Bảng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Bảng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Sáng 2/6, với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ngoài ra, Nghị quyết điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 việc trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023), thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023) các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về đề nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Theo quy định tại các nghị quyết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại kỳ họp cuối năm 2023; đồng thời, trong dự kiến Chương trình năm 2023, năm 2024 đã có các dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: “Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên. Quá trình nghiên cứu, sơ kết, xây dựng các dự án luật có liên quan, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để làm rõ, đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý, phát triển đô thị đặc biệt“.

PV (T/h)