Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Ông Phạm Quang Khánh, Ủy viên HĐQT đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu AAV để giảm sở hữu từ 16,26 triệu cổ phiếu (23,57% vốn điều lệ), về 10,26 triệu cổ phiếu (14,88% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 14/1 đến ngày 12/2.

Ở chiều ngược lại, cũng từ ngày 14/1 đến ngày 12/2, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT AAV Group đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu AAV để nâng sở hữu từ 3,86 triệu cổ phiếu (5,6% vốn điều lệ) lên hơn 9,86 triệu cổ phiếu (14,29% vốn điều lệ).

Như vậy, trong cùng thời gian, hai lãnh đạo cấp cao đăng ký mua vào và bán ra cùng lượng cổ phiếu, đây nhiều khả năng là giao dịch trao tay giữa hai lãnh đạo.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, AAV Group ghi nhận doanh thu đạt 3,47 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ 7,09 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 11,92 tỷ đồng (năm 2023 lỗ 16,94 tỷ đồng).

Năm 2024, AAV Group đặt kế hoạch doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2024, AAV Group còn cách rất xa kế hoạch năm 2024.

Với việc tiếp tục lỗ trong 9 tháng đầu năm 2024, tính tới 30/9/2024, tổng lỗ luỹ kế của AAV Group lên tới 19,36 tỷ đồng, bằng 2,8% vốn điều lệ.

Cổ phiếu AAV bật tăng từ tháng 4/2024 dù tình hình kinh doanh vẫn thua lỗ
Cổ phiếu AAV bật tăng từ tháng 4/2024 dù tình hình kinh doanh vẫn thua lỗ

Về diễn biến giá cổ phiếu, cổ phiếu AAV vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2024, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 là số âm và đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu AAV tăng 100 đồng lên 7.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 143% so với đáy ngày 16/4/2024 là 3.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, dù kinh doanh lao dốc nhưng giá cổ phiếu AAV vẫn có xu hướng bật tăng và đi ngược tình hình kinh doanh.

Hà Trần (t/h)