THCL Trong quá trình tìm hiểu thông tin về dự án (DA) buýt nhanh (BRT) với những chiếc xe “dát vàng” và hạ tầng kèm theo đáng giá “nghìn tỷ” của Hà Nội, chúng tôi ngỡ ngàng trước khả năng “chẻ” DA của đơn vị chủ đầu tư. Cứ mỗi lần DA được “chẻ” ra, vốn cho DA lại được… chuyển theo hướng đầu tư “thêm” cho khá nhiều sở, ngành nữa.
Mạnh tay đi vay để làm “siêu” dự án
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt năm 2007, với ba hợp phần gồm: hợp phần buýt nhanh BRT; hợp phần Xây dựng đường (đường vành đai 2, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long, đường Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê, hoàn chỉnh nút giao thông Bưởi); và cuối cùng là hợp phần có tên gọi khá mông lung: “Tăng cường Thể chế”, với mục tiêu là tăng cường năng lực quản lý cho các cơ quan liên quan của thành phố.
Theo những gì được thể hiện trong văn bản DA, sở dĩ UBND TP Hà Nội quyết tâm vay vốn thực hiện DA là nhằm mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng giai đoạn trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội. Để thực hiện vô số mục tiêu của ba hợp phần tạo thành DA ấy, Hà Nội xác định vốn để triển khai DA sẽ lấy từ ba nguồn. Đó là vay vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), cuối cùng là sử dụng thêm vốn đối ứng từ nguồn ngân sách thành phố.
Kể từ khi được phê duyệt (năm 2007) đến nay, trong 10 năm triển khai, DA đã có nhiều lần thay đổi, điều chỉnh, gia hạn hiệp định vay vốn. Kết quả là số gói thầu, hạng mục công việc thay đổi liên tục, và kèm theo đó là thay đổi, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phân bổ nguồn vốn… cũng thay đổi theo.
Số liệu từ năm 2013 cho thấy, tổng mức đầu tư dành cho DA lúc này được điều chỉnh là 460,192 triệu USD, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. Trong số này Hà Nội phải đi vay ODA 130,198 triệu USD và nhận viện trợ từ GEF 11,15 triệu USD, còn lại 318,844 triệu USD là vốn đối ứng.
Đến năm 2016, DA tiếp tục được điều chỉnh giảm đầu tư một số hạng mục, và từ đó giảm tổng mức đầu tư xuống 332,599 triệu USD, trong đó vốn vay là hơn 115,5 triệu USD, vốn viện trợ là 11,15 triệu USD, vốn đối ứng của thành phố là hơn 205,851 triệu USD, thời gian kết thúc ký kết giữa Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) là ngày 31-12-2016. DA lúc này vẫn gồm ba hợp phần chính, gồm: đường vành đai 2 chiều dài 6.081m với điểm đầu nối với cầu Nhật Tân, điểm cuối nối với đường Láng; hợp phần xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã dài 14,7km; hợp phần tăng cường thể chế nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển chung của DA. Theo hiệp định, DA sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2016.
“Chiếc bánh” được chia như thế nào?
Đi vay vốn là một chuyện, còn tiêu tiền thực hiện DA lại là một chuyện khác. Cách mà
Hà Nội triển khai thực hiện là chia nhỏ các gói thầu, hay còn gọi nôm na là “chẻ” DA, và giao nhiệm vụ để làm sao nhiều sở, ngành nhất “được” tham gia thực hiện “siêu” DA.
Cụ thể, vào năm 2008, Hà Nội đã phê duyệt 28 gói thầu của ba hợp phần thuộc DA này. Trong đó, hợp phần BRT có 9 gói thầu, hợp phần Xây dựng đường có 6 gói thầu, và hợp phần Thể chế có 13 gói thầu. Lúc này tổng mức đầu tư DA dự kiến là 452,42 triệu USD, tương đương 7.238 tỷ đồng (với tỷ giá 1 USD = 16.000 đồng).
Đến năm 2010, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh, bổ sung nhiều danh mục, số lượng, chủng loại, kinh phí và các đơn vị tiếp nhận phương tiện chuyên dùng, thiết bị thuộc DA. Tổng kinh phí điều chỉnh, bổ sung là hơn 2,454 triệu USD. Mà theo đó, một loạt cơ quan bỗng dưng được “chia phần” vốn đầu tư từ DA. Cụ thể, trong khi Công an Hà Nội từ mức đầu tư 849.600 USD giảm còn 663.750 USD; Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội từ 1.887.000 USD điều chỉnh còn 1.765.000 USD. Còn Văn phòng UBND TP Hà Nội từ không nhận được kinh phí trong DA ban đầu, sau điều chỉnh, lại được bổ sung đầu tư… 25.350 USD từ nguồn kinh phí vay ODA. Số tiền này dùng để “bổ sung” 01 máy chủ FPT nâng cấp mạng LAN, mua mới 08 máy tính xách tay, và 01 máy ảnh kỹ thuật số… để phục vụ riêng cho DA.
Cũng với lý do phục vụ riêng cho DA, Sở GTVT Hà Nội được đầu tư điều chỉnh, bổ sung tới 25 loại thiết bị bao gồm: 35 máy tính, 11 máy tính xách tay, 02 xe ô-tô 08 chỗ, 02 xe ô-tô 05 chỗ, 02 xe cứu hộ, 01 xe tải có cần trục tự hành, 08 máy in, 02 máy in mầu, 02 máy photocopy, 02 máy chủ FPT nâng cấp mạng LAN, 05 máy ảnh kỹ thuật số, 03 máy quay video, 02 máy quét, 02 máy chiếu, 01 phần mềm quản lý hợp đồng, 01 phần mềm quản lý hạ tầng cơ sở và thiết bị, 01 phần mềm quản lý quy hoạch và điều chỉnh giao thông công cộng, 06 cân điện tử xách tay, 02 máy đếm xe tự động, 08 máy đếm xe điện tử xách tay...
Trong khi mặc định việc đầu tư máy móc thiết bị để hiện đại hóa hoạt động sở, ngành Hà Nội là lấy từ nguồn ngân sách, thì dường như, nếu không có DA phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Sở GTVT sẽ không thể có máy móc thiết bị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở này.
Hợp phần làm đường vành đai 2, đoạn từ Nhật Tân đến nút giao thông Bưởi.
Các năm 2010, 2011, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh bổ sung đầu tư nhiều hạng mục, đơn vị thụ hưởng khác. Trong đó, Hà Nội thực hiện rất nhiều gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị trong các hợp phần của DA. Chẳng hạn, đối với hợp phần làm đường vành đai 2, Hà Nội thiết kế các gói xây dựng đường đoạn từ Nhật Tân đến nút giao thông Bưởi với giá trị là 244,608 tỷ đồng. Nhưng sau đó, tách thành ra làm hai gói thầu mới, là gói từ Nhật Tân đến Xuân La và gói từ Xuân La đến Bưởi. Cụ thể, gói Xây dựng đường, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tunnel kỹ thuật đoạn từ Nhật Tân đến Xuân La có giá trị 156,320 tỷ đồng, gói xây đường đoạn từ Xuân La đến Bưởi 127,840 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư của đoạn này, do thế, vọt lên thành… 280,1 tỷ đồng.
Gói xây nút giao thông Cầu Giấy từ 149,920 tỷ đồng được điều chỉnh đến 175,680 tỷ đồng; gói xây dựng nút giao thông Bưởi từ 190,576 tỷ đồng điều chỉnh lên 221,440 tỷ đồng; gói xây dựng đường, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tunnel kỹ thuật đoạn từ Bưởi đến Cầu Giấy từ 252,704 tỷ đồng điều chỉnh lên…312,320 tỷ đồng.
Đối với hợp phần “Tăng cường thể chế”, Hà Nội thiết kế liền 02 gói tăng cường thể chế và đào tạo cho Sở GTVT, Văn phòng UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý DA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Thanh tra GTVT, Phòng Cảnh sát Giao thông… với tổng giá trị gói đào tạo nhằm “tăng cường thể chế” là… 22,896 tỷ đồng.
Gói mua sắm thiết bị chuyên dùng và thiết bị cưỡng chế giao thông trang bị cho Công an TP Hà Nội và Sở GTVT ban đầu có trị giá 8,128 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh thành 02 gói với tổng mức lên đến 16,128 tỷ đồng. Trong đó, gói mua sắm phương tiện tuần tra giao thông cho Công an TP Hà Nội và Sở GTVT là 8,128 tỷ đồng và gói mua sắm thiết bị chuyên dùng cho cơ quan quản lý giao thông công cộng là 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn thiết kế nhiều gói thầu khác, như gói mua sắm thiết bị văn phòng trang bị cho Văn phòng UBND TP Hà Nội, Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc Sở GTVT là… 2,244 tỷ đồng; Gói Hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị và thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng là 29,809 tỷ đồng...
Tại hợp phần buýt nhanh BRT, UBND TP Hà Nội đã thiết kế gói thầu “Tuyên truyền và Truyền thông” với giá trị lên đến… 22,880 tỷ đồng.
Có thể thấy, với cách thiết kế các gói thầu mua sắm, trang thiết bị như kể trên, rất nhiều sở, ngành Hà Nội được thụ hưởng từ “siêu” DA Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Việc thụ hưởng ấy, nếu không thực hiện ở gói thầu này thì cũng “hiện diện” gói thầu khác, không hợp phần này thì cũng ở hợp phần khác. Trong khi “siêu” DA Phát triển giao thông đô thị Hà Nội chưa rõ đóng góp cho đời sống người dân được bao nhiêu, thì có rất nhiều sở, ban, ngành của Hà Nội, và đằng sau đó là cả loạt doanh nghiệp cung cấp thiết bị, được thụ hưởng thật sự từ “siêu” DA này.
Theo Nhóm phóng viên Thời Nay