 - 8.800 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 8.400 - 8.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.500 - 8.800 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg. Với mặt hàng nếp, nếp Long An (khô) ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg; nếp An Giang (khô) ở mức 9.600 - 9.800 đồng/kg.
![Giá lúa gạo hôm nay điều chỉnh tăng với gạo. (Ảnh minh họa) Giá lúa gạo hôm nay điều chỉnh tăng với gạo. (Ảnh minh họa)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/10/25/lua-can-canh-6-1696568618-1698208664.jpg)
Trên thị trường gạo hôm nay, giá gạo bật tăng trở lại sau 2 phiên giảm. Theo đó, tại các kho xuất khẩu, giá các loại gạo nguyên liệu tăng 50 – 100 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, tại Đồng Tháp, giá gạo nguyên liệu OM 5451 tăng 50 đồng/kg lên mức 13.000 – 13.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 12.800 – 12.900 đồng/kg; gạo OM 380 dao động 12.750 - 12.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại An Giang, gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.900 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 12.950 - 13.100 đồng/kg. Tại kênh gạo chợ, giá gạo tại Tiền Giang, Đồng Tháp hôm nay cũng tăng 50 – 100 đồng/kg. Theo đó, tại Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 13.000 – 13.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.900 – 13.000 đồng/kg.
Với các chủng loại gạo còn lại, giá duy trì ổn định. Theo đó, giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 dao động quanh mốc 13.500 - 13.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 13.200 - 13.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 21 ở mức 13.800 - 14.000 đồng/kg; gạo ST 24 dao động quanh mốc 14.200 - 14.300 đồng/kg. Tương tự giá phụ phẩm cũng đi ngang, hiện giá tấm IR 504 ở mức 12.700 - 12.800 đồng/kg; giá cám khô duy trì ổn định ở mức 7.100 - 7.250 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo Nàng hoa 9 tăng 500 đồng/kg lên mức 19.500 đồng/kg. Trong khi đó, gạo nàng Nhen đi ngang và dao động quanh mức 26.000 đồng/kg; gạo Jasmine ổn định ở 16.000 - 18.500 đồng/kg; gạo tẻ thường ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo sóc thường 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg.
Indonesia lại tăng mua gạo Việt Nam
Trong những năm gần đây, Indonesia cố gắng tự chủ nguồn cung gạo, nhưng từ cuối năm 2022 do khô hạn bất thường nên họ bắt buộc phải nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đầu năm 2023, nước này có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, gần đây họ điều chỉnh mục tiêu, tăng lượng gạo nhập khẩu cả năm lên khoảng 2,4 triệu tấn. Theo kế hoạch năm 2024 quốc gia này sẽ tiếp tục nhập thêm 2 triệu tấn gạo.
Theo dữ liệu, từ tháng 1 đến tháng 9/2023, Indonesia đã nhập khẩu 1,79 triệu tấn gạo (tăng so với mức 288.707 tấn cùng kỳ năm ngoái). Các lô hàng lớn nhất đến từ Thái Lan, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Trong bối cảnh Ấn Độ chưa nới lỏng các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo; thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nguồn cung toàn cầu, việc Indonesia liên tục mở thầu gạo đã “hâm nóng” thị trường gạo thế giới cũng như Việt Nam.
![aaaaa aaaaa](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/10/25/indonesia-chi-tien-gap-53-lan-mua-gao-viet-thanh-khach-hang-lon-nhat-1147-1698208719.jpg)
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau khi giảm vào tuần đầu tháng 10, trong tuần qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại với mức tăng 20 USD/tấn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đang ở mức 643 USD/tấn và gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,6 triệu tấn, thu về 3,66 tỉ USD. Trong 9 tháng/2023, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859 nghìn tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Hôm qua (24/10), Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) ra thông báo mời thầu nhập khẩu 550.000 tấn gạo loại 5% tấm (trong đó 250.000 tấn từ Thái Lan và 300.000 tấn đến từ các nguồn cung Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia).
Kết quả dự thầu dự kiến được công bố vào ngày 25/10. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 30/12/2023 hoặc có thể được gia hạn khi Bulog đã nhận được sự chấp thuận gia hạn giấy phép nhập khẩu từ Chính phủ Indonesia.
Nhận định về gói thầu Bulog, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ Phước Thành 4 cho biết, thời điểm Philippines áp trần giá gạo và đánh thuế gạo nhập khẩu thì giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm nhẹ, nhưng sau đó họ bỏ áp trần giá nên giá gạo Việt Nam đã tăng lại. Như vậy với gói thầu Bulog cộng với việc Philippines bỏ trần giá gạo sẽ làm giá gạo Việt Nam tăng vọt. Tuy nhiên theo ông Thành, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo.
"Với diễn biến này chắc chắn giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm. Nhưng nếu tăng cao quá thì các nước khác sẽ giành lấy hết cơ hội bán gạo của Việt Nam, vì Bulog gọi thầu nhiều nước, không riêng Việt Nam”, ông Thành nói.
Minh An (t/h)