THCL Mỗi năm hơn một tỷ gói thuốc lá lậu tràn vào Việt Nam, trong đó chủ yếu qua tuyến biên giới Tây Nam. Trên thị trường, thuốc lá lậu vẫn được bán công khai, gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đối tượng buôn lậu tập kết thuốc lá dưới sông giáp biên giới Long An - Campuchia

Những ngày đầu tháng 9/2015, chúng tôi theo chân lực lượng chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới giáp Campuchia và ghi nhận, tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp. các đường dây, ổ nhóm hết sức tinh vi và liều lĩnh.

Có thể khẳng định: Không có khu vực biên giới nào buôn lậu thuốc lá lại rầm rộ như vùng biên giới Tây Nam. Suốt dọc tuyến biên giới từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, nơi nào cũng là cung đường thuốc lá lậu, nhưng nóng nhất là địa bàn Tây Ninh và Long An.

135 km đường biên giới của Long An giáp với Campuchia luôn là điểm nóng buôn lậu thuốc lá bậc nhất của cả nước. Vào mùa mưa, ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ, những cánh rừng tràm xanh ngút tầm mắt. Cùng với mùa nước nổi, hệ thống kênh rạch chằng chịt là thế “đắc địa” để thuốc lá lậu tung hoành.


Lực lượng chống buôn lậu tỉnh Long An thu giữ lượng lớn thuốc lá nhập lậu do đối tượng buôn lậu tháo chạy

Không quá khó để chứng kiến đường đi, lối về của dân buôn lậu thuốc lá. Theo đội chống buôn lậu, chúng tôi mật phục tại khu rừng tràm xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, giáp biên giới Campuchia. Anh Phạm Văn Triển - cán bộ Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Long An) - chỉ tay về phía bên kia biên giới, nơi những đống thuốc lá lậu chất cao như những cây rơm cho biết, những bao tải thuốc lá này sẽ được đai vác qua biên giới rồi chất lên vỏ lãi (một loại thuyền máy đã được cải tạo) để chuyển sâu vào nội địa Việt Nam.

Khi màn đêm buông xuống, từng bóng người thoắt ẩn, thoắt hiện vác những bao tải thuốc, nhanh lẹ vượt biên giới đưa xuống vỏ lãi rồi nổ máy tăng tốc, luồn lách vào những cánh rừng tràm. Chiếc ca nô của chúng tôi được lệnh xé nước đuổi theo, nhưng chỉ sau 10 phút, chiếc vỏ lãi như con cáo ma mãnh đã biến mất trong màn đêm của rừng. “Cất công chuẩn bị cả tuần, vậy mà “mẻ vó” đêm nay mất trắng!” - anh Triển - chỉ huy đội chống buôn lậu tiếc hùi hụi.

Đã nhiều năm theo chân lực lượng chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, từ Ngọc Hồi - Kông Tum, đến Tây Ninh, Bình Phước và tuyến biên giới Tây Nam, chúng tôi hiểu nỗi nhọc nhằn của lực lượng này. Dân buôn lậu luôn trăm kế, ngàn sách, có lực lượng tai mắt cảnh giới, chỉ cần lực lượng chống buôn lậu có dấu hiệu động binh là họ có kế sách đối phó.

Nhưng cuộc chiến chống buôn lậu chưa bao giờ dừng lại. vẫn bủa vây, giăng lưới, mật phục khiến dân buôn đôi lúc không kịp trở tay. 3 giờ sáng ngày 9/9/2015, trong cơn mưa nặng hạt và cái lạnh se sắt, tại khu rừng tràm xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, chiếc vỏ lãi đã bị lực lượng chống buôn lậu tóm gọn, thu được 5.100 gói thuốc, nhưng đối tượng chủ mưu đã nhanh chân trốn thoát.


Thuốc lá lậu thu được ở Long An

Ông Nguyễn Văn Sâm - Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Long An) - cho biết, tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ, thuốc lá vượt biên bằng nhiều cách. Vỏ lãi chuyển thuốc lá từ kênh Bình Thành, Bình Hòa Nam và kênh Thầy Cai về tập kết ở Củ Chi. Trên đường bộ, xe máy chạy bạt mạng từ vùng giáp biên giới Đức Huệ và Đức Hòa hướng về Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh). Mỗi vỏ lãi chở 6.000 - 8.000 gói thuốc/chuyến, các phương tiện “ăn hàng” từ 8 - 9 giờ sáng, 6 giờ tối đến sáng hôm sau, hoạt động mạnh vào thứ bảy, chủ nhật và lễ, tết. Do địa bàn rộng và phức tạp, nên đội xuất quân 3, 4 lần mới bắt được 1 vụ. thuốc lá lậu bị bắt chỉ bằng 1/3 số lượng đã thẩm lậu qua biên giới.

Nhìn vào bảng thống kê chúng tôi thấy, tháng 8/2015, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh Long An đã bắt giữ 182.350 gói thuốc lá lậu và trong 8 tháng đầu năm bắt gần 1,6 triệu gói. Ông Võ Thiện Ngộ - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Long An - cho hay, lực lượng chống buôn lậu chỉ bắt giữ được người làm thuê, còn đầu nậu vẫn nằm ngoài vòng pháp luật.

Tỉnh Tây Ninh có 240 km đường biên, buôn lậu thuốc lá nóng nhất là địa bàn xã Phước Chỉ, Rạch Tràm, Cầu Sắt, Tà Beng, cầu Tà Chót huyện Trảng Bàng. Những địa bàn giáp biên này ít dân, đồng rộng, nhiều kênh rạch và gần TP.Hồ Chí Minh nên mùa nước nổi là lúc buôn lậu tăng tốc. Cứ vào chập choạng tối, thuốc lá lậu theo ghe xuôi kênh Thầy Cai về Củ Chi; một lực lượng khác theo đường bộ qua Đức Huệ, Đức Hòa (Long An), quốc lộ 22 về Hóc Môn, Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh).

Chi Cục trưởng QLTT tỉnh Tây Ninh Võ Thanh Phong chia sẻ, sau khi lực lượng 389 tăng tần suất kiểm tra, dân buôn đã chuyển qua dùng xe tải, taxi, xe khách và cả xe du lịch đời mới để chuyển thuốc lá lậu.

Ông Huỳnh Văn Quang - Cục trưởng Cục Hải quan kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 Tây Ninh - đánh giá, buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới tuy từng lúc, từng nơi có giảm, nhưng tình hình chỉ tạm lắng khi lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm soát. Khó khăn trong việc chống thuốc lá lậu ở Tây Ninh do đầu nậu có các đường dây chặt chẽ, dùng thiết bị hiện đại theo dõi mọi hoạt động của lực lượng; liên tục thay đổi phương thức và rất hung hãn, sẵn sàng chống trả, gây thương tích cho lực lượng chống buôn lậu.

Thuốc lá lậu vận chuyển qua đường sắt, đường biển, đường hàng không (hàng xách tay) tại khu vực miền Nam tăng chóng mặt. Trên tuyến đường sắt, thuốc lá lậu từ Lao Bảo xuôi vào Nam với số lượng lớn. Tại ga Sài Gòn, ga Sóng Thần trước đây là điểm nóng buôn lậu thuốc lá. Trên tuyến đường thủy, một lượng thuốc lá và nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc lá chứa trong container qua cảng, phần nhiều vận chuyển bằng ghe tàu, tập trung tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… Thuốc lá thẩm lậu qua cảng biển vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ yếu chở bằng container. Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh vừa bắt giữ 1 container chứa hơn 100.000 bao thuốc lá tại cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 4.

Đại diện ga Sóng Thần cho biết, hàng lậu bị lực lượng QLTT, hải quan bắt giữ trên tàu hỏa chủ yếu là hàng điện tử, hàng tiêu dùng, đường cát, riêng thuốc lá đã giảm rất nhiều. Nguyên nhân do lực lượng chống buôn lậu đánh mạnh, dân buôn lậu trên các phương tiện trên ém mình hoặc chuyển hướng, chuyển hàng theo phương thức khác.

Theo Báo Công Thương