Đánh giá về mức độ vi phạm trong những năm trở lại đây, theo BCĐ 389 quốc gia, trong năm 2022, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã kiểm tra 57.652 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 10.888 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 25 tỷ đồng; năm 2023, kiểm tra 86.689 cơ sở, xử phạt vi phạm 10.750 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là hơn 17 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 44.302 cơ sở, xử lý vi phạm 6.114 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng...
Các hành vi phạm chủ yếu, gồm: Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm; hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm; khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng...
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời triển khai thi hành Luật Thủ đô, kể từ ngày 1/1/2025 tới đây, Hà Nội chính thức áp dụng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Cụ thể, vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng. Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm, có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.
Với mức tiền phạt trên nhằm tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thành Nam (t/h)