Huế: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phong Điền - Hình 1

                                       Lợn chết ở gia đình ông Tạ Hồng Uẩn

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y Thừa Thiên Huế cho biết: Gia đình ông Tạ Hồng Uẩn có đàn lợn gồm 06 con, từ ngày 16/03 – 17/03 chết bất thường 04 con, 02 con còn lại đã được tiến hành tiêu hủy ngay trong chiều 18/03. Kết quả xét nghiệm từ các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Huế: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phong Điền - Hình 2

Sau khi phát hiện ổ dịch tại gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế đã tiến hành mổ khám, lấy mẫu bệnh phẩm và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh ngay lập tức. Đồng thời tiến hành xử lý vôi, tiêu độc khử trùng tại địa điểm tiêu hủy lợn.

Hiện nay, ban chỉ đạo các xã đã tiến hành kiện toàn, thành lập các chốt xung quanh khu vực ổ dịch để phong tỏa người ra vào cũng như các loại gia súc, gia cầm. Đồng thời triển khai rà soát những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn để thực hiện không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thôn Hiền An, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế thông tin thêm.

Huế: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phong Điền - Hình 3

Sau khi nhận được thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã đến tận nơi kiểm tra, chỉ đạo xử lý cấp bách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh, trước tình hình rất nguy cấp hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm đến từng hộ nuôi, trang trại, các doanh nghiệp nuôi lợn… tiến hành tiêu độc khử trùng, thực hiện các biện pháp sinh học. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng và lãnh đạo chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp; tiến hành lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh qua các khu vực khác.

Huế: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Phong Điền - Hình 4

Ngoài việc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh thì việc phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, dập dịch là công tác quan trọng bậc nhất. Như ở trường hợp của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, các đơn vị đã kịp thời phát hiện và tiến hành tiêu hủy, triển khai các bước tiếp theo để khoanh vùng dập dịch. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn các hộ nuôi, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nuôi lợn phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình. Đồng thời thực hiện đúng cam kết 05 không trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: không dấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương lưu ý. “Diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện rất là phức tạp, dấu hiệu bệnh bên ngoài của lợn  không có dấu hiệu cơ bản như chúng ta từng biết. Như trường hợp của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn, nhìn bên ngoài thì không hề có dấu hiệu xuất huyết hoặc dấu hiệu dịch tả, do đó, nếu heo bị bệnh, có dấu hiệu ốm chúng ta phải ngay lập tức thông tin đến các đơn vị chức năng để các đơn vị này triển khai các biện dập dịch”, 

                                                                                                                          Trần Minh Tích