Lợi dụng chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước đối với thương binh và người tàn tật, nhiều đối tượng trên địa bàn TP. Hà Nội đang sử dụng loại xe 3 bánh để kinh doanh vận tải trái phép, gây nên tình trạng hỗn loạn, mất an toàn giao thông.
Đe dọa an toàn giao thông
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất xe 3 bánh (xe thương binh) tự chế, hoạt động không cần bất cứ một đăng ký hay điều kiện nào. Chỉ cần bỏ mươi mười lăm triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe 3 bánh mới có động cơ xe máy 100 phân phối, khung sườn và thùng chở hàng bằng thép, có thể chạy với tốc độ lên tới 80 km/h.
Do việc thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chưa đảm bảo các thông số kỹ thuật, rất nhiều xe 3 bánh không có đăng ký. Đa phần, các xe có đăng ký mang biển kiểm soát các tỉnh lân cận, tập trung nhiều ở Nam Định, Ninh Bình… Hầu như, không có xe 3 bánh nào mang biển kiểm soát Hà Nội. Thậm chí, rất nhiều xe không đảm bảo đầy đủ các bộ phận như gương chiếu hậu, đèn xi-nhan… Bên cạnh đó, đầu máy của xe, kích thước thùng chứa đồ của mỗi xe cũng khác nhau, chưa có một quy chuẩn chung.
Tuy nhiên, vấn đề xử phạt những loại xe như thế này là điều hết sức khó khăn. Bởi lẽ, để dễ bề hoạt động và tránh sự chú ý của lực lượng quản lý thị trường, thanh tra giao thông…, những chiếc xe 3 bánh giả danh thương binh cũng tự gắn các logo của hội cựu chiến binh và người khuyết tật. Kèm theo đó là các khẩu hiệu của người lính Cụ Hồ năm xưa như “Bác vẫn cũng chúng cháu hành quân”; “Vì nhân dân phục vụ”…
Điều đáng nói, nhiều “siêu tài xế” không có bằng lái; tiện đâu lập bãi đỗ đấy. Hiện phương tiện vận chuyển giá rẻ này tập trung nhiều trên các tuyến phố Đê La Thành, Láng, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng..., thậm chí cả ở các phố lớn. Các bến bãi này thường phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như tụ tập bài bạc, cá độ…
Hình ảnh những người trẻ măng điều khiển xe 3 bánh của thương binh chở hàng cồng kềnh chạy với tốc độ cao, lạng lách, va quệt không còn xa lạ, đang là nỗi ám ảnh cho người dân khi tham gia giao thông.
Cần biện pháp quyết liệt
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, năm 2009, số lượng xe 3 bánh của thương binh trên địa bàn là 517 xe, việc giả mạo thương binh sử dụng xe 3 bánh thời điểm này là rất ít; tuy nhiên, đến nay, con số đã lên đến hơn 3.000 xe. Trong khi đó, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, số lượng thương binh trên địa bàn chỉ hơn 500 người.
Được biết, các hiệp hội, công ty vận tải của thương binh và người khuyết tập được lập ra nhằm mục đích nêu cao tấm gương lao động của người lính trong thời bình: “Tàn nhưng không phế”. Việc xã hội tạo điều kiện cho những DN như trên cũng là một cách ghi nhớ công ơn của những người lính năm xưa...
Tuy nhiên, trong số đó, có những DN vì món lợi trước mắt, đã tìm cách hợp thức hóa cho những thanh niên lành lặn, khỏe mạnh tham gia hoạt động, làm sai lệch đi mục đích vốn có khi thành lập DN.
Vì vậy, không ít lần, tài xế xe thương binh đã tập trung tại trụ sở UBND Thành phố để phản ánh và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý tình trạng các cá nhân giả danh thương binh điều khiển xe 3 bánh tham gia giao thông mất an toàn, ảnh hưởng đến uy tín của những người thương binh.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Thực trạng nhức nhối đó đã tồn tại bấy lâu nay. Để giảm thiểu vấn nạn này, chúng tôi cũng muốn hướng những người thương binh và khuyết tật chuyển đổi nghề. Từ đó, sẽ không còn việc “núp bóng”, giả mạo thương binh để hành nghề gây nhiều bức xúc cho người dân và làm ảnh hưởng đến uy tín của người thương binh”.
TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý tình trạng giả danh thương binh điều khiển xe 3 bánh
Thiên Đức - Duy Thế